Một kiểu nghe nhạc khác

03/06/2019 - 19:00

PNO - Tới thời điểm hiện tại, truyền hình tương tác vẫn còn là chuyện mới ở Việt Nam. Song, nằm trong xu hướng phát triển truyền hình chung của thế giới, truyền hình Việt Nam sớm hay muộn cũng phải nhập cuộc.

Không cần phải bỏ một khoản tiền lớn để mua vé đến nhà hát xem live show; không nhất thiết phải ở Hà Nội hay TP.HCM, bất cứ ai, từ nhà, đều có thể nghe/xem ca sĩ “live” cùng ban nhạc, với chất lượng âm thanh tốt. Music Home đang trở thành hiện tượng của làng nhạc khi tung ra format mang tính tiên phong, khác biệt, qua 7 số, được phát sóng định kỳ tối thứ Sáu cuối tháng.

“Nhà hát đông người nhất là nhà hát internet”

“Theo dõi các chương trình ca nhạc trên truyền hình hiện nay, tôi để ý thấy, rất ít chương trình có chất lượng âm thanh làm hài lòng đôi tai của mình. Khi ta có những ca sĩ tài năng và những nhạc công giỏi, chỉ vì một đường truyền chưa chuẩn mà phải xem những chương trình kém chất lượng âm thanh thì tôi cho rằng, đó là điều hết sức vô lý”, giám đốc âm nhạc của Music Home - nhạc sĩ Huy Tuấn - chia sẻ.

Mot kieu nghe nhac khac
Music Home cho phép khán giả tùy chọn góc quay mình muốn xem

Nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết, trước khi thực hiện chuỗi Music Home live with Anh Em này, anh từng đau đáu về những chương trình truyền hình trực tiếp đến hàng triệu khán thính giả ở nhà, mà ở đó ca sĩ hát “live”, ban nhạc chơi “live” với hệ thống chất lượng âm thanh tiêu chuẩn nhất.

Trong khi đó, hiện nay, ở TP.HCM và Hà Nội - hai thành phố tập trung nhiều nhà hát cũng như live show ca nhạc lớn, chất lượng âm thanh tương đối tốt, khán phòng lớn nhất chỉ có thể chứa được lượng khán giả từ 3.500 - 4.000 người. Mặt khác, cũng chỉ có khán giả ở hai thành phố này mới có cơ hội tiếp cận những live show ca nhạc chất lượng; còn bà con ở những nơi xa xôi thì khó có điều kiện đó. Chưa kể ở ta, với những chương trình truyền hình trực tiếp, khán giả xem qua ti vi không được coi trọng bằng khán giả có mặt tại trường quay. Music Home đi ngược lại: khán giả tại nhà được ưu ái, chiều chuộng, tự do lựa chọn góc máy. Âm thanh nghe ở nhà cũng hay hơn, “đã” hơn, sắc nét hơn.

Với tư duy “nhà hát đông khán giả nhất là nhà hát trên internet”, trên thế giới, có những chương trình truyền hình, ban nhạc và ca sĩ chơi mà không cần khán giả. Khán giả có thể giao lưu, bình luận, tương tác với nghệ sĩ qua mạng. Họ sử dụng nhiều máy quay để khán giả có thể tùy ý lựa chọn góc nhìn. Song ở Việt Nam, truyền hình tương tác vẫn còn là một dạng trải nghiệm truyền hình xa lạ. Nói Music Home tiên phong là vì thế.

“Rễ” truyền hình 24/7 lung lay?

Với sự phát triển của internet, thị trường truyền hình ở Việt nam đã và sẽ có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Chỉ cần một thiết bị nối mạng, khán giả ngày nay có thể xem truyền hình ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Xu hướng phát triển của truyền hình hiện đại, mà truyền hình tương tác chỉ là một trong số đó, chắc chắn sẽ làm lung lay cái gốc rễ của truyền hình truyền thống (còn gọi là truyền hình 24/7), phá vỡ thế độc quyền mà các nhà đài đã tạo dựng trong nhiều thập niên qua. Để tồn tại và cạnh tranh, họ phải tự thay đổi để thích ứng, nếu không muốn bị nhấn chìm.

Mot kieu nghe nhac khac
Bùi Lan Hương- một "nàng thơ" mới của ban nhạc Anh Em trong không gian Music Home 

Khi “miếng bánh” truyền hình không còn độc quyền, khán giả là người được lợi nhất. Sự phát triển của truyền hình tương tác cũng sẽ kéo theo những đổi mới về nội dung lẫn hình thức, đi cùng công nghệ sản xuất, quy trình phát sóng, phương thức tiếp cận công chúng... Khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn hấp dẫn, theo ý mình; thay vì thưởng thức thụ động, “cho gì ăn nấy” như truyền hình 24/7 mang lại.

Tuy nhiên, truyền hình tương tác nói riêng và truyền hình hiện đại nói chung cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về bộ mặt của truyền hình trong tương lai ở nước ta: sự tác động của nó đối với xã hội, vấn đề an ninh mạng trong bối cảnh mạng xã hội tồn tại nhiều bất cập, cách quản lý… đều chưa được đề cập, nghiên cứu cụ thể. Thậm chí, trong Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020; Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình... cũng chưa đề cập đến những vấn đề này.

Hiện nay, quy hoạch mới chỉ dừng ở những nội dung chung chung như “phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng”.

Tới thời điểm hiện tại, truyền hình tương tác vẫn còn là chuyện mới ở Việt Nam. Song, nằm trong xu hướng phát triển truyền hình chung của thế giới, truyền hình Việt Nam sớm hay muộn cũng phải nhập cuộc. Nên chăng, ta bổ sung những nội dung mới vào quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình cho phù hợp với xu hướng của thời đại hoặc sẽ lại rơi vào cảnh luật không “chạy” kịp thực tế đời sống. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI