Ngày 22/12, TAND TP.HCM mở phiên xét xử Nguyễn Thị Nhung, nguyên thư ký của tòa này cùng Phan Văn Khang (chồng Nhung) với tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Đây là một vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm do liên quan trực tiếp đến vụ vòi tiền “chạy án” với bà Mai Thị Ngọc Vân - sinh năm 1980, ở P.2, Q. Tân Bình, TP.HCM - một nghi can trong vụ án “cố ý gây thương tích” mà Nhung được phân công làm thư ký ở phiên xét xử phúc thẩm diễn ra hồi tháng 6/2016. Nói chính xác hơn là một vụ cán bộ tòa lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người dân.
|
Vợ chồng bị cáo Nhung tại tòa |
Dư luận phẫn nộ bởi kẻ phạm tội là người của cơ quan tư pháp, nơi cầm cân nảy mực, thực thi công lý. Đã thế, sau khi tố cáo hành vi vòi tiền chạy án của vợ chồng Nhung, ở phiên xử phúc thẩm, bà Vân bị tuyên tăng mức hình phạt từ 9 tháng lên đến 4 năm tù giam, một bản án sai sót nghiêm trọng về tố tụng mà sau đó không lâu đã bị kháng nghị hủy toàn bộ vụ án, điều tra lại từ đầu. Chính những nguyên do này khiến người dân càng theo dõi, ngóng trông vào kết quả phiên tòa cuối tuần vừa qua.
Thế nhưng, hội đồng xét xử đã phán quyết một bản án quá nhẹ so với thực chất tội danh và mức độ nghiêm trọng của nó, tòa chỉ tuyên phạt bà Nguyễn Thị Nhung mức án 3 năm tù (cho hưởng án treo) và ông Phan Văn Khang (37 tuổi) 2 năm tù. Một kết quả đắng chát! Khó trách vì sao dư luận lần nữa lại dậy sóng.
Theo tôi được biết, ngày 22/12, trước khi phiên tòa diễn ra, bà Mai Thị Ngọc Vân đã có yêu cầu xin hoãn phiên tòa vì luật sư Lư Quang Vinh, người bảo vệ cho bà trong vụ án này, không được thông báo đưa vụ án ra xét xử (như tin Báo Phụ Nữ đã đưa ngày 22/12/2017).
Cho dù, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 không quy định trường hợp hoãn phiên tòa do vắng mặt người bảo vệ quyền lợi của bị hại, tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu sự vắng mặt của người bảo vệ quyền lợi cho bị hại là do không nhận được thông báo về việc vụ án ra xét xử thì hội đồng xét xử cần xem xét lại nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị hại không bị xâm phạm. Thế nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của bà Vân, xem như sự vắng mặt của luật sư là một lẽ tất nhiên, để rồi phiên tòa vẫn diễn ra.
Ở tòa, ngay sau khi bà Vân phải lên tiếng xin tòa giảm nhẹ mức hình phạt cho bà Nhung và ông Khang - chính là những người từng ép bà Vân phải “chung” tiền hối lộ trong lúc hoàn cảnh bà Vân vô cùng khó khăn, ở nhà thuê, bị chồng bỏ, một mình nuôi ba con nhỏ, trong đó có một cháu vẫn chưa tròn 36 tháng tuổi.
Từ yêu cầu này những người cầm cán cân công lý đã “luận” rằng: “Do có sự tha thiết đề nghị của nạn nhân là bà Mai Thị Ngọc Vân xin giảm nhẹ hình phạt… nên tòa quyết định”… bản án như vậy. Xin thưa, cách lập luận này hoàn toàn không thuyết phục, thậm chí còn làm cho người ta hụt hẫng...
Theo Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009 và Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định về nguyên tắc được áp dụng án treo, trong trường hợp có tình tiết tăng nặng thì chỉ được áp dụng án treo khi có tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hành vi của Nhung có tình tiết tăng nặng như lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để phạm tội.
Để được áp dụng án treo thì phải đáp ứng các điều kiện về trường hợp được hưởng án treo theo điều 60 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009. Cho nên việc tòa án căn cứ vào việc xin giảm nhẹ hình phạt của nạn nhân để xử phạt 3 năm tù treo đối với bà Nhung, theo tôi là quá nhẹ, chưa thực sự phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này có nguy cơ tạo nên một số hạn chế nhất định trong mục đích răn đe, giáo dục đối với người phạm tội cũng như toàn xã hội.
Bản án của tòa đã đi ngược lại tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa; trái ngược với chỉ đạo của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về công tác tư pháp và chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Theo đó, công tác tư pháp phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức; bảo vệ trật tự, kỷ cương; bảo đảm và tôn trọng dân chủ, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Từ những nghị quyết này cho thấy, khi cán bộ tư pháp, người của cơ quan tư pháp vi phạm pháp luật thì không có chuyện vì yêu cầu bãi nại hoặc xin giảm nhẹ của nạn nhân mà quan tòa có thể “nương tay”. Và càng không thể “nương tay” đến mức không đủ sức răn đe như thế!
Là một người nhiều năm gắn bó công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, tôi nhận thấy phán quyết này đã “làm khó” chúng tôi - làm câu chuyện, bài giảng về cải cách tư pháp và chống tham nhũng được “thị phạm” một cách trái ngược hoàn toàn.
Từ mức án này, liệu rằng có bao nhiêu người dân khác dám đứng ra tố cáo việc bị người có chức vụ, quyền hạn ép “chung chi”? Liệu còn có người dân nào mạnh dạn lên tiếng tố cáo cán bộ tham ô, nhũng nhiễu?
Tôi biết, trước phán quyết của tòa, bà Vân sẽ không dám đặt yêu cầu kháng án bởi bà quá sợ lần nữa phải “đáo tụng đình”. Ở tình thế này, bà Vân sợ sự kháng nghị của mình với cơ quan tư pháp sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cơ quan tư pháp “giận” và ảnh hưởng đến phiên xét xử sắp diễn ra ở TAND Q. Tân Bình, như chuyện từng xảy ra với bà ở phiên phúc thẩm ngày 10/8/2016. Nỗi sợ đó hoàn toàn có thể cảm thông và chia sẻ.
Chính vì thế, tôi kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, Tòa án cấp cao tại TP.HCM trong phạm vi chức trách của mình hãy nghiên cứu lại thật kỹ hồ sơ vụ án, xem xét cẩn trọng phán quyết của tòa, nếu có thể kháng nghị bản án, quyết định của tòa đã tuyên ngày 22/12 vừa qua, để vụ án này được xét xử lại đúng tính chất và mức độ của nó, trả lại niềm tin cho nhân dân, thực hiện đúng tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa và chủ trương của Đảng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
(Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam)