Một lần chạm vào lưng ba

18/04/2021 - 12:00

PNO - Vậy mà tôi vẫn nhớ tấm lưng ba, nó rất gầy, gần như chỉ còn khung xương. Tôi nhớ lại mỗi lần ông xã vỗ lưng tôi, anh cũng hay chọc ghẹo là người tôi “rỗng”, vì lưng tôi gần như không có thịt, mỗi lần vỗ vào có thể nghe cả tiếng vọng.

Tôi còn nhớ, tôi nắm tay khoác vai bạn bè cùng trang lứa còn nhiều hơn là với chị em trong nhà, và đặc biệt hiếm khi chạm vào cha mẹ. 

Ở nhà, lúc còn bé tôi cũng hay nắm tay má. Mỗi khi má đi chợ, tôi phụ bà xách giỏ rồi tranh thủ nắm tay. Mỗi khi má chở tôi trên chiếc xe đạp mini, yên sau thấp nên tôi hay choàng lên ôm eo bà. 

Những trưa hè, mấy chị em xúm lại nhổ tóc ngứa cho má, là lúc chúng tôi tha hồ được chạm vào người má. Những buổi tối cả nhà quây quần xem ti vi, tôi và em út còn được nằm võng cùng má.

Tôi nhớ tay má ốm và có nhiều xương, má đeo chiếc nhẫn mặt ngọc màu xanh lá trên ngón tay áp út.

Tôi nhớ dáng má dong dỏng, người ốm và nhỏ nên chẳng khó khăn gì cho tôi ôm trọn vòng eo má.

Nhưng đó là tất cả những gì tôi nhớ về những đụng chạm vào người má, vì má tôi mất sớm, đến năm lớp 11 là tôi không còn được ôm má nữa. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ba tôi tính tình nghiêm nghị hơn, ông ít ôm ấp cưng nựng con cái. Hình như cỡ năm tôi học lớp Chín, tôi đã thôi chạm vào người ba.

Thuở nhỏ, tôi cũng hay được ba chở có khi là trên chiếc xe đạp đòn dông, hay trên chiếc xe Dame. Ngồi xe đạp thì tôi tự động giữ yên sau chứ không dám ôm ba. Riêng lúc ngồi xe Dame thì tôi ôm lưng ba thật chặt, vì thỉnh thoảng ba quay lại dặn dò ôm ba cho an toàn.

Về sau, dù không sợ té nữa, nhưng tôi thích cứ được ôm ba như thế để có cảm giác nhỏ bé và được che chở. Rồi con gái lớn thì không ôm ba nữa, dù tôi vẫn được ba chở sau xe máy rất nhiều lần.

Sau này, lập gia đình ở nước ngoài và có nhiều dịp tiếp xúc với những người phương Tây, họ hay trao nhau những “cái ôm nồng thắm” làm tôi rất ngượng, phải mất thật lâu tôi mới quen dần với cái ôm xã giao của họ. 

Với gia đình, đặc biệt là ba má chồng, họ hay dành cho tôi những cái ôm rất chặt. Tình cảm lớn dần theo thời gian, tôi cũng trao lại cho má chồng những cái ôm thắm thiết một cách tự nhiên.

Ở càng lâu, tôi càng nhận ra khi nào là cái ôm xã giao, khi nào là cái ôm chứng tỏ người ta yêu quý mình thật sự. Những cái ôm hay nụ hôn trên má như thước đo tình cảm. Ông xã tôi hay bắt tay ba anh, rồi cũng ôm nhau thật lâu, đặc biệt với mẹ anh, tôi cảm nhận bà yêu thương anh thật nhiều qua cái ôm không muốn dứt. 

Những lần về Việt Nam, dù rất muốn, nhưng tôi vẫn không thể “áp dụng” văn hóa phương Tây với những cử chỉ ôm ấp đó vào gia đình mình. Tôi rất muốn ôm ba và chị em mình thật lâu mỗi khi chia tay vì biết là cả năm sau mới gặp lại. Tôi muốn ít nhất là nắm lấy bàn tay gầy guộc của ba, nhưng không dám. 

Rồi cũng có một lần, tôi được chạm vào lưng ba. Lần đó, ba ăn cơm tối cùng vợ chồng tôi. Có lẽ ba ăn nhầm miếng ớt hay tiêu gì đó mà ba bị ho sặc thành tiếng, tôi nghĩ thế vì ba tôi không ăn được cay.

Tôi ngồi kế bên hoảng hốt, theo phản xạ, tôi lấy tay vỗ nhẹ vào lưng ba và xoa xoa nhè nhẹ khắp mảng lưng của ba để làm dịu cơn ho. Cơn ho thoáng qua và mọi việc xảy ra dường như chỉ trong một phút. Vậy mà tôi vẫn nhớ tấm lưng ba, nó rất gầy, gần như chỉ còn khung xương.

Tôi nhớ lại mỗi lần ông xã vỗ lưng tôi, anh cũng hay chọc ghẹo là người tôi “rỗng”, vì lưng tôi gần như không có thịt, mỗi lần vỗ vào có thể nghe cả tiếng vọng.

Tự nhiên, lúc chạm vào lưng ba, cảm giác yêu thương, gần gũi dâng trào. Tôi biết rằng có một sợi dây liên kết giữa ba và tôi, rằng ngoài khuôn mặt, tướng đi đứng, tôi còn được ba cho thừa hưởng chiếc vai ngang gầy guộc và chiếc lưng “rỗng”. 

Phan Quỳnh Dao (London, Anh )

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI