Một họa sĩ bậc thầy suýt bị lịch sử quên lãng

26/07/2020 - 12:01

PNO - Solomon không chỉ là nhà đấu tranh cho sắc màu LGBT trong nền mỹ thuật mà còn mạnh dạn phản ánh nét đa sắc thái của tính dục.

Năm 1864, trên bức vẽ màu nước khổ nhỏ duyên dáng, nhà thơ nữ Sappho của Hy Lạp cổ đại đang ôm lấy Erinna, một nhà thơ khác, với đôi môi gần như sắp chạm vào người ngồi cạnh. Khao khát yêu thương hiện hữu nơi gương mặt Sappho, trong khi Erinna giữ ánh mắt nhắm hờ hướng về trước. Chiếc váy đỏ Erinna mặc lệch sang bên để lộ bờ vai trần mềm mại… 

“Vết nhơ” và sự nghiệp cầm cọ đầy gian truân

Sappho và Erinna trong vườn ở Mytilene rất có thể là một trong những bức họa đầu tiên mô tả mối quan hệ đồng tính được giới thiệu công khai đến công chúng phương Tây. Và người tạo ra nó - Simeon Solomon - một họa sĩ đồng tính gốc Do Thái sống ở Anh quốc thời đại Victoria, có số phận thăng trầm không kém tác phẩm thú vị này. Sự nghiệp của ông suýt nữa đã bị vùi lấp vĩnh viễn vì những cáo buộc và định kiến. 

Sappho và Erinna trong vườn ở Mytilene, năm 1864
Sappho và Erinna trong vườn ở Mytilene, năm 1864

Solomon, người sở hữu nhiều sáng tác chịu ảnh hưởng từ trào lưu mỹ thuật Tiền-Raphael (khởi phát giữa thế kỷ XIX), từng hai lần bị bắt vì quan hệ đồng giới (vào năm 1873 và 1874). Hành vi bị xem là phạm pháp lúc bấy giờ khiến vị họa sĩ điêu đứng, hủy hoại danh tiếng Solomon khi ông đang ở đỉnh cao sự nghiệp. “Vết nhơ” ấy đồng thời đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.

Suốt 25 năm nay, tiến sĩ Roberto C. Ferrari, phụ trách giám tuyển sản phẩm nghệ thuật tại Thư viện Mỹ thuật và kiến trúc Avery - Đại học Columbia (New York), thuộc số ít học giả đương đại nỗ lực nghiên cứu - giới thiệu những sáng tác mang dấu ấn Solomon đến với đa dạng đối tượng người xem. Ông cũng là nhà sáng lập Thư viện điện tử Simeon Solomon Research Archive, với mục đích lưu trữ nguồn tài nguyên thông tin đặc sắc về cuộc đời, sự nghiệp cầm cọ đầy gian truân của danh họa người Anh. 

Từ năm 2000, thời điểm Ferrari bắt đầu xây dựng trang thông tin điện tử kể trên, những tác phẩm đề tên Solomon dần tạo tiếng vang trở lại. Tiêu biểu thông qua tour triển lãm tưởng niệm năm 2005 và vào năm 2017, sự kiện triển lãm “Queer British Art 1861-1967” tại bảo tàng Tate - xác lập vai trò Solomon như một nghệ sĩ có đóng góp quan trọng, giúp lột tả chủ đề LGBT nơi địa hạt mỹ thuật. 

“Tính cởi mở của xã hội đương thời đối với văn hóa đồng tính giờ đây, nhìn chung, cho phép cái tên Simeon Solomon cơ hội được phát hiện lần nữa”, Ferrari trao đổi cùng CNN qua một buổi phỏng vấn trên điện thoại từ nhà riêng. 

Bức Bacchus 2, năm 1867
Bức Bacchus 2, năm 1867

“Tôi nghĩ điều thiết thực chúng ta nên làm là công nhận vị thế quan trọng Solomon chiếm giữ trong quá trình phát triển của nghệ thuật Do Thái giai đoạn đương thời. Thủ đô London nơi ông lập nghiệp khi ấy vẫn đang mang nặng tư tưởng bài Do Thái”. 

Với chính vị tiến sĩ chuyên ngành lịch sử mỹ thuật và là một người đồng tính, khám phá vẻ đẹp những sáng tác của Solomon thời điểm còn ở trường đại học, tựa như một sự “khai sáng”. “Đó là lúc tôi vừa công khai giới tính và cảm giác như được giải phóng khi tôi biết về một nhân vật lịch sử đã phải trải qua nhiều gian khó, khổ đau trong đời vì vấn đề giới tính”, Ferrari chia sẻ.  

Những bức họa gợi cảm

Solomon sinh tại London năm 1840, trong một gia đình trung lưu với tám anh chị em. Ông theo học mỹ thuật tại Học viện Hoàng gia.

Cuộc gặp gỡ định mệnh với nhà thơ, tiểu thuyết gia đồng hương Algernon Charles Swinburne đã khơi gợi lòng say mê Sappho trong ông. Sappho, một nhà thơ nữ có cuộc đời thần bí, là cái tên được yêu thích tại hòn đảo nhỏ xinh đẹp Lesbos (vùng biển bắc Aegea - Hy Lạp). Thi sĩ Sappho với lượng tác phẩm thơ ca ít ỏi, mô tả vẻ đẹp tình yêu và niềm khao khát ái tình không được đáp đền.

Bức Buổi đêm, năm 1890
Bức Buổi đêm, năm 1890

Trong tác phẩm thơ hoàn chỉnh hiếm hoi nhất còn được gìn giữ đến nay của bà, Sappho buông lời khẩn cầu thần tình yêu Aphrodite: “Xin đến với tôi lúc này, lần nữa, để giải thoát tôi khỏi mối ưu phiền rã rời. Để mọi điều trái tim tôi khao khát sẽ được toại nguyện. Và hãy là người, đồng minh của tôi nơi tình trường”. 

Sappho và Erinna trong vườn ở Mytilene chứa đựng hai chủ thể mỹ thuật kinh điển đầu tiên xuất hiện trong khối gia tài sáng tác của Solomon. Chính bức họa này đã giúp sự nghiệp ông “sang trang”. Nơi tác phẩm đậm chất gợi cảm ngọt ngào, cái ôm của hai người phụ nữ được “phụ họa” bởi hình ảnh đôi chim cu gáy quyến luyến nhau xuất hiện bên trên họ. 

“Bức tranh rất gợi cảm nhưng không gợi dục”, Ferrari nhận định về tác phẩm màu nước nổi bật, vốn có kích thước khiêm tốn, chỉ 33cm x 38cm. “Trong tranh, Sappho nghiêng nhẹ người về phía Erinna. Erinna không khước từ cái ôm. Duy bạn vẫn có thể thấy, dẫu phảng phất không khí ái tình, gương mặt Erinna còn đôi chút lưỡng lự - như thể nàng e sợ cách thế giới bên ngoài nhìn về họ”. 

Sự nghiệp điêu đứng trong phút chốc 

Rất nhiều tác phẩm của Solomon chứa yếu tố đồng tính luyến ái - đặc trưng như những quang cảnh cổ điển trong nghệ thuật, tái hiện với ấn tượng gợi cảm. Tuy nhiên, sắc màu đồng tính trên tranh chưa từng khiến vị họa sĩ vuột mất cơ hội công việc, mãi đến khi ông bị bắt ở tuổi 32 do có hành động quan hệ thể xác với một người đàn ông lớn tuổi hơn tại một nhà tắm công cộng ở London. 

Qua sáu tuần ngồi tù, Solomon cuối cùng được bảo lãnh. Vẫn tưởng có thể cứu rỗi sự nghiệp, một năm sau, vị họa sĩ lâm vào tình cảnh khốn cùng tương tự, khi ông đang ở Paris. Solomon trải qua ba tháng bị giam giữ, để rồi bị ruồng bỏ bởi giới nghệ thuật ngay sau đó. 

“Vụ bắt giữ đã thật sự thay đổi cuộc đời Solomon”, Ferrari cho biết. “Không may thay, những định kiến, hạn chế ở tư duy xã hội đương thời, lẫn nạn kỳ thị đồng tính đã khiến ông bị bỏ rơi bởi mọi người xung quanh”.   

Ông trải qua những tháng ngày cơ hàn đúng nghĩa trong nửa cuối cuộc đời, phải cùng lúc đối diện chứng nghiện ngập và đói nghèo. Thế nhưng, đến cuối thế kỷ XIX, tranh ông bắt đầu được nhìn nhận bởi một làn sóng khán giả mới. Trong số này có nhà văn lỗi lạc người Ireland, Oscar Wilde, đã nhận ra “ngọn lửa” nghệ thuật tương đồng nơi Solomon. Cạnh đó là bá tước Eric Stanislaus Stenbock, nhân vật về sau trở thành nhà bảo trợ tài chính nhiệt thành cho vị họa sĩ. 

Tranh minh họa Babylon đã luôn là chiếc chén vàng, năm 1859
Tranh minh họa Babylon đã luôn là chiếc chén vàng, năm 1859

“Đây là những người yêu nghệ thuật đã thấu hiểu hành trình sáng tác của Solomon như một nỗ lực tìm kiếm giá trị cá nhân, với tư cách một nghệ sĩ đồng tính, với niềm đam mê và mong mỏi khám phá văn hóa LGBT”, Ferrari nói.  

Nhiều tác phẩm mang tên Solomon bắt đầu nổi tiếng vượt khỏi biên giới châu Âu, đến tận Hoa Kỳ. Năm 1896, đã có loạt triển lãm vinh danh Solomon ở những thành phố lớn như Philadelphia và New York. 

“Solomon không chọn cách biến mất khi ông bị xã hội chối bỏ”, Ferrari lý giải. “Ông vẫn kiên trì sáng tác bất chấp khó khăn và vẫn có nhiều người tiếp tục ủng hộ ông”.  

Yếu tố lưỡng giới luôn tồn tại nơi tác phẩm của Solomon, từ đặc tính rắn rỏi biểu thị qua hình mẫu nhà thơ nữ Sappho, đến những bản vẽ nghiên cứu giới tính có phần mơ hồ ông sáng tác cuối đời. 

“Solomon có một sự nhạy bén phi giới tính, với những hình tượng nhân vật trên tranh ẩn hiện nét hòa quyện đặc tính nam lẫn nữ”, Ferrari nhận xét. 

Nhìn nhận từ hướng này, có thể nói, Solomon không chỉ là nhà đấu tranh cho sắc màu LGBT trong nền mỹ thuật mà còn mạnh dạn phản ánh nét đa sắc thái của tính dục. “Tôi nghĩ một phần tiêu chí đấu tranh ông xây dựng, nằm ở ý tưởng rằng giới tính và tình yêu không thể đơn thuần đóng khuôn trong hệ thống tư duy nhị phân cổ điển hiện hữu từ lâu giữa xã hội chúng ta”, Ferrari nói. 

Hơn một thế kỷ sau, vẻ đẹp ái tình và đa sắc giới biểu trưng ở những tác phẩm của Solomon vẫn vẹn nguyên nhiều thông điệp truyền cảm. 

Như Ý

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI