Một mình “trôi dạt”để… tìm lại mình

01/09/2024 - 07:14

PNO - Khoảng 1 thập niên gần đây, hình thái du lịch độc đáo - du khách chọn sống tách biệt trên hoang đảo, không hướng dẫn viên, bạn đồng hành lẫn cư dân bản địa - đang phát triển nhanh đến khó tin. Vì sao hàng ngàn người yêu thích cảm giác cô độc hoàn toàn giữa thiên nhiên?

“Góc nhỏ” miền nhiệt đới nơi Gary Beeck tận hưởng kỳ nghỉ sở hữu khung cảnh nên thơ điển hình: rừng cọ xanh tươi, nước biển trong veo, bãi cát vàng trải rộng ngút tầm mắt. Beeck - người đàn ông gốc Úc, 67 tuổi đã nghỉ hưu - vẫn hơi lo lắng vì đây là một hòn đảo không người nằm ngoài khơi bờ biển Sumatra (phía tây Indonesia). Không lâu sau khi đặt chân lên đảo, con thuyền và nhóm hướng dẫn viên đưa ông tới rời đi. Beeck ở lại đảo, một mình.

“Khoảnh khắc ấy, thú thật tôi từng đắn đo, tự hỏi tôi đang làm gì đây” - Beeck bày tỏ. Thế nhưng, bất chấp mọi băn khoăn, ông muốn trải nghiệm chuyến đi đặc biệt này.

Trải nghiệm được tách biệt

Beeck là khách hàng của công ty du lịch Docastaway. Trong vòng 12 ngày, chỉ dựa vào vài dụng cụ hỗ trợ sinh tồn đơn giản, ông sống trên đảo, lấp bụng với dừa, cá tươi và những loại thức ăn khác tự hái hay câu được.

Docastaway đã đưa hơn 1.000 du khách đến khám phá các hòn đảo nhiệt đới hoang sơ,  chưa từng được khai phá, nằm rải rác khắp thế giới
Docastaway đã đưa hơn 1.000 du khách đến khám phá các hòn đảo nhiệt đới hoang sơ, chưa từng được khai phá, nằm rải rác khắp thế giới

Dẫu ban đầu có phần chần chừ trước “thử thách” mới mẻ này, Beeck không hề xa lạ với những chuyến du lịch phiêu lưu. Ông từng khám phá dãy Himalaya bằng xe máy, lái thuyền buồm vượt Địa Trung Hải, qua eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và Malacca. Giữa lúc dong buồm thưởng ngoạn phong cảnh, đôi khi Beeck nhìn về một số hòn đảo nhỏ hoang vắng ông tình cờ trông thấy trên đường. “Khi ấy tôi nảy ra một thôi thúc táo bạo. Tôi muốn thử sống vài ngày giữa chốn không người đó” - ông nói.

Docastaway giúp hiện thực hóa ý tưởng của Beeck theo cách an toàn. Họ sáng tạo nên dịch vụ du lịch “trôi dạt” dành cho những ai muốn một trải nghiệm vừa mang yếu tố phiêu lưu, vừa thư giãn và độc lập. Nếu phát sinh nguy hiểm trên đảo trong lúc chỉ có một mình, du khách có thể ấn nút gọi khẩn cấp trên thiết bị cứu hộ được phát.

Năm 2010, khi Docastaway (trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc) vừa đi vào hoạt động, theo lời quảng bá, họ là doanh nghiệp đầu tiên chuyên về dịch vụ trên. Kể từ đó, hơn 10 năm trở lại đây, một số đơn vị tương tự bắt đầu xuất hiện. No Limit Journeys (Úc) - nổi tiếng về các tour du lịch theo phong cách sống còn “đem lại kích thích mạo hiểm lôi cuốn và chân thật nhất” - giới thiệu loạt điểm đến thú vị như Tonga, quần đảo Solomon, Fiji và Chile. Desert Island Survival (Anh), thành lập năm 2016, cung cấp cho du khách không ít khóa học và gói du lịch trải nghiệm sinh tồn theo phong cách tương tự tại Philippines, Tonga, Indonesia và Panama.

“Chúng tôi nhận ra ngày càng nhiều người đam mê du lịch muốn thử sức với những chuyến đi một mình tới hoang đảo để cảm nhận lối sống tách biệt khỏi cuộc sống tất bật bên ngoài” - Mark Allvey - Giám đốc sáng lập Untold Story Travel - một văn phòng du lịch khác tại Anh đang ứng dụng mô hình du lịch “trôi dạt” trên các hoang đảo - chia sẻ.

Một chuyên gia trong ngành du lịch đồng tình: “Một bộ phận du khách đang có khuynh hướng muốn theo đuổi giấc mơ được biệt lập giữa thiên nhiên, ở những nơi hoang vu, trong lành, chưa lưu dấu chân con người”.

Dành cho người thích độc hành

Alvaro Cerezo - nhà sáng lập Docastaway - bộc bạch về ý tưởng làm du lịch độc đáo của mình: “Tôi là người thích cảm giác tự chủ và cô đơn. Lớn lên ở một miền biển thường đông khách du lịch, tôi thích tự mình lui tới nhiều vịnh nhỏ xa xôi, vắng bóng người. Với tôi, sức hấp dẫn của những nơi chốn yên ả ấy thật khó cưỡng”.

Những chuyến đi “trôi dạt” trên hoang đảo lôi cuốn nhiều người thích du ngoạn một mình lẫn một số cặp đôi ưa thích du lịch mạo hiểm
Những chuyến đi “trôi dạt” trên hoang đảo lôi cuốn nhiều người thích du ngoạn một mình lẫn một số cặp đôi ưa thích du lịch mạo hiểm

Cerezo (43 tuổi, người gốc Tây Ban Nha) say mê các môn thể thao ngoài trời và khám phá thiên nhiên. Ở tuổi 20, vào đầu thập niên 2000, nhìn thấy lượng người đến du lịch ở quê nhà ngày càng đông, chốn bình yên bí mật của riêng anh không còn là bí mật nữa, Cerezo quyết tâm bước ra thế giới, tìm kiếm trải nghiệm tự do tự tại anh khao khát.

Vừa học chuyên ngành kinh tế, vừa đi du lịch, Cerezo đã đặt chân đến một vài vùng sa mạc lẫn biển đảo hẻo lánh nhất hành tinh, trải dài từ Indonesia, châu Phi đến Caribe.

Năm 2008, anh biến sở thích cá nhân thành dự án kinh doanh. Trang web dịch vụ du lịch Docastaway chính thức ra mắt năm 2009. Năm sau đó, công ty chào đón vị khách đầu tiên muốn thử dấn thân vào một cuộc phiêu lưu “trôi dạt”. Tới nay, Cerezo đã thu hút hơn 1.000 du khách đến trải nghiệm các hoang đảo thuộc châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương.

Không phải tất cả khách hàng của Docastaway đều là người đam mê phiêu lưu hoặc có kinh nghiệm tham gia thể thao mạo hiểm. Vì lẽ đó, công ty giới thiệu gói du lịch thư giãn thích hợp với đối tượng du khách phổ thông: một nhà nghỉ nhỏ trên hoang đảo, có phòng bếp với những tiện nghi cơ bản và thực phẩm đủ dùng trong thời gian họ ở lại. Song song đó, khách đăng ký gói “sinh tồn” (hoàn toàn tự túc) cũng có thể gọi vào số cứu hộ khẩn cấp bất cứ lúc nào hoặc dự trữ thêm nước và thức ăn trước khi lên đảo.

Một khoảng lặng riêng

“Tôi cảm thấy mình cần tạm giải phóng bản thân khỏi những áp lực xã hội. Tôi muốn gác lại mọi lo nghĩ để tìm lại chính tôi” - nữ du khách người Nhật Urara Takaseki - từng tham gia du lịch “trôi dạt” 7 ngày trên một hòn đảo tại Indonesia - chia sẻ.

Đó là năm 2018, khi Takaseki tròn 20 tuổi. Trước chuyến đi, cô là một sinh viên phải chật vật vừa học vừa làm, cảm thấy chơi vơi trước muôn vàn sự lựa chọn và định hướng tương lai. Chính chuyến đi mạo hiểm ấy đã thay đổi tư duy của cô về cuộc sống. Ngày nay, người phụ nữ trẻ là một doanh nhân triển vọng và nghiên cứu sinh tại Đại học Tokyo. “Những ngày trên đảo, chỉ có mình tôi tĩnh lặng đối diện bản thân. Không có lịch trình nào cả, chỉ có sự bình thản… gần như là một trải nghiệm thiền” - cô tâm sự. Khi quay về Tokyo, Takaseki được tiếp thêm năng lượng để đón nhận mọi thứ theo góc nhìn mới. Cô quyết định làm việc ít lại, chỉ tập trung phấn đấu vì những thứ cô thật sự yêu thích.

Những ngày trên đảo, Beeck mắc võng, dựng tấm bạt nhỏ để vừa hóng mát vừa làm nơi trú ẩn tạm thời
Những ngày trên đảo, Beeck mắc võng, dựng tấm bạt nhỏ để vừa hóng mát vừa làm nơi trú ẩn tạm thời

Đến nay, vẫn chưa có thống kê chính thức nào về số lượng hoang đảo rải rác khắp thế giới. Tính riêng Na Uy và Thụy Điển đã tồn tại hàng trăm ngàn hòn đảo chưa hề có sự xuất hiện của con người.

Số lượng đảo hoang càng đông, loại hình du lịch trải nghiệm đặc thù liên quan đến chúng càng cần được thiết lập, quản lý đúng cách. Không chỉ khảo sát cẩn trọng từng hòn đảo trước khi đưa du khách đến, đội ngũ tại Docastaway còn chủ động dọn dẹp, trông coi nhằm đảm bảo khu vực xung quanh đảo không có rác thải, dụng cụ đánh bắt cá ngư dân địa phương bỏ lại hay người lạ xâm nhập với mục đích bất chính. Cerezo phối hợp với chính quyền bản địa vừa để làm du lịch lành mạnh, vừa góp phần gìn giữ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nguyên vẹn.

Chuyến độc hành khám phá chốn hoang vu ngoài khơi Sumatra của Beeck là trải nghiệm ông nhớ mãi không quên. “Ăn thịt cá và cua câu được mỗi ngày khiến khi trở về, tôi thèm bánh ngọt vô cùng” - Beeck cười, nói. Dẫu vậy, ông không hề hối hận giây phút nào trên hòn đảo nhỏ. Giống như Takaseki, Beeck thích thú với cảm giác được bao bọc giữa tự nhiên: thức dậy trong làn gió dịu mát đầu ngày, cứu vài chú rùa con vừa nở đến được bờ biển an toàn, hái dừa, câu hải sản, nằm võng nghe sóng vỗ êm tai đến khi chìm vào giấc ngủ.

Khoảng lặng ấy cho phép tôi có không gian riêng để nhìn lại mình, nhớ thương gia đình và muốn sống tốt hơn nữa” - ông nói.

Như Ý - Nguồn ảnh: Afar

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI