Một hạt mãng cầu làm 3 bệnh viện bối rối

15/03/2018 - 16:20

PNO - Chỉ một hạt mãng cầu đơn giản nhưng đã khiến các bác sĩ ở 3 bệnh viện tại TP.HCM bối rối.

Chỉ một hạt mãng cầu trơn tuột rơi vào phổi khi đang ăn nhưng bà P.T.O. (55 tuổi huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã khiến nhiều bác sĩ không khỏi bối rối vì ca này quá khó. Phát hiện ra dị vật thì dễ nhưng để lấy ra khỏi phổi thì mọi chuyện lại khó đến mức không ngờ.

Mot hat mang cau lam 3 benh vien boi roi
Phó giáo sư tiến sĩ bác sĩ Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên ông gặp phải một ca bệnh khó thế này.

Ngày 14/3, bà P.T.O. được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu sau khi đã vào 2 bệnh viện trước đó để gắp dị vật nhưng không thành công. Ngay tại khoa cấp cứu, bà O. được gắp dị vật nhưng không thành công.

Lúc nhập viện, bà O. đã rơi vào tình trạng suy hô hấp, khó thở. Sau 2 lần gắp dị vật bất thành, khí phế quản của bà O. phù nề. Điều này càng khiến cho lần nội so gắp dị vật thứ 3 trở nên khó thêm.

Mot hat mang cau lam 3 benh vien boi roi
Bà P.T.O. sau khi được gắp hạt mãng cầu ra khỏi phổi

Giải pháp mở ngực để lấy dị vật bị các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy loại bỏ ngay vì bệnh nhân đã lớn tuổi, chỉ còn một lá phổi để thở (do bệnh lao phổi đã tàn phá một lá phổi).

Chính vì còn 1 lá phổi khiến cho những lần nội soi gắp dị vật thất bại. Bác sĩ Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy lý giải: khi chỉ còn 1 lá phổi, bệnh nhân sẽ không còn nhiều oxy dự trữ khi nội soi gắp dị vật. Bệnh nhân đang trong tình trạng suy hô hấp, chỉ thở qua ống nội khí quản. Nếu đưa ống nội soi vào, bệnh nhân sẽ không còn đường nào để thở.

Một giải pháp đưa ra là nội soi gắp dị vật qua ống mềm luồn bên trong ống nội khí quản.

Mot hat mang cau lam 3 benh vien boi roi
Người trực tiếp chuyên trị những ca khó này là bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Người trực tiếp chuyên trị những ca khó này là bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Dù vậy, mọi chuyện cũng không hề đơn giản khi bệnh nhân bị tụt oxy đến 4 lần. Và 4 lần đó, ống nội soi phải được rút ra để các bác sĩ thực hiện hồi sức cho bệnh nhân.

Mất 30 phút căng thẳng, dị vật được gắp ra bên ngoài. Trong quá trình này, một ê kíp bác sĩ khác đã sẵn sàng cho phương án mở ngực lấy dị vật.

Mot hat mang cau lam 3 benh vien boi roi
Phim phổi cho thấy một lá phổi của bà O. đã bị xẹp vi lao phổi

Phó giáo sư tiến sĩ bác sĩ Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đây là lần đầu tiên ông gặp phải một ca bệnh khó thế này. Nếu dị vật không lấy ra khỏi phổi, bệnh nhân sẽ tử vong. Còn nếu mở ngực, với cơ địa như của bệnh nhân, sẽ rất khó hồi phục.

Bác sĩ Trần Minh Trường nhận định: “Để gắp dị vật ra ngoài như trong trường hợp này đòi hỏi một bàn tay vô cùng khéo léo của một bác sĩ dày dạn kinh nghiệm. Một trang thiết bị để phát hiện dị vật có thể mua được nhưng một kỹ năng của bác sĩ vô cùng hiếm hoi”.

Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy – người gắp dị vật cho biết trong các ca dị vật trong phổi, khó gắp nhất là hạt sapoche và hạt mãng cầu vì sự trơn trợt của dị vật. Trung bình mỗi năm, có trên 20 ca hóc dị vật là các hạt sapoche và hạt mãng cầu.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI