Một lượng xuân bao dung

31/01/2022 - 06:47

PNO - Một năm nhiều buồn thương rồi cũng qua. Trái đất lấy lại vẻ tinh anh của mình với mùa xuân mới theo một vòng luân chuyển tất định, y như tên bộ phim lừng danh của một đạo diễn Hàn Quốc: "Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân".

 

Xuân. Đó là một động từ hơn là danh từ. Trong văn minh Hán tự, nó vẽ nên một cảnh tượng sống động: cỏ và chồi nụ bung lên trong ánh mặt trời. Trong tinh thần Anh ngữ, nó là bật dậy, nẩy lên và đó là mùa xuân (Spring).

Không phải dân tộc nào cũng thấy một năm có bốn mùa. Điều đó tùy thuộc vùng đất ta sống, tùy thời đại và tùy ký hiệu văn hóa.

Người Babylon chỉ nhận diện có hai mùa trong năm: xuân - hạ là một mùa và thu - đông là một mùa khác. Người Ai Cập theo con nước sông Nile dâng lũ mà trông ra ba mùa. Lịch pháp Aztec chia ra năm mùa.

Chưa hết, các bộ tộc Cahuilla trên sa mạc Sonoran (Nam California) kể ta nghe tám mùa mà mỗi mùa tương quan với vòng sinh trưởng của cây mê-ki (mesquite). Còn ở Bắc California, bộ tộc Maidu lại thấy bốn mùa và gọi tên là: mùa hoa, mùa bụi, mùa hạt, mùa tuyết (*).

Nhưng mùa xuân ra đi để trở về.

Gọi tên bốn mùa như bộ tộc Maidu là rất thiên nhiên: hoa, bụi, hạt, tuyết. Và rồi hoa lại nở. Bốn mùa là vòng đời bất tuyệt của một ký hiệu văn hóa mộc mạc đáng yêu.

Đời người cũng đi qua vòng luân chuyển của mùa. Có thể gọi một đời qua các tuổi xuân hạ thu đông tương ứng với các giai đoạn đầu xanh tuổi trẻ, trưởng thành, quá niên và già cả. Dù vậy, vòng luân chuyển của mùa vẫn là cấu trúc truyện kể về đời một con người mà ta thường gặp trong văn chương, cả hư cấu và phi hư cấu.

Thế nhưng, sự thăng trầm nào cũng dẫn đến mùa đông của cuộc đời - cái chết. Vậy thì làm sao nói mùa xuân trở lại? Làm sao nói ra đi với xuân và trở về với xuân? Một cái cây qua mùa đông có thể sống lại, còn một con người?

Tất nhiên con người không sống lại trong hình hài cũ. Một chiếc lá đã rơi, một bông hoa đã rụng cũng không sống lại trong hình hài cũ. Chỉ có cây là sinh ra mùa hoa mới nhưng hạt phấn rơi ra cũng cùng nhụy kết trái để sinh ra mùa cây mới.

Cấu trúc Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng dựa trên vòng luân chuyển xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Câu chuyện bắt đầu bằng một sự kiện mùa xuân:

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Xuân là mùa của niềm vui, của tình yêu và phiêu du. Linh hồn của xuân là thế: hoan lạc, yêu đương, tiêu dao.

Dường như có mùa xuân vĩnh cửu ẩn trong các mùa khác. Và dường như có mùa xuân vĩnh cửu ẩn trong một loại người nào đó, như nhà thơ Rumi của Ba Tư hay nhân vật Zorba của Kazantzakis. Mùa xuân luôn nhảy múa trong họ và bản thân họ là những người nhảy múa miên man trong hoan lạc và tình yêu.

Vì tâm hồn rộng mở của tình yêu là một lượng xuân. Một lượng xuân của độ lượng. Một lượng bao dung. Lượng xuân thì không thể hẹp hòi. 

Những ngày xuân trong Truyện Kiều đã nẩy ra trong 15 năm đau thương của đời Kiều, chứng tỏ có một mùa xuân ẩn rất màu nhiệm trong trầm luân vận mệnh, muốn cứu vớt bất cứ cuộc đời nào dẫu khó khăn, bệnh tật, dẫu tưởng chừng đã đến bước đường cùng… 

Thực sự mùa xuân không hề bỏ rơi ai hay quên cứu vớt ai. Miễn là nuôi dưỡng trong mình một lòng xuân, một lượng xuân để bao dung mình và người khác. 

(*) Lịch pháp các mùa theo tác giả Liza Dalby trong cuốn East Wind Melts the Ice.

Nhật Chiêu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI