Một lần đến Trường Sa để thêm yêu dòng nước mát

17/06/2024 - 12:01

PNO - Nước tại nơi đây được ví như mạch nguồn của sự sống, những giọt nước trên đảo được quân và dân nơi đây vô cùng quý trọng.

Quần đảo Trường Sa là huyện đảo tiền tiêu của tỉnh Khánh Hòa, nằm cách đất liền khoảng 250 hải lý, nằm về phía Nam Biển Đông ở trong khoảng từ 6030’ đến 12000 độ vĩ Bắc, 111000 đến 117020’ độ kinh Đông, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 248 hải lý. Đây là quần thể gồm hơn 100 đảo, bãi ngầm, bãi san hô, trải rộng trên vùng biển khoảng 180.000km2 và án ngữ ở vùng biển rộng phía Đông Nam nước ta.

Căn cứ vào vị trí và khoảng cách giữa các đảo, quần đảo Trường Sa được chia thành 8 cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên.

1/ Vườn rau xanh mướt trên đảo Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: Sơn Vinh chụp tháng 5/2022
Vườn rau xanh mướt trên đảo Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: Sơn Vinh chụp tháng 5/2022

Nhìn chung, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có diện tích nhỏ (khoảng vài chục héc-ta trở xuống); trong đó, Ba Bình là đảo rộng nhất, có diện tích khoảng 0,6km2. Về độ cao của các đảo (so với mực nước biển trung bình) khoảng từ 3m - 5m; cao nhất là đảo Song Tử Tây, khoảng từ 4m - 6m (lúc thủy triều xuống).

Trên các đảo chủ yếu là cát san hô, có lẫn các lớp phân chim và mùn cây, dày khoảng 5cm - 10cm. Một số đảo có mạch nước ngầm, có thể tạo ra các giếng nước ngọt, như: Song Tử Tây, Song Tử Đông, Trường Sa… Đây là nguồn tài nguyên rất quan trọng để có thể đưa dân ra sinh sống trên các đảo và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài các đảo nổi, còn có các bãi đá, san hô ngầm, như: Sinh Tồn Đông, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Đá Lớn, Thuyền Chài…

Trên đảo, quanh năm nắng gió, có một số loại cây trái, rau xanh và gia súc, gia cầm do người dân trên đảo nuôi, trồng khá đầy đủ.

Do đặc tính của khí hậu khắc nghiệt nên một số đảo như Cô Lin, Len Đao, Đá Nam… nước ngọt hạn chế. Nước dùng nơi đây chủ yếu từ các nguồn: nước mưa, nước giếng và nước lọc từ nước biển thành nước ngọt để dùng. Vào mùa mưa, quân và dân nơi các đảo nhỏ thường dùng các bể có dung tích hàng trăm mét khối để hứng nước. Ngoài ra, tại các nhà dân đều có các bồn, bể chứa nước để dùng. Mùa mưa thì nước ngọt tương đối đủ. Đến mùa khô nước dùng bị hạn chế, mỗi người chỉ vài chục lít một ngày.

Tại các đảo như Song Tử Tây, Sinh Tồn… có các giếng nước đã tồn tại từ hàng chục năm trước, nhưng nước ở đây vẫn còn độ mặn khiến cho việc tăng gia sản xuất và tưới tiêu còn gặp nhiều khó khăn; còn giặt giũ thì chủ yếu dùng nước biển rồi tráng sơ lại bằng nước ngọt; nếu không quần áo sẽ bị bạc màu nhanh.

Những năm gần đây trên đảo lớn đều đã có nguồn nước ổn định phục vụ sinh hoạt, nhưng nguồn nước cũng không liên tục và dồi dào như trên đất liền. Và ở các đảo nhỏ việc đảm bảo nguồn nước ngọt ổn định còn gặp nhiều khó khăn.

Nước tại nơi đây được ví như mạch nguồn của sự sống, những giọt nước trên đảo được quân và dân nơi đây vô cùng quý trọng. Những giọt nước ngọt quý báu luôn được tái sử dụng sau khi tắm rửa để làm nguồn nước tưới cho các loại rau xanh.

Mảng xanh trên đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: Sơn Vinh chụp tháng 5/2022
Mảng xanh trên đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: Sơn Vinh chụp tháng 5/2022

“Trong đời của một người Việt Nam chắc hẳn ai cũng mong được một lần ra thăm quần đảo Trường Sa. Để được tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân và dân nơi đây, để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho quân, dân huyện đảo Trường Sa vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà còn là một trải nghiệm, cảm nhận được gian khổ mà những người lính đã vượt qua để giữ gìn biển đảo cho tổ quốc” - bạn tôi, đã một lần được đến Trường Sa, nói.

Quay về với đất liền, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng và yêu quê hương đất nước hơn, cảm thấy mình may mắn khi sinh ra và lớn lên ở TPHCM - nơi luôn có nguồn nước mát lành ở bất kỳ nơi đâu. Có lẽ bất kỳ ai, chỉ cần 1 lần đến với Trường Sa sẽ không chỉ yêu Trường Sa vì sự gian lao, thiếu thốn nhiều thứ, trong đó có nguồn nước mà còn yêu hơn những dòng nước mát lành ở nơi thành phố mình sinh sống.

Tác phẩm dự thi cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM ; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua Email toasoan@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.

Cơ cấu giải thưởng
- 1 giải Nhất: trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải Nhì: trị giá 6 triệu đồng.
- 2 giải Ba: mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
- 8 giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.

Lưu ý: Người nhận giải sẽ chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.

Thu Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI