Đó là lúc tôi được thanh thản đón gió trời dọc những cánh đồng xanh bát ngát, qua vài bờ tràn đầm nước mặn trên cung đường yên ả.
Ngôi tiểu chủng viện hòa mình trong lúa
Tiểu chủng viện Làng Sông cách Quy Nhơn non mười cây số, về hướng bắc. Buổi chiều, tôi thuê một chiếc xe máy chở cậu cháu chạy từ thành phố đến xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. Đường sá dễ đi, toàn đường trải nhựa hoặc bê-tông. Chúng tôi đến ngã tư Tuy Phước quẹo phải, vừa đi vừa hỏi đường cũng chỉ mất 30 phút đã đến nơi. Người địa phương quen gọi đây là nhà thờ. Ngôi chủng viện tĩnh lặng hòa mình giữa ruộng lúa bao quanh và chiếm cảm tình du khách ngay tức khắc bởi bờ bao ngăn cách với bên ngoài vừa riêng tư lại vừa thân thiện. Ở đây cách xa khu dân cư, xung quanh là những khoảng mênh mông xanh trời, xanh lúa, xanh cây lá… Những năm gần đây, du khách ghé thăm Làng Sông khá nhiều nhưng không làm nơi này mất đi sự yên tĩnh vốn có. Tất cả đều chụp hình kỷ niệm và đùa vui trong chừng mực. Có lẽ không ai muốn làm mất đi vẻ trầm mặc của một ngôi giáo đường “già” và có lẽ trời đất thoáng đãng cũng làm loãng bớt tiếng người.
|
Sự bình yên trong ngôi chủng viện hơn trăm tuổi |
Ấn tượng đầu tiên trong tôi là tiếng gió rì rào qua bạt ngàn lúa xanh cùng hàng cây sao dầu hàng trăm năm. Hơn 30 cây cổ thụ uy nghi trong khuôn viên in dấu tán lá với bầu trời xanh ngắt, bóng nắng xuyên qua tán lá nhảy múa dưới sân. Cảnh vật đẹp một cách tĩnh lặng đã xóa tan mọi bộn bề trong lòng du khách, chỉ còn lại những gương mặt nhìn nhau hiền hòa. Cháu tôi vừa ngồi xuống ghế nghỉ vừa thốt lên: “Tiếc quá, đẹp vầy mà con không đem theo giấy vẽ”. Cậu bé 14 tuổi đa cảm thấy “chóng mặt” với vô số dự án đất cát mọc lên khắp nơi nên sợ mươi năm nữa người ta quy hoạch, cảnh quan này rồi sẽ không còn nên buộc mình phải vẽ lại để ghi nhớ.
Hôm sau, chúng tôi trở lại, tất nhiên mang theo “đồ nghề” của cháu.
Ngôi chủng viện có lịch sử hơn trăm năm. Người ta chưa xác định được chính xác năm ra đời của Làng Sông nhưng theo nhiều tài liệu, có thể ước chừng vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Buổi ban đầu, chủng viện được xây với mái tranh và vách phên tre, đến khoảng năm 1927 được xây dựng lại theo lối kiến trúc Gothic. Nhà nguyện với những mái vòm nhọn, có gần 20 cửa được chạm trổ công phu. Chỉ riêng dàn cửa nhà nguyện đã khiến tôi ngắm mải mê, thán phục độ tinh xảo của những bàn tay người thợ. Mỗi bộ cửa đều được chạm trổ nhiều họa tiết khác nhau. Sau khi xin phép, tôi được một nữ tu mở cửa cho vào tham quan nhà nguyện. Tượng chúa trên cao và những dãy ghế gỗ bên dưới, bóng nắng rọi vào nhà nguyện theo lam gió của những cánh cửa tạo nên một không gian thiêng liêng và lãng mạn. Trụ cầu thang dẫn lên lầu trên cũng được chạm trổ một bông hoa trông duyên dáng đến lạ. Một công trình tôn giáo cho thấy sự liên kết hài hòa, thú vị giữa bàn tay con người và thiên nhiên xung quanh.
|
Cổng vào Tiểu chủng viện Làng Sông |
Các nữ tu cho phép tôi tiếp tục tham quan nhà in Làng Sông (được gọi bằng các tên Imprimerie de Làng Sông, Imprimerie de la Mission de Quy Nhơn hoặc Imprimerie de Quy Nhơn), thành lập khoảng năm 1872. Nhà in bây giờ như một bảo tàng nhỏ trưng bày tài liệu từng được in ấn tại đây. Vì vậy, tham quan nơi đây thực chất là tham quan một dấu tích xưa của chữ quốc ngữ.
Nhà in Làng Sông là một trong ba nhà in chữ quốc ngữ đầu tiên, dùng kỹ thuật in typo và in nhiều thể loại sách khác nhau: giáo lý, kinh bổn, giáo khoa, truyện, tiểu thuyết, kịch, tạp chí, tuồng, lịch, sách dịch... Thông tin được ghi lại từ nhà in: “Năm 1922, dưới sự điều hành của cha Paul Maheu, nhà in Làng Sông đã in tờ báo Lời Thăm, mỗi số 1.500 bản, phát hành trên toàn cõi Đông Dương, 1.000 đầu sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác. Tổng cộng số lượng ấn phẩm của nhà in trong năm lên đến 63.185 với 3.407.000 trang in”. Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động, cùng với nhiều biến động lịch sử, nhà in vài lần bị đánh sập và tái thiết nhưng với công suất kể trên, nhà in Làng Sông đã góp phần không nhỏ trong việc truyền bá chữ quốc ngữ trong thời kỳ phôi thai và cả văn học nghệ thuật, lịch sử…
|
Trên cung đường yên ả, ngôi chủng viện thấp thoáng giữa ruộng lúa |
|
Khách đến chủng viện có thể nghỉ chân, trò chuyện ở chái nhà giữa sân |
Một ngôi mộ bình dị
Rời Tiểu chủng viện Làng Sông, chúng tôi đi tiếp về hướng bắc khoảng hơn 5km để thăm mộ cụ Đào Tấn, qua con đường làng yên ả, rất ít người qua lại, ruộng lúa xanh rì hai bên. Ngôi mộ ấy nằm tĩnh lặng giữa lưng chừng núi Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), quay mặt về thôn Vinh Thạnh - nơi có ngôi nhà ông sống những năm đầu tiên và cuối đời. Nhà soạn tuồng nổi tiếng bậc nhất Việt Nam với rất nhiều đóng góp cho bộ môn nghệ thuật hát bội đã chọn nơi nằm lại lãng mạn như chính con
người mình.
|
Mộ cụ Đào Tấn |
Hơn 200 bậc thang dẫn đến núi là những bước chân đi qua rừng tràm vi vút gió, có tiếng chim kêu và những chú bướm bay lượn rập rờn. Ngôi mộ giản dị nằm giữa lớp lớp cây xanh xung quanh, phía dưới chân núi là dòng sông Tranh êm đềm chảy qua. Bỏ qua hoạn lộ của một người con xuất sắc của xứ Bình Định, cụ Đào đích thực là một nghệ sĩ tài ba. Ai nghe đến tuồng mà không biết đến những sáng tác của ông: Sơn Hậu, Ngũ hổ bình Tây, Nguyệt cô hóa cáo, Tam nữ đồ vương, Đào Phi Phụng… Ông còn là người có công lớn với việc hoàn thiện âm nhạc và hệ thống hóa phục trang, đạo cụ trong nghệ thuật hát bội. Thành tựu, công danh đều gió thoảng mây bay, khi tạ thế ông như đứa trẻ hướng mắt về nơi mình được sinh ra và nằm yên ả trong lời ru quê nhà. Giữa mênh mông trời đất, trong không gian thanh tịnh hiếm có, tôi ngồi bên cạnh tiền nhân, suy nghĩ về một con người mà sự bình dị đã làm nên một nhân cách.
Chúng tôi trở về, đến đoạn đường rẽ vào Tiểu chủng viện Làng Sông thấy bảng chỉ đường về Quy Nhơn cách 4km. Ồ, gần quá, cứ đi theo. Đây khác với cung đường đi lúc đầu của chúng tôi. Đi một đoạn ngắn, tôi hỏi đường, anh bạn ở đó nhiệt tình bảo: “Đi theo tui”. Chúng tôi lại được đi trên một con đường lộng gió, ruộng lúa, các đầm nước mặn và các bờ tràn cứ đan xen nhau cho đến khi vào thành phố. Dọc đường về, những người chèo thuyền lưới cá trên đầm thỉnh thoảng lại lướt qua. Bạn không cần phải là con chiên của Chúa, cũng không cần là người mê tuồng, chỉ cần bạn thong thả đi trên cung đường này để cảm nhận sự bình an.
|
Khuôn viên chủng viện với kiến trúc Pháp đặc trưng |
Từ TP.HCM, có thể di chuyển bằng máy bay, xe lửa hoặc xe khách đến Quy Nhơn. Có khá nhiều chuyến bay trong một ngày. Xe lửa khoảng 500.000 - 800.000 đồng/vé. Xe khách dưới 300.000 đồng/vé. Có rất nhiều hãng xe để bạn lựa chọn.
Tính cả đoạn đường từ Quy Nhơn đến hai địa danh nói trên khoảng gần 20km. Từ Quy Nhơn, bạn có thể sử dụng dịch vụ grabbike. Tuy nhiên, việc đặt xe đi tiếp hoặc quay về hơi khó khăn, trừ khi lấy số điện thoại của tài xế và hẹn trước.
Thuê xe máy là lựa chọn tốt nhất bởi dịch vụ rất thuận tiện: giá thuê trên dưới 100.000 đồng/ngày, giao xe tận nơi, phục vụ 24/24, giấy tờ xe, bảo hiểm xe, mũ bảo hiểm, áo mưa đều được chuẩn bị đầy đủ. Địa chỉ tham khảo một số cửa hàng cho thuê xe máy: Hoài Bảo (27A Hoàng Hoa Thám, TP.Quy Nhơn), Anh Trưởng (6 Nguyễn Nhạc, TP.Quy Nhơn), Cường Thịnh (103 Chương Dương, TP.Quy Nhơn). Bạn có thể nhờ khách sạn liên lạc giúp các cửa hàng cho thuê xe máy.
Người dân ở đây khá vui vẻ, nhiệt tình. Bạn có thể hỏi thăm đường để đến các quán ăn nổi tiếng ở Tuy Phước như: bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang, nem chả Chợ Huyện...
|
Lam Hạnh