1.
Nếu so sánh những thành phố lớn với sự lộng lẫy xa hoa trong những cung điện mùa đông, mùa hè, những nơi ở của các bậc Sa hoàng xưa thì nông thôn nước Nga nghèo thật. Mùa hè, chỉ có những cánh rừng bạch dương thân trắng, hoa dại, cỏ hoang và những ngôi nhà gỗ có vẻ thiếu tiền để sửa sang.
Nhưng tiêu chí để so sánh là gì? Là xưa với nay, là tình hình phát triển kinh tế, là diện mạo của một nơi chốn hay là mức độ hài lòng với cuộc sống? Tôi cho rằng, để có thể nhận xét được một cách tương đối khách quan, chắc cần phải có vài chuyến đi.
|
Một ngôi làng bên sông Volga |
Những gì tôi thấy trên hành trình sông Volga này chỉ là những ấn tượng ban đầu về một đất nước vốn được khoác lên quá nhiều huyền thoại và kỳ vọng, ít nhất là đối với những người Việt ở thế hệ tôi.
Vậy nên, tôi luôn tìm cách tách mình ra khỏi những suy nghĩ đóng khung ấy và tránh phân tích những gì mình nhìn thấy theo kiểu: “Nga là phải thế”, hay “Nga là không thể như thế”. Và dẫu luôn ngưỡng mộ tình yêu có phần thiên vị của những người bạn học dành cho nước Nga, tôi cũng sẽ không để sự ngưỡng mộ ấy ảnh hưởng tới mình.
Từ giã hồ Onega với đích đến là Ladoga, tàu lướt trên sông Svir nối hai hồ lớn nhất nhì châu Âu. Dọc theo sông, có rất nhiều ngôi làng nhỏ với những mái nhà gỗ đặc trưng của Nga. Nếu như không đọc trước, thật khó lòng hình dung dòng sông này đã chứng kiến biết bao cuộc giao tranh đẫm máu trong lịch sử nước Nga.
Những cuộc chiến triền miên với người Thuỵ Điển, Ba Lan, người Lithuania, người Đức từ 1941-1944 đã vùi bao xương máu xuống lòng đất và lòng sông. Bao làng mạc hai bên bờ sông đã bị xóa sổ.
|
Ladoga - hồ lớn nhất châu Âu |
Giờ đây, tôi ngồi trên boong tàu lộng gió, ngang qua những ngôi làng bình yên, những ngôi nhà gỗ đơn sơ bên hàng cây tử đinh hương hoa tím có những đứa trẻ chơi bóng trên bãi cỏ, những phụ nữ chít khăn giơ tay vẫy khi tàu đi qua... Khung cảnh ấy với ai đó có thể là nghèo nàn và chẳng mấy hấp dẫn, nhưng với tôi là sự yên bình chậm rãi mà dân phố chẳng mấy khi có được.
2.
Điểm dừng tiếp theo trong hành trình của chúng tôi là một ngôi làng từng là nơi tụ hội của những tàu buôn, nơi có lò rèn và các xưởng đóng tàu dưới thời Pierre Đại đế. Chiến tranh đã hóa tất cả thành tro bụi. Năm 1996, một doanh nhân người Nga đã đầu tư và biến Mandrogui thành một ngôi làng Nga đặc trưng. Những ngôi nhà cũ được đưa tới, những ngôi nhà mới theo phong cách kiến trúc nhà truyền thống ở Nga được dựng lên.
Dù chỉ là “làng du lịch” nhưng tôi cho rằng mô hình này khá thành công khi những gì thuộc về Nga, làm nên chất Nga được coi trọng và gìn giữ, trong đó thiên nhiên đóng vai trò không nhỏ. Không hề giống với những “ngôi làng” ở đâu đó được dựng lên mà chỉ thấy tiền được coi trọng và thiên nhiên bị tàn phá không thương tiếc; không hề giống với ở đâu đó khi “của thật” bị coi là “nghèo” và thay bằng những “của giả”vô hồn, tại Mandrogui, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc nhà ở của người Nga, mà còn có thể tìm hiểu về những nghề thủ công truyền thống như đúc đồng, làm thủy tinh, chế tác trang sức, làm búp bê vải, vẽ Matryoshka...
|
Tại Mandrogui, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc nhà ở của người Nga mà còn có thể tìm hiểu về những nghề thủ công truyền thống |
Trong làng còn có một bảo tàng Vodka với 2.800 loại Vodka từ khắp nước Nga, một ngôi nhà trưng bày các loại trà, một cối xay gió bên bờ hồ và vô số lối đi nhỏ dẫn vào rừng. Nhưng hấp dẫn nhất với tôi chỉ có hai thứ: những ngôi nhà gỗ, “Izba” và những khu vườn.
Izba là tên gọi của kiểu nhà hai mái, hai tầng, có tầng áp mái truyền thống. Những ngôi nhà gỗ mang lại sự ấm áp và khô ráo trong điều kiện khí hậu lạnh giá khắc nghiệt của mùa đông nước Nga. Izba không chỉ là nhà mà còn thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Những ngôi nhà cổ được mang về Mandrogui đều có kiến trúc chạm khắc rất đẹp trên các rui mè, các khung cửa sổ và lan can.
Nhìn bề ngoài một ngôi nhà gỗ có thể biết chủ nhà giàu hay nghèo, thông qua các chi tiết chạm trổ trên gỗ. Trên nóc một số ngôi nhà còn có con gà hoặc ngựa gỗ. Người Nga tin rằng, hai con vật này sẽ mang lại may mắn cho gia chủ. Trên cửa sổ, mái và ban-công của một vài ngôi nhà, tôi phát hiện ra vài chi tiết của phong cách kiến trúc Art Nouveau (Tân nghệ thuật, một trường phái của thế kỷ thứ XIX - đầu thế kỷ XX).
Sự pha trộn giữa những đường cong, hình chạm hoa lá tỉ mỉ, những hình xoắn của phong cách trang trí này kết hợp cùng cấu trúc nhà gỗ truyền thống Nga với nhiều đường thẳng đối xứng, đã làm cho những ngôi nhà ấy mang một vẻ quyến rũ đặc biệt, vô cùng hợp với khu vườn không rào chắn có những bụi mẫu đơn đang tưng bừng khoe sắc.
3.
Đi qua một khu vườn nhỏ có những bụi hoa hồng cánh đơn thơm ngát, tôi bước vào phòng khách của một ngôi nhà gỗ. Trong kiến trúc nội thất nhà ở kiểu cổ của Nga, người ta rất chú trọng tới các hướng. Quan trọng nhất là khu vực đặt tranh Chúa, tương tự như nơi đặt bàn thờ của người Việt, thường là ở hướng đông, đối diện lò sưởi, cũng là nơi được chiếu sáng tốt nhất căn phòng.
Trên những bức tường gỗ, người ta treo những bức tranh thảm, hoa khô, búp bê vải hoặc những đồ trang trí thủ công khác. Nhìn vào những bức tranh thảm cũng có thể đánh giá mức độ giàu nghèo của từng gia đình. Chính giữa căn phòng là bộ bàn ăn với ghế băng. Người đàn ông chủ gia đình sẽ chiếm vị trí trung tâm và lần lượt sẽ là các thành viên gia đình theo thứ tự già trẻ. Lò sưởi giữ vị trí hết sức quan trọng trong ngôi nhà Nga. Từ “Izba” cũng bắt nguồn từ tiếng Nga cổ “Iztopit”, có nghĩa là “sưởi ấm”.
Mọi sự kiện thường ngày cũng như quan trọng nhất trong đời người nông dân Nga đều diễn ra bên lò sưởi bằng đá, đồng thời là gian bếp của gia đình. Người Nga tin rằng, trong lò sưởi có vị thần lửa và thần thổ địa. Ngọn lửa luôn được gìn giữ trong lò sưởi. Than trong lò sưởi không bao giờ được đem cho nhà khác, vì như thế tài lộc cũng sẽ đội nón ra đi.
Có lẽ tôi là người quá tham lam, khi vừa muốn ngồi xuống bên lò sưởi ấm cúng kia để hít hà mùi thơm của mứt dâu rừng trên chiếc pancake nóng hổi, lại vừa tơ tưởng đến mùi cơm mới và cá kho thơm lừng trong khói rơm rạ khét lẹt của chái bếp quê Việt.
|
Hoàng hôn trên dòng Volga |
Bên khung cửa sổ, một người đàn bà đang ngồi kéo sợi và đối diện bà, trong góc tối của căn nhà là một chiếc bàn gỗ nhỏ, sáng bừng lên nhờ sắc hoa dại và những chiếc bình bằng đồng nằm ngổn ngang như thể ai đó đang dở tay cắm hoa để trang trí cho căn nhà thì có việc, phải vội vã ra đi. Giá mà có thời gian, tôi sẽ vẽ một bức tĩnh vật trong khung cảnh ấy.
Thật tiếc khi biết rằng, cuộc sống làng mạc ở Nga ngày nay đã không thể chống chọi nổi với làn sóng đô thị hóa như ở bao quốc gia khác. Bê tông, gạch ngói và kim loại đã thay thế những kiến trúc gỗ xưa, những lò sưởi cũng chẳng còn nữa trong những ngôi nhà nông thôn mới. Và người ta cũng bỏ làng mạc ra đi, không khác gì muôn nơi…
4.
Rời khỏi ngôi nhà, tách khỏi dòng du khách đi xem các bảo tàng và xưởng sản xuất thủ công truyền thống trong làng, tôi đi theo con đường dọc bờ sông vào rừng. Hai người đàn ông đang ngồi uống bia trong một khu vườn có cái chong chóng con chuột gỗ quay tít theo gió. Những khu vườn đang bước vào kỳ rộ hoa. Thơm nhất là hoa hồng. Những bông hồng cánh đơn, giống hoa hồng leo hay thấy tại Đà Lạt, màu hồng thắm, to như cái tô, tỏa hương ngạt ngào. Mẫu đơn màu đỏ rất lạ và nhiều nhất là những bụi mẫu đơn hồng, cam, hầu như vườn nào cũng có.
Tôi dừng chân rất lâu trong một vườn rau, thấy đủ loại gia vị quen thuộc của bếp Âu: ngò tây (parsley), hương thảo (rosemary), bạc hà (peppermint), xạ hương (thyme), húng tây (basil), xô thơm (saga), kinh giới dại (oregano) và cả thì là. Người Nga dùng thì là khá thường xuyên trong những món ăn tôi được thưởng thức trên tàu.
Không chỉ có rau, hoa ở khắp nơi trong những khu vườn trước và sau các ngôi nhà gỗ: những bông chuông tím thanh thoát vươn mình trên hoa cỏ trắng, những bụi đậu vuông (ninebark) hoa trắng cánh tròn tua tủa nhụy và những bụi quả cầu tuyết (snowball) trắng muốt như tên gọi...
Bên bờ sông là một cối xay gió cổ. Cối xay gió gỗ đã từng là vật không thể thiếu trong các ngôi làng Nga những thế kỷ trước. Thật thú vị khi biết, ngoài công dụng chủ yếu để xay bột, những chiếc cối xay gió này còn được dùng để cưa gỗ và làm nhiều việc khác. Hôm nay ở Mandrogui, cối xay gió cổ im lìm đứng bên sông ngắm nhìn những hậu duệ của Sa hoàng đùa chơi trong làn nước biếc dưới bầu trời xanh.
Giã từ khu rừng bạch dương đầy hoa cỏ vào buổi chiều, tôi nuối tiếc khi không kịp thăm hết những ngôi nhà mới, nơi bán rất nhiều sản phẩm thủ công lưu niệm từ gỗ bạch dương, đá tự nhiên, gốm sứ, da... Kỷ niệm của tôi về một ngôi làng kiểu Nga ở Mandrogui là những phút giây ngập tràn hương gỗ, hương hoa, là tiếng đàn Balalaika và giọng hát trầm ấm của người đàn ông dưới bóng bạch dương buổi trưa hè.
Những gì của hôm nay sẽ là ký ức của ngày mai. Một ký ức của riêng tôi về miền đồng quê nước Nga “giàu có” bên trong và có thể còn “nghèo” trong mắt ai đó. Tất cả đều là sự thật, là sự nghịch lý trong nhất quán mà nhiều nơi có, chứ không riêng gì nước Nga.
Bài và ảnh: Linh Trần