Anh 44 mùa hoa ngâu rụng, tháng ngày mưa nắng đã khiến già trước tuổi. Thằng con cũng 22 nhưng chưa nghề nghiệp vợ con gì cả. Giờ tù tội, phải nhờ tờ giấy xác nhận thân nhân liệt sĩ để mong giảm án. Suốt câu chuyện, anh mấy lần lẩm bẩm: “Lỗi tại tôi nên con cái mới ra nông nỗi”.
|
Nào ngờ một cuộc “bài bạc nhỏ” mà tan nát cả gia đình. |
Anh và vợ cũng như bao cặp vợ chồng khác, không đất đai sản xuất, không nhà cao cửa rộng, chỉ một túp lều tranh và hai quả tim vàng. Trong một bữa cơm cuối năm của đầu công đãi, bọn anh có màn lắc bầu cua, chơi lô tô. “Độ” nhỏ thôi, vài chục ngàn nhưng nhỏ to gì cũng mang tính chất cờ bạc. Công an “hốt”, mỗi người bị 25 tháng tù giam. Đó là năm 2001.
Anh làm sao biết được, sai lầm phút chốc mà trả giá bằng cả đời sống hôn nhân và luôn cả tương lai đứa con trai tuổi lên bảy khi ấy.
Chồng tù tội, vợ anh lam lũ qua ngày nuôi dưỡng con thơ nhưng vẫn không đủ tiền ăn, tiền học, tiền thăm nom chồng “trong ấy”. Sóng đời xô dạt, chị gửi con lại cho cha mẹ già để đi tìm chân trời mới ở xứ sở xa xôi.
Kể tôi nghe mà giọng anh vỡ từng chặp: “Trời đất ơi, cô không biết cảm giác của tôi thế nào khi nhận tờ đơn ly hôn do giám thị chuyển đến đâu. Nói tan nát cõi lòng thì quá ít. Mà tôi nghe như có cái dao cưa nước đá, với hàm răng nhọn nhưng không bén để cưa một nhát đứt liền. Mà nó nhầy qua nhầy lại con tim tôi. Đau đớn lắm cô, đau tới thắt ngực và… tôi chết giấc. May mà cứu kịp. Cực khổ tôi không sợ, tù tội tôi chấp hành, hai mươi lăm tháng có gì là nhiều. Huống chi cũng đã ở được mười tháng. Vậy mà vợ tôi lại nỡ…
Vợ bỏ cũng đành, nhưng còn con tôi, liệu ai sẽ chăm sóc yêu thương nó, hay người ta sẽ dạy nó rằng cha nó chỉ là một thằng tù? Tôi muốn năn nỉ vợ, hãy cố chờ tôi ra tù, để con có mẹ, rồi sau đó ly hôn cũng được. Nhưng cô ấy đã đành đoạn ra đi vì: “Sống với anh không có tương lai gì hết. Tôi phải lấy chồng nước ngoài cho bằng người ta”. Tôi cải tạo tốt để mong được sớm về với con. Ban giám đốc trại giam cũng thương tình nên tôi chỉ nấu nước châm trà, quét dọn sân vườn. May có người giám thị biết hoàn cảnh nên an ủi từng ngày. Tôi mới nghĩ rằng chuyện vợ chồng là duyên số. Có duyên tới đâu thì sống với nhau tới đó. Hết duyên làm sao mà nắm níu…
Nói thì nghe dễ vậy, nhưng cô không biết mỗi tháng thấy người ta có thân nhân tới thăm là tôi tủi đến mức nào đâu. Ba tôi hy sinh để lại hai con cho má tôi nuôi nấng. Má cực khổ quá, cũng mất khá lâu rồi. Anh em ai lo phận nấy. Mà chốn tù tội này chỉ mong người đầu ấp tay gối tới thăm, chứ cha mẹ, anh em thì ai lo phận nấy”.
Anh mãn hạn tù sớm sáu tháng. Ra tù, xin đón con về thì bà chị vợ không cho, bởi bà có cửa hàng gas khá lớn, lại không chồng, đủ sức nuôi cháu ăn học. Mà quả thật anh cũng không có nhà để đón con về. Bởi thửa đất duy nhất với căn nhà bé nhỏ đầm ấm gia đình hồi hai năm trước, vợ anh đã bán trước khi đi nước ngoài.
Anh ở đậu nhà người bạn. Theo bạn đi làm lái mì. Ba năm sau thì đủ tiền mua miếng đất cất nhà khác. Nhưng bây giờ thằng con lại không chịu về với ba vì ở với dì quen rồi.
“Tôi thấy vậy cũng được, thời buổi này một cú điện thoại là gặp được nhau. Nhưng nào ngờ suy nghĩ đơn giản vậy nên con tôi phải trả giá trong chốn lao tù bởi tuổi trẻ ham chơi, không người bảo ban tới nơi tới chốn. Học hành không tới đâu, làm nghề cũng không làm mà còn đua xe và đánh lại người thi hành công vụ. Án kêu bốn mươi tám tháng tù. Rồi người ta bày, nhà có ông nội là liệt sĩ, làm cái đơn xác nhận thân nhân thì sẽ được giảm án phần nào”.
“Mẹ thằng bé thì sao? Bao năm nay có liên lạc với con không? Chị ấy có an vui khỏe mạnh bằng chị bằng em như mơ ước?”, tôi vừa thảo cái đơn giúp anh, vừa tò mò.
“Bả thì khỏe quá rồi, không lo ăn lo mặc nữa. Cũng không lo con nên con hư nữa. Càng không phải mắc công thở nữa... vì gặp thằng chồng vũ phu, sống được mấy năm thì buồn quá, nhồi máu cơ tim “đi” từ năm 2008 rồi. Tôi qua bển đón về chứ ai, tội nghiệp, hồi ra đi năm mươi mấy ký, về chỉ còn cái hũ nhỏ xíu. Nhưng phận người mà…”.
Hai má hõm sâu, gương mặt hằn lên những vết thời gian, đôi tay gân guốc vì tháng ngày lao động cực nhọc, nhưng giọng anh vẫn thâm trầm rằng mình hối hận lắm. Nào ngờ một cuộc “bài bạc nhỏ” mà tan nát cả gia đình.
Dù bây giờ anh cũng đã lấy vợ khác, cuộc sống vẫn bộn bề lo toan nhưng anh trân quý nó vô cùng. Mười mấy năm nay anh không dám đụng đến một con xúc xắc bầu cua hay một lá bài tây, một con lô tô xanh đỏ... Bởi một lần thôi, đã đủ trả giá bằng cả đời người.
Dáng anh tất tả, chiếc xe máy nổ sừng sực tung làn khói xám mù vờn qua gương mặt người lái như vệt sương quệt ngang ánh mắt hãy còn nặng oằn tâm sự. n
Kim Đào