Một lựa chọn vì đại cuộc

27/02/2019 - 06:42

PNO - Việt Nam chọn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Đó chính là tinh thần cả thế giới hướng đến, phù hợp với điều dư luận mong mỏi từ cuộc gặp Trump - Kim.

Quan hệ quốc tế hiện đại dần xóa đi khái niệm “một mất một còn”, thay vào đó là quan hệ “win-win” mà các bên cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong Un ở Hà Nội lần này là minh chứng cho nguyên tắc trên, là bước lùi, nhưng lại là cách để tiến xa hơn trong nỗ lực định hình lại trật tự thế giới.

Đã đến lúc lùi lại và đối thoại

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất diễn ra tháng Sáu năm ngoái ở Singapore được xem là “màn chào hỏi” của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Sau cuộc gặp, phái đoàn hai bên đã gấp rút xúc tiến những cuộc họp bàn hậu trường. Họ thật sự hiểu, đây không còn là giai đoạn đối đầu trên truyền thông hay bàn nghị sự mà là thời điểm cùng “ngồi xuống nói chuyện” nghiêm túc.

Mot lua chon vi dai cuoc
 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In dõi theo sự kiện lần này với tất cả hy vọng về một tương lai hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên. Ông Moon Jae In nhìn thấy được nền kinh tế Triều Tiên mở cửa, các nước láng giềng, các tổ chức quốc tế và nguồn vốn toàn cầu sẽ đổ về Triều Tiên. Lãnh đạo Triều Tiên cũng thấy điều đó.

Trong phát biểu chào năm mới, ông Kim Jong Un đã nhấn mạnh, thúc đẩy kinh tế mới là trọng tâm trong thời gian tới, chứ không phải căng thẳng về vấn đề hạt nhân. Tổng thống Trump cũng đã phải “nhượng bộ”, trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ ngồi xuống đàm phán cùng lãnh đạo Triều Tiên. Đây là điểm nhấn khiến ông Trump vô cùng tự hào khi nhắc đến trong Thông điệp liên bang cách đây không lâu và sẽ là “vũ khí” lợi hại của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới.

Ngày 26/2, Tổng thống Trump ra một quyết định khá bất ngờ: lùi thời hạn tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, lẽ ra sẽ có hiệu lực từ ngày 2/3 như đã ấn định, cho tới khi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thông tin đưa ra đúng thời điểm ông Trump trên đường đến Hà Nội, chuẩn bị tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Lựa chọn của ông Trump tạo nên một cảm xúc đặc biệt, khiến mọi người tin rằng, bước lùi cần thiết từ vị tổng thống nổi tiếng “gây hấn” trên truyền thông cuối cùng đã xuất hiện. Bước lùi ấy được dự đoán sẽ tiếp nối trong hành trình Trump - Kim sắp tới, chỉ vì đã đến lúc.

Tại sao là Việt Nam?

Năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam. Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Đà Nẵng, tham dự hội nghị cấp cao APEC. Năm 2018, Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN tại Hà Nội. Giờ đây, hàng ngàn phóng viên quốc tế đang có mặt ở Hà Nội, chứng kiến cột mốc lịch sử trong quan hệ quốc tế mà quốc gia đóng vai trò quan trọng chính là Việt Nam.

Mot lua chon vi dai cuoc
 

“Why Vietnam?” (tại sao là Việt Nam?) - câu hỏi từng ám ảnh người dân Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam nay được lặp lại, nhưng đã có một sự chuyển biến ngoạn mục. Việt Nam chọn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Đó chính là tinh thần cả thế giới hướng đến, phù hợp với điều dư luận mong mỏi từ cuộc gặp Trump - Kim. Ở hội nghị thượng đỉnh lần hai, cả Mỹ lẫn Triều Tiên không còn lạ lẫm. Họ hiểu, họ cần một sự thẳng thắn, đủ để tiến tới thực hiện bốn trụ cột trong tuyên bố chung tại Singapore. Trong đó, phi hạt nhân hóa là điểm mấu chốt.

Việt Nam được các nhà quan sát đánh giá là mô hình phù hợp để Triều Tiên cân nhắc chuyển mình trong tương lai. Tổng thống trump, khi đến Đà Nẵng dự sự kiện APEC, đã ca ngợi: “Việt Nam thật sự trở thành một trong những phép lạ mầu nhiệm nhất toàn cầu. Đó là một việc rất đáng ngưỡng mộ”.

Đây không phải là lời sáo rỗng, vì chính Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đưa ra những nhận định tương tự, khi ông đến Việt Nam năm 2018.Ông Mike Pompeo đã nhắc đến Triều Tiên, thể hiện rõ ràng quan điểm của Mỹ: mong muốn những chuyển biến sắp tới từ quốc gia Đông Bắc Á, như một lời “mặc cả” mà Mỹ không dùng lời cứng rắn, thay vào đó là sự “dò ý” cẩn trọng.

Hàng ngàn phóng viên quốc tế có mặt ở Hà Nội, tiếp cận mọi ngóc ngách thời sự để tác nghiệp. Ngày 6/2, Việt Nam được thông báo là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai và công tác chuẩn bị chỉ bắt đầu từ ngày 14/2. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh là câu chuyện không thể hiện chi tiết trên mặt báo, nhưng cách những nhân vật quyền lực thế giới xuất hiện đã chuyển tải trọn vẹn phần chìm của tảng băng.

Sẽ không ở đâu như Việt Nam, có thể hội tụ những khoảnh khắc hiếm có như hình ảnh Tổng thống Obama ung dung thưởng thức bún chả cùng vị bia địa phương; Thủ tướng Australia ăn bánh mì vỉa hè, chụp ảnh tự sướng ở Đà Nẵng, Hoàng tử Anh William thoải mái ngồi tán gẫu bên tách cà phê ở phố cổ Hà Nội; Thủ tướng Canada Justin Trudeau thong thả chạy bộ ở bờ kè kênh Nhiêu Lộc... 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI