Một mẹ già bằng ba lần giậu

07/05/2016 - 07:21

PNO - Nghĩ về những ngày còn có mẹ, chỉ cần thế, sẽ cảm nhận được biết bao điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời này.

“Một mẹ già bằng ba lần giậu”.

Đến một lúc nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó, con người ta mới thấm thía câu thành ngữ này. Bởi đôi lúc, trong cuộc sống bề bộn, bận rộn của mỗi ngày, ở chung với mẹ, ta cảm thấy “xốn con mắt” lắm. Khoảng cách giữa hai thế hệ vốn đã là một vực thẳm. Cộng thêm tâm tính của người già, làm sao mà chiều được?

Cả hai, khó có thể hiểu nói gì việc chia sẻ những mối quan tâm chung. Đứa con bước ra khỏi nhà, tự trong lòng đã gánh lấy áp lực từ công việc, từ các mối quan hệ ngoài xã hội; trong khi đó người mẹ lại khác, lúc nào cũng gắn với những chuyện vặt vãnh, bếp núc. Có cũng được, không cũng chẳng sao, nếu cần, thuê lấy Ôsin là xong tất. Chẳng gì phải bận tâm.

Nghĩ là nghĩ thế. Nhưng rồi, lúc mẹ nhập viện, thui thủi một mình mới ngộ ra rằng, phải là mẹ, phải có mẹ, mọi việc mới chu toàn đâu ra đó. Tôi nghĩ câu nói thích nhất trong đời của nhiều người có lẽ vẫn là câu hỏi: “Con ăn gì mẹ nấu cho?”. Một sự tự nguyện đầy tràn tình mẫu tử, hễ con ưng ý, con hài lòng là mẹ vui. Niềm vui của người mẹ già đơn giản lắm. Chỉ cần con ăn ngon, ngủ ngon, không bệnh tật là vui. Niềm vui ấy, đã có, ngay từ thuở con vừa lọt lòng cất tiếng khóc oe oe và thầm lặng suốt một đời.

Mot me gia bang ba lan giau
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Chẳng người mẹ nào kể công đã nuôi con cực nhọc như thế nào. Nếu có nhắc chỉ là những chuyện vui. Vui, lúc con bập bẹ tiếng nói đầu tiên gọi ba, gọi mẹ. Vui, lúc còn son trẻ, mỗi lần đi chợ về, con ùa ra níu áo: “Mẹ ơi, quà con đâu?”. Thế rồi, khi đã đủ lông đủ cánh, đủ sức bay nhảy giữa trời cao đất rộng, có lúc nào ta nhớ đến món quà, tấm bánh dành cho mẹ? Hay có nhớ rồi bận rộn quá, đành tặc lưỡi: “dịp khác”. Dịp khác ấy, bao giờ mới đến?

Đã đành ở trong nhà, vai trò của mẹ mờ nhạt lắm. Thế nhưng, khi không có mẹ mới thấy trống trải biết chừng nào. Thì ra, lâu nay nhà cửa gọn gàng, bếp núc đâu ra đó; cái bàn, cái ghế sạch sẽ không một hạt bụi; mọi vật dụng sắp xếp ngăn nắp, nề nếp… chẳng phải tự nhiên mà có. Một tay mẹ quán xuyến. Muốn tìm cái gì, hỏi một cái, có khi chưa kịp hỏi, quyển “từ điển mẹ” đã lặng lẽ trả lời. Một ánh sáng lặng lẽ phía sau lưng, khiến ta thấy cuộc sống của mình mỗi ngày ổn định, hài lòng.

Mà than ôi, người mẹ chẳng hề đòi hỏi gì cho riêng mình. Ngày nọ, y hào hứng ngồi vẽ. Tràn trề sắc màu hò reo nhảy múa. Bỗng nghe tiếng nói chậm rãi của mẹ, từ phía sau lưng: “Từ 11 giờ đến chừ, mẹ cảm sốt, không ngủ được”. Giọng nói ấy không hề than thở buồn rầu, nghe như bà cụ đang thủ thỉ, đang “méc” lại một chuyện oan ức gì đó. Cứ như thể thời còn bé bị ai đó bắt nạt; hoặc ấm ức điều gì chỉ đợi mẹ, chờ ba về đến nhà để “méc” cho bằng được.

Già rồi, chỉ dựa vào con. Y vội trấn an: “Xoàng thôi. Mưa nắng thất thường, ai mà không cảm sốt. Không sao đâu”. Bà cụ im lặng. Không dám nói gì thêm, không “mè nheo” nữa. Mãi đến lúc vẽ xong, y mới buột miệng một câu hú họa làm ra vẻ an ủi: “Hay con đưa mẹ đi khám bệnh?”. Bà cụ mừng rỡ, gật đầu ngay, chứng tỏ nãy giờ muốn mà không dám bày tỏ, thổ lộ. Đưa mẹ đi khám bệnh. Và bác sĩ… cho nhập viện luôn. Thế đấy, chẳng phải riêng y đâu, đôi khi chúng ta vô tâm vô tư, vô ý vô tứ quá thể.

Thế đấy, chẳng phải riêng y đâu, đôi khi chúng ta vô tâm vô tư, vô ý vô tứ quá thể.

Mỗi lần vào bệnh viện thăm, bao giờ bà cụ cũng hỏi: “Con ăn gì chưa?”. Rồi tiếp: “Chịu khó vài ngày, ít bữa nữa được về, mẹ nấu cho”. Hỡi ôi, y chẳng ra làm sao cả. Ở với mẹ nhưng có hiểu gì về mẹ, có trò chuyện gì với mẹ đâu. Chỉ năm thì mười họa. Chỉ là những câu hỏi nhát gừng, bâng quơ rồi vội vàng đắm đuối với những hư ảo, mộng mị xa vời. Đong đưa theo những cuộc chơi phù phiếm: “Ta cầm hương hoa vung vãi khắp nơi/ cho mối tình đầu, tình sau, tình cuối/ thì lúc ấy mẹ ngồi trong bóng tối/ tựa cửa một mình chống chọi với mùa đông”.

Đến một lúc nào đó, một hoàn cảnh nào đó, con người ta mới thấm thía câu thành ngữ: “Một mẹ già bằng ba lần giậu”. Chẳng phải đâu, hãy ngay tự bây giờ, mỗi một ngày, cần dành lấy một khoảnh khắc nghĩ về mẹ. Nghĩ về những ngày còn có mẹ, chỉ cần thế, sẽ cảm nhận được biết bao điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời này.

L.M.Q.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI