Làm mẹ đơn thân gần chục năm, con trai đã lớn nên chị có thời gian tham gia các tổ chức phụ nữ, cũng học được ở đó cách thương yêu bản thân. Mỗi ngày chị thấy mình sống có ý nghĩa hơn khi gần gũi, giúp đỡ ai đó và gặp được anh.
Anh cũng dở dang một lần, con gái sống với mẹ, vợ anh đòi chia tay và ôm con đi vì anh nghèo. Theo vợ cũ của anh, thời này mà cái xe máy đi mười năm chưa đổi thì không chấp nhận được. Đàn ông mà cả tháng không đưa được vợ con đi ăn ngoài một lần là người kém cỏi. Anh chịu tiếng kém cỏi dù lương tháng nào cũng đưa hết cho vợ, sáng dậy sớm chịu khó nấu ăn mang đi cho bữa trưa. Trong khi vợ anh lâu lâu lại rước về cái váy đôi giày, những cái váy mấy trăm nghìn mà chỉ mặc một lần với lý do "mặc nữa người ta thấy, quê chết!".
|
Ảnh minh họa |
Ly hôn, anh ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, về nhà ở với mẹ, chăm sóc bà lúc tuổi già, điều mà khi còn trẻ anh chưa làm được vì vợ nói nhà có mấy con dâu, vợ không phải dâu trưởng, cũng không phải dâu út, mắc gì phải chăm ông bà già, lâu lâu ghé thăm được rồi. Hai bà dâu kia ở cạnh nhà, có gì ngon là sang lượm hết, đâu tới lượt vợ.
Chơi chung, thi thoảng đi cùng nhau trong những chuyến thực tế, thăm hỏi bạn bè, chị để ý thấy anh nhiệt tình, ít nói nhưng luôn tay luôn chân. Anh cũng thấy chị là phụ nữ mà xốc vác năng nổ, qua một vài người, anh biết hoàn cảnh chị và lặng lẽ đến bên cạnh, đỡ đần, chăm sóc.
Chị vô tư không biết anh có ý với mình, cũng bởi quá ngán cảnh chồng là trời nên từ khi được tự do, chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ thương ai lần nữa. Từ khi một mình, chị chí thú làm ăn và kinh tế lại khá hơn khi có hai mình, hẳn là chị không bị mất thời gian hầu hạ và chịu đựng những đánh đập bạo hành của con ma men, của hung thần kia. Chị thấy một mình mà thanh thản, con trai được chăm sóc gần gũi hơn, có nhiều điều kiện học hành vui chơi hơn, vậy thì chị cần gì một ai khác.
|
Ảnh minh họa |
Nhưng thấy anh âm thầm ở bên mà không một lời, chị lại thương và chú ý đến anh lúc nào không hay. Thế mà khi chị nói chuyện, anh lại từ chối làm chị chưng hửng, vừa quê vừa giận. Hỏi anh chê chị chỗ nào, anh nói em là người giỏi giang chu toàn và tốt bụng, có khùng mới dám chê em. Chị nói mát, vậy mà có người chê đó. Hẳn họ khùng?
Anh im lặng, chị quyết định không thèm để ý anh nữa, anh đến gần thì chị lảng xa, anh đưa gì chị không nhận. Hôm nào đi đâu ít người mà biết có anh thì chị không đi, anh đã vậy, chị đâu phải loại mặt trơ mà lẽo đẽo theo hoài.
“Nghĩ vậy tội ảnh. Ảnh giờ đang sống ở nhà mẹ, mẹ ảnh già lại có bệnh. Với người năng động tự lập như chị, là ảnh đang với cao rồi, không dám là phải”, mọi người bàn luận.
Chị thừ người. Không phải anh không cần chị, mà là không muốn chị cực khổ. Hẳn anh đã biết chuyện chị ngày xưa, hiểu những ngày đó là ác mộng nên không đành lòng để chị nhớ lại cảnh cũ.
|
Ảnh minh họa |
Biết hoàn cảnh anh, chị lại càng thương, chủ động đến thăm nhà, thấy mẹ anh già nhưng còn khỏe mạnh, bà vẫn tự nấu nướng giặt giũ, chỉ là buổi tối cần có người trong nhà. Những ngày về chơi, chị nghe tin em trai anh làm ăn gặp khó khăn phải bán nhà, có khi dọn về nhà mẹ. Chị gặp anh quyết luôn: “Nhà má nhỏ thế, gia đình em trai bốn người ở đã chật, thêm anh nữa xoay sao nổi, không ấy anh qua nhà tui, mình góp gạo thổi cơm chung, nhà tui một má một con, anh nói chuyện với con trai tui đi, nó ừ là được”.
Lần thứ hai anh lại lắc đầu, nói anh là đàn ông, về ở nhà vợ sao được. Rằng chị dư khả năng gặp được ai đó xứng đáng hơn, còn anh tay trắng nên không dám làm khổ chị.
Chị nói chuyện với con trai. Con nói mừng cho mẹ từ nay bớt cô độc, nhìn mẹ một mình bươn chải và ngày một già đi, con trai cũng lo, nhưng không dám nói mẹ bước thêm bước nữa. Có con trai làm hậu phương, chị vững tâm hơn tìm đến anh lần thứ ba, tự hỏi mình có phải “ham” trai đến mức ba lần tìm đến người ta không? Rồi người ta có coi thường không, coi chị là người đàn bà vì thiếu thốn nên bất chấp?
“Tôi hiểu lòng em, tôi cũng nói chuyện với má và các anh em trong nhà, ai cũng thương quý em hết. Nếu em cho phép, ngay ngày mai tôi sẽ đưa má tới thăm nhà, nói chuyện với ba mẹ em. Nhưng trước hết, em phải giữ giùm tôi tờ giấy này”.
|
Ảnh minh họa |
Chị mở tờ giấy học trò, là cam kết anh đến với chị với hai bàn tay trắng, mọi thứ trong nhà lúc trước và sau này đều là của chị, anh sẽ vun đắp nhưng không đòi hỏi hay chia chác gì.
Khuya, chị xem đi xem lại tờ giấy có chữ ký của anh và sáu chữ ký làm chứng, nghĩ đến ngày mai anh đưa mẹ và các em đến thăm nhà, tự dưng nôn nao y ngày xưa, có khác là lần này chị chủ động hơn, tự tin hơn và sẽ giữ anh lại cho mình, vì biết anh xứng đáng.
Nguyễn Thu Vân