Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em và chồng cũ ly hôn cách đây hơn hai năm. Con trai em lúc đó mới hai tuổi. Khi ly hôn, chồng em nói đứa bé không phải con anh ta nên anh ta không đồng ý nuôi.
Em đã quá mệt mỏi sau mấy năm hôn nhân không hạnh phúc nên không thèm chấp nhặt chuyện đó, miễn sao anh ta thuận tình ký đơn ly hôn.
Hoàn cảnh của em lúc đó rất khó khăn. Ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, em muốn làm lại đời mình nên đem con về gửi cho bà ngoại, một mình bươn chải vô Nam làm thuê kiếm tiền sinh sống.
Em nghĩ sức em chỉ thu xếp được vậy thôi. Suốt thời gian em đi làm xa, mẹ em ở quê chỉ có một mình, bên nhà chồng em kéo đến nhà mẹ em mắng chửi rất tệ hại. Họ nói mẹ em bao che cho em theo trai, bỏ con mồ côi, chửi mắng đủ điều nhưng rồi họ cũng không mang cháu về nuôi. Bởi vậy, khi công việc tạm ổn, em đã nhắn mẹ đưa con vào ở với em. Ba mẹ con, bà cháu ở nhà thuê nuôi nhau, dù rất khó khăn nhưng em chấp nhận.
Mới đây, bên nhà chồng em nhắn tin, nói muốn nhận nuôi cháu. Em nghe nói chồng cũ của em đã lấy vợ mới nhưng sinh con gái. Bên nhà nội muốn có cháu trai nên nhắn em đưa cháu về. Em đã từ chối. Nhưng mẹ em nói con em vẫn là con cháu gia đình bên đó, nay nó còn nhỏ (4 tuổi), cũng nên để cho nó nhận ông bà, đừng để đến lúc nó lớn lên lại oán hận. Mẹ con mai này cũng có lúc về quê, chẳng lẽ ở đây hoài như đi trốn nợ. Nhà cửa, vườn tược, mồ mả ở quê, trước sau rồi cũng về, còn làng xóm…
Em thực lòng không muốn nhìn mặt gia đình chồng cũ. Họ đã mấy lần tuyên bố chối bỏ con em, bây giờ lại đòi cháu, em đời nào giao con cho họ. Thế nhưng nghĩ cho cùng, mẹ em cũng có lý. Em nên làm sao để vẫn giữ được con mà không mang tiếng cạn tàu ráo máng với nhà chồng?
Nguyễn Thị Vân (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Vân thân mến,
Suy nghĩ, quyết định của mình bây giờ phải lấy mình và con làm trung tâm. Mẹ em có thể vẫn đang nặng lòng với kiểu lời ra tiếng vào, định kiến của làng xóm. Em cũng nghe ý kiến mẹ nhưng em có bản lĩnh riêng, có cách nghĩ, cách làm của mình.
Em đã nuôi con suốt hai năm nay, đã dần tạo lập được cuộc sống riêng từ hai bàn tay trắng, không có lý do gì phải quay trở lại sống phụ thuộc vào người khác. Vậy nên, có thể đưa con về gặp ông bà nội, gặp cha của con như một lần về thăm, để con biết gốc gác, biết họ hàng máu mủ nhưng việc giao con hẳn cho nhà nội là không nên.
Nếu em giao con, con em sẽ sống với một người cha đã từng cho rằng đó không phải con mình, một người cha đã có vợ mới, một bà mẹ kế bị ám ảnh bởi việc không có con trai… Em vẫn nên giữ con ở với mình, nuôi con nên người. Em đã đi được một quãng đường dài, bước ra khỏi cuộc sống cũ. Em chấp nhận khó khăn, vậy em hãy tiếp tục cố gắng. Giả như không có lời nhắn của bên nhà nội, em vẫn sẽ sống cuộc đời mình theo cách mình chọn, phải không em?
Khi nghĩ đến việc đưa con về thăm nhà nội, hãy chuẩn bị kỹ càng, em nhé! Có thể có những chuyện lời qua tiếng lại, thậm chí giằng giật, làm tổn thương đến con em. Vậy nên em phải chuẩn bị lời lẽ, bình tĩnh trình bày cho rõ ràng việc em giữ quyền nuôi con là vì em đặt lợi ích của con lên trên hết. Nếu nhà nội thực lòng thương cháu, muốn cháu nên người, họ sẽ phải tôn trọng ý kiến của em, giúp đỡ cho em nuôi con được tốt. Để phòng xa, em đừng để mình ở thế yếu mà nên nhờ một người lớn đi cùng, cuộc gặp gỡ thăm hỏi nên công khai để không ai ăn hiếp được mình. Chúc gia đình nhỏ của em bình an.
|
Có nên cho con về với nhà nội? - Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Nguyệt Thu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM): Nhận cháu không có nghĩa là được quyền nuôi cháu
Tôi đang là mẹ đơn thân nuôi ba đứa con còn nhỏ. Tôi đọc những gì bạn viết mà thông cảm vô cùng vì đoạn trường này ai có qua rồi mới hay. Còn nhớ khi tôi sinh đứa thứ ba thì chồng tôi cũng nói rằng đứa bé không phải con anh ấy.
Lúc anh ấy cầm tờ xét nghiệm ADN về vui vẻ thông báo đứa trẻ đúng là con mình, tôi lập tức ly hôn vì không thể nào chung sống với người đã có với mình ba mặt con mà không tin mình. Tiếp sau đó là một hành trình đầy gian khó và tôi hoàn toàn trắng tay.
Nhưng, tôi không oán trách chồng mình và tôi nghĩ bạn cũng đừng nên làm thế. Oán hận chỉ làm mình khổ. Hiểu thế nên tôi tập cho mình nhìn mọi thứ một cách nhẹ nhõm. Chồng không muốn thăm con thì thôi. Chồng không muốn trợ cấp nuôi con, tôi cũng chẳng buồn đòi. Bà nội muốn cháu về chơi, tôi đưa con về. Nếu thực sự là con cháu nhà người ta, mình có cản cũng không được. Vậy thì căng thẳng làm gì cho phiền lòng, lại mang tiếng.
Tết này, nếu có về quê, bạn nên đưa con sang chào ông bà nội. Sau này, nếu có thể, bạn cứ định kỳ cho con về thăm. Tuy nhiên, tuyệt đối đừng giao con, bạn nhé!
Đặng Phương (Phan Rang): Hãy tách bạch chuyện nuôi và thăm
Đứa trẻ là con cháu của người ta, dẫu mình có cản thì người ta vẫn có quyền nhận máu mủ ruột rà. Nên bạn đừng nghĩ ngợi nhiều. Cứ tách bạch hai chuyện nuôi và thăm là được.
Một là họ được thăm con mình và con mình cũng sẽ thăm họ.
Hai là con mình mình nuôi, không giao trả gì cả. Việc này tôi nghĩ bạn không cần phải đắn đo. Cứ nói với họ rằng sau này con lớn con sẽ tự quyết, còn giờ con còn nhỏ thì bạn nuôi con.
Khổ sở đã qua, bạn nên dành tâm trí hướng tới một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Đừng để những chuyện, những người mà mình đã xem như không liên quan đến đời mình từ lâu rồi làm mình vướng víu. Cứ tự nhiên thôi. Dù muốn hay không, giữa bạn và người đàn ông đó cũng đã có với nhau một đứa con và trên danh nghĩa, người đó vẫn luôn là cha của con bạn. Điều này không thể nào thay đổi. Nghĩ thế cho nhẹ lòng, bạn nhé!
|
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.