Một loại “vàng đen” vừa được phát hiện ở Nigeria?

08/10/2021 - 15:25

PNO - Tại Nigeria, quốc gia phụ thuộc phần lớn vào doanh thu từ xuất khẩu dầu, doanh nhân Ifedolapo Runsewe đã bắt tay vào kinh doanh một loại “vàng đen” hoàn toàn mới: lốp xe ô tô đã qua sử dụng.

Nữ doanh nhân Ifedolapo Runsewe thành lập “Freetown Waste Management Recycle”, một nhà máy công nghiệp ở thành phố Ibadan, Tây Nam Nigeria. Nhà máy này chuyên sản xuất và tái chế lốp xe cũ thành nhiều mặt hàng đang có nhu cầu sử dụng cao ở quốc gia đông dân nhất châu Phi. Không chỉ giúp bảo vệ môi trường, các sản phẩm còn mang tính sáng tạo rất cao, trong đó phải kể đến những miếng gạch lát nền - sản phẩm bán chạy nhất của công ty.

 

Một công nhân nhà máy Freetown dang dỡ những chiếc lốp cũ khỏi xe vận chuyển
Một công nhân nhà máy Freetown dang dỡ những chiếc lốp cũ khỏi xe vận chuyển

Trả lời phỏng vấn với Reuters, cô Runsewe chia sẻ: “Động lực của chúng tôi là tạo ra một sản phẩm mới từ những thứ đơn giản nhất từ bãi phế liệu hay bất cứ nơi đâu”.

Ở Nigeria, cơ quan quản lý chất thải hoạt động không hiệu quả, nếu không muốn nói là rất kém. Rác thải chất thành từng đống là cảnh thường thấy ở các làng mạc, thị trấn và cả thành phố.

Để giảm bớt lượng rác thải, người dân phải đốt rác vào ban đêm khi không có phương pháp xử lý nào an toàn hơn. Lốp xe cũng không ngoại lệ khi thường xuyên bị vứt bỏ khắp mọi nơi. Ở đây, mỗi chiếc lốp có giá từ 70 - 100 naira (từ 3.000 - 5.500 VND). Nhà máy trả lương cho những người nhặt rác để họ thu thập lốp xe cũ.

 

Qua các bước xử lí đầu tiên, những chếc lốp xe cũ đã trở thành vụn cao su
Qua các bước xử lý đầu tiên, những chiếc lốp xe cũ đã trở thành vụn cao su

Ngoài ra, những người thợ máy cũng là nguồn cung cấp những chiếc lốp xe cũ cho nhà máy. Akeem Rasaq, một thợ máy, rất vui mừng khi có thể kiếm tiền từ những chiếc lốp cũ hay bị lỗi sản xuất.

Anh cho hay, những chiếc lốp xe cũ nếu không được qua xử lý, tái chế sẽ được vứt bỏ trong các đường rãnh thoát nước công cộng, dẫn đến tắc nghẽn cống. Tuy nhiên, nhờ vào nhà máy của cô Runsewe, mọi thứ đã được cải thiện.

 

Những công nhân trong phiên làm việc của mình tại nhà máy Freetown
Các công nhân làm việc tại nhà máy Freetown

Bắt đầu hoạt động vào năm 2020, lúc đầu, nhà máy Freetow chỉ có 4 nhân viên, tuy nhiên, doanh thu nhà máy tăng rất nhanh. Sau vài tháng, số công nhân tại nhà máy đã tăng lên 128 người.

Cho đến nay, có hơn 100.000 lốp xe đã được các công nhân nhà máy Freetow tái chế thành nhiều mặt hàng khác nhau, từ gờ giảm tốc cho đến gạch lát đường làm sân chơi cho trẻ em.

Houssam Azem, người sáng lập Câu lạc bộ mô tô nước Lagos, đã không ít lần mua những miếng gạch lát nền từ nhà máy Freetown để dùng cho một khu vui chơi trẻ em, cho biết: “Điều quan trọng nhất là phải luôn ủng hộ những ai góp sức trong việc tái chế và bảo vệ môi trường ở đất nước chúng tôi”.

 

Công nhân ở nhà máy Freetown
Những chiếc lốp xe cũ sẽ được tái chế thành nhiều sản phẩm hữu ích

Lốp xe cũ, thứ luôn khiến các nhà hoạt động môi trường đau đầu, giờ đây đã được tái chế. Sự sáng tạo cũng như ý tưởng kinh doanh đột phá của doanh nhân Ifedolapo Runsewe không chỉ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho cô mà còn đem lại lợi ích chung cho cả cộng đồng.

Tuấn Huy (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI