Một mình ông Lương không thể 'bao thầu'

18/07/2018 - 06:27

PNO - Tất cả các bước xử lý liên quan đến bài thi đều được thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ hội đồng chấm, ban chấm thi và cán bộ an ninh. Do vậy, một mình ông phó phòng khảo thí khó có thể “bao thầu”.

Sự việc chấn động tại Hà Giang đã gợi ra nhiều vấn đề. Trước hết là thói quen chạy theo hình thức “nghiêm túc bề ngoài” mà thiếu đi vào thực chất. Nếu nhìn vào quy định phải có đủ ban bệ cho từng điểm thi, gồm trưởng điểm, phó trưởng điểm, thư ký, ủy viên, thanh tra, an ninh, bảo vệ, cán bộ giám sát và một lực lượng giám thị coi thi hùng hậu đến từ các trường đại học - cao đẳng… thì không ai nghĩ tiêu cực lại có thể xảy ra.

Mot minh ong Luong khong the 'bao thau'
 

Nhưng cuối cùng thì gian lận vẫn xảy ra. Giả sử điểm thi của nhiều địa phương khác không quá thấp, hay việc gian lận không quá mức (chỉ nâng điểm cho vài thí sinh và nâng vài điểm cho mỗi thí sinh)… thì sự việc có lẽ khó bị phát hiện. 

Chúng ta cũng thường đặt ra rất nhiều quy định nhằm điều chỉnh hành vi đối với thí sinh theo kiểu "đến ho một tiếng cũng bị lập biên bản" như cách nói của ông Vũ Văn Sử - người đứng đầu Sở GD-ĐT Hà Giang, nhưng lại ít quan tâm điều chỉnh một cách thích đáng, hiệu quả đối với hành vi của những cán bộ có trách nhiệm. Điều này, trong rất nhiều trường hợp, đã dẫn đến sự buông lỏng trong quản lý, hành xử thiếu trách nhiệm, thậm chí là sự thông đồng để gian lận, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Và thực tế gian lận xảy ra như đã thấy. 

Về hình thức, dù kỳ thi có tổ chức chặt chẽ đến đâu cũng vẫn có những kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Bằng chứng là trong kỳ thi vừa qua các khâu ra đề và tổ chức thi do Bộ GD-ĐT phụ trách, có sự hỗ trợ của các trường đại học - cao đẳng, đã được thực hiện rất nghiêm ngặt. Nhưng đến khâu chấm thi do các địa phương phụ trách thì tiêu cực đã xảy ra mà Hà Giang là một thí dụ điển hình.

Đáng nói “kẻ chủ mưu” lại là một cán bộ của ngành, giữ vị trí phó phòng khảo thí và quản lý chất lượng thuộc Sở GD-ĐT tỉnh. Thế nên, đáng quan tâm nhất vẫn là cái “đức” của cán bộ công chức, nhất là cán bộ công chức giáo dục. Một công chức có đạo đức chuẩn mực sẽ chẳng bao giờ có hành vi lệch chuẩn. Thế nhưng trong giáo dục bây giờ lại có quá nhiều cán bộ công chức có hành vi lệch chuẩn.

Ông Mai Văn Trinh nói rằng: “Không chỉ kỳ thi THPT quốc gia mà mọi kỳ thi đều phải hướng đến kỳ thi sạch, nghiêm túc để có kết quả chính xác, khách quan. Tất cả những cá nhân, tổ chức vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm”. Để sửa lại (phải tẩy xóa, tô lại theo đáp án) 330 bài thi trắc nghiệm sao cho khớp với điểm thi đã can thiệp đòi hỏi phải có nhiều thời gian.

Mặt khác, bài thi của thí sinh kể từ khi nộp được niêm phong hai ba lớp rồi đưa về nơi tập kết đều được công an bảo vệ 24/24. Tất cả các bước xử lý liên quan đến bài thi sau đó đều được thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ hội đồng chấm, ban chấm thi và cán bộ an ninh. Do vậy, một mình ông phó phòng khảo thí khó có thể “bao thầu”. Dư luận nghi ngờ vụ việc có liên đới đến nhiều người khác. 

Và cuối cùng, những người đã nhờ vả, mua chuộc ông phó phòng khảo thí làm chuyện gian dối cũng không thể vô can, nếu là cán bộ công chức càng phải xử lý thật nặng. Nếu không mạnh tay thì không ai dám chắc những sự kiện như Hà Giang hôm nay sẽ không tái diễn.  

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI