Một mình sướng chán…

15/09/2015 - 07:11

PNO - Ông lấy sen và chút làm thơ để tìm vui. Ông đã sáng tác trên 200 bài thơ để lòng lắng lại trước những sân, si, ái, ố của cuộc đời.

Mot minh suong chan…
b

Người dân thường qua Quốc lộ 13, đoạn đường từ Thủ Dầu Một về H.Bến Cát, Bình Dương đã quen thuộc với hình ảnh một ông cụ trạc tuổi 80 ngày ngày đẩy xe đi bán hoa sen.

Nhìn dáng dấp nhỏ bé, gầy nhom, đen nhẻm, biết ông sống cảnh tuổi già cô độc, ai mua sen cũng chạnh lòng thương cảm. Nhưng nếu chuyện trò, nghe ông hào sảng đọc thơ, nhìn mắt ông tươi rạng, mới hay cuộc sống của ông mang gam màu hạnh phúc.

Theo chân ông về nhà, thấy được phong cách sống độc nhất vô nhị của… “dị nhân”. Ông già độc thân tự do thể hiện mình, sống như mình muốn, nghĩ gì làm nấy, “quái” thả cửa mà không bị ai rầy rà, cản trở.

“Chiếc xe đẩy lai đạp” của ông thấp lè tè, màu trắng đục, thiết kế hai khung sắt lớn phía trước và sau để đựng sen và can nước to. “Tính tui ưa sáng chế lắm cô!” - ông ngắn gọn đáp lại ánh mắt tò mò.

Người ông gầy còm, trơ xương sườn. Xua tay, nhăn mặt, ông bảo “Đội nón, mặc áo hả? Không quen!”. Quanh năm, ông bận độc nhất chiếc quần cụt, thắt lưng quấn dây chun, cột túi tiền bên hông, treo lủng lẳng.

Mot minh suong chan…
Ở tuổi 80, “ông Hai bán sen” vẫn hăm hở với công việc mưu sinh

Dép ông mang chỉ có đế, không quai mà chỉ là cọng dây nhựa được xỏ, quấn chằng chéo. Dây đứt, ông lại đổi cọng khác nên đôi dép được “hưởng thọ ” nhiều năm. Với “sáng chế” này, ông vừa đỡ mất tiền mua vừa có "đồ độc".

“Giang sơn” của “dị nhân” cũng độc đáo không kém. Đón khách vào nhà, ông mất đến năm phút mới có thể tháo hết mớ dây xích giăng mắc, đan cuộn vào nhau để mở cổng. “Giang sơn” này nằm trên mảnh đất cuối hẻm rộng gần 500m2 , phía sau và bên hông là ao sen lớn.

Hàng chục mảnh tôn được ông mua về, chắp ghép dựng thành “thành lũy” vây kín khu đất. Đến mấy góc vườn lại thấy một cái thang gỗ giúp ông quan sát động tĩnh bên ngoài từ trên cao.

Căn nhà khá lộn xộn, nhưng nhiều đồ vật cũ kỹ tưởng vô dụng đều mang công dụng riêng. Những chiếc áo mưa nhiều màu sắc được chằm vá làm rèm cửa. Túi ni lông bạc màu trải dài băng gỗ cùng nhiều loại phế liệu được kết làm tấm nệm.

Những chiếc lu to dùng trữ nước, kiêm kê đồ tránh ẩm ướt, làm ghế ngồi và cả công dụng chắn cửa cổng tránh người lạ đột nhập ban đêm. Ở góc nhà, ông già cả đời đi bộ lại lưu giữ mấy chục cái mũ bảo hiểm.

Ông cho biết trên đường đi bán sen, ông nhặt mũ bảo hiểm từ những vụ tai nạn giao thông mang về xem như cất dùm chủ nhân của nó thay vì để lăn lóc, vạ vật bên đường.

Nhìn trang phục, phong cách sống, tưởng chừng ông “ăn lông ở lỗ”. Nhưng ông luôn giữ gìn vệ sinh, trong nhà luôn có khăn giấy sạch để lau miệng. Chỗ ngồi của khách đến chơi được trải một lớp ni lông mới.

Dù bản thân kỳ dị, bất chấp nhiều nguyên tắc nhưng ông không coi thường nhu cầu bình thường ở người khác. Ông lắc đầu không cho biết tên thật, cười bảo: “Cứ kêu tui là ông Hai bán sen”.

Ông yêu nghề và yêu sen: “Tui quý sen của tui lắm cô, cứ ba phút là phải tưới cho sen một lần. Để sen khát tội nghiệp lắm!”. Vừa trò chuyện, ông vừa nặng nhọc đẩy xe đi, chốc lát lại dừng xe múc nước tưới cho hoa.

Ông hái sen chủ yếu ở các đầm sen trên địa bàn P.Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), là nơi ông gắn bó từ thuở nằm nôi. Trước đây ông phải trả 2.000đ/bông cho chủ đầm nhưng sau nhiều người không lấy tiền.

Lấy công làm lời, ông chỉ bán giá khoảng 1.000đ/ bông. Cứ độ 11g trưa, ông bắt đầu ra ruộng, lội qua nhiều bờ mương mới tới được đầm sen. Đôi chân được bọc bằng nhiều lớp vớ và ni lông, ông thoăn thoắt lội bùn, tránh đỉa dưới ruộng.

Đói, ông đến quán cơm mà người chủ vẫn cho ông ăn miễn phí. Chiều tối về đến nhà nếu chưa kịp ăn thì qua ăn ké chỗ cô hàng xóm. Thi thoảng ông mang cho cô một bó sen làm quà.

Ông kể, ông bán sen 18 năm nay, sau khi bỏ nghề cắt tóc dạo. Ông gắn bó với nghề bán sen, phần vì mưu sinh, phần vì: “Tôi bán sen vầy coi như làm công quả, một cách phụ giúp cho người mua làm công đức cho đời. Tôi chẳng mong kiếm nhiều tiền”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI