Một góc nhìn khác về nữ Phó chủ tịch đầu tiên của TPHCM

28/05/2024 - 18:39

PNO - Khi đọc những lá thư cô Tư viết cho người chồng đã mất ở phần 2: "Mẹ viết cho ba", tôi đã bật khóc vì những lời thư chan chứa yêu thương xen lẫn nỗi cô đơn, trống vắng của người vợ mất chồng trong chiến tranh.

May mắn là người đầu tiên tiếp nhận tập hồi ký viết dở dang từ con trai lớn của cô Tư Duy Liên đưa đến (tôi vốn gọi cô Tư như vậy từ những năm 1980 khi công tác tại Nhà văn hóa Thanh Niên), rồi sau đó được đọc những phần tiếp theo của tập bản thảo chuyển đến từ Nhà xuất bản Trẻ, tất cả đã cho tôi những cảm xúc lâng lâng khó tả.

Tác phẩm Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ
Tác phẩm Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ

Cảm nhận đầu tiên về cô Tư Duy Liên, đó là một nữ lãnh đạo trí thức, đẹp, sang trọng, quý phái, và có phần khá nghiêm khắc.

Năm 1989, Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM tổ chức cuộc thi hoa hậu, vương miện được trao cho cô Lý Thu Thảo. Đây là cuộc thi sắc đẹp đầu tiên được tổ chức khi đất nước bước vào năm thứ ba sau "đổi mới". Để tranh thủ và thuyết phục lãnh đạo thành phố cho phép tổ chức sự kiện, trong vai trò là Trưởng ban Tổ chức, tôi cùng một đồng chí Thường vụ Thành Đoàn, Trưởng ban chỉ đạo, đã phải đi “đường vòng", gặp trực tiếp chú Nguyễn Vĩnh Nghiệp (Chủ tịch UBND TPHCM) thay vì phải đến gặp vị phó chủ tịch phụ trách Văn - Xã, vì... sợ cô Tư “khó quá", không ủng hộ Thành đoàn tổ chức hoạt động này.

Thật ra, điều này do chúng tôi tưởng tượng ra mà thôi, bởi “đi đường vòng" mà cô Tư không thuận, thì dẫu có “trời" giúp, chắc gì cuộc thi được tổ chức thành công, suôn sẻ?!

Khi nghỉ hưu ở Nhà xuất bản Trẻ, tôi cùng với chú Dương Đình Thảo hàng tuần được ngồi nghe dì Bảy Huệ hồi tưởng về cuộc đời mình để chấp bút và hoàn thiện tập hồi ký Tiếng sóng bủa ghềnh.

Trong hồi ức của mình, dì Bảy có kể câu chuyện về người thư ký của bác Ba Lê Duẩn, chú Lê Duy Nhuận (bí danh Tư Ốm), trong một trận B52 của địch, năm 1968, chú Nhuận đã anh dũng hy sinh trong lúc cô Tư Duy Liên tham gia phái đoàn Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam đàm phán ở Hội nghị bốn bên tại Paris và không hay biết gì về cái chết của chồng.

Lúc nghe kể đến đoạn 3 mẹ con ôm nhau khóc đến xé lòng, tôi đã rưng rưng thương cảm hoàn cảnh của cô Tư. Bởi từ Paris về nước, cùng với niềm vui được gặp lại 2 con sau thời gian xa cách nhớ thương, tin chồng hy sinh là sự mất mát, là nỗi đau quá lớn.

Rồi cũng thật tình cờ, trong một lần Truyền hình Quốc hội thực hiện bộ phim tài liệu về dì Ngô Thị Huệ, người nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ đầu tiên, cô Tư Duy Liên được mời phỏng vấn với tư cách một người bạn thân thiết, người đồng chí từng sát cánh tham gia chiến đấu trên mặt trận đô thị ở miền Nam và Sài Gòn trong thời kỳ chống Mỹ.

Gặp cô Tư tại nhà dì Bảy để ghi hình, ấn tượng cảnh sum họp đẫm nước mắt của 3 mẹ con được nghe kể lại hôm nào khiến tôi tò mò, háo hức tiếp cận và trò chuyện cùng cô. Cảm xúc về một người vợ, một người mẹ, một nữ chiến sĩ cách mạng vượt qua bao thử thách “bão tố, phong ba" vẫn kiên cường sống đẹp. Chẳng những vậy, sau nhiều năm nghỉ hưu, cô Tư vẫn không ngơi nghỉ, những “bước chân không mỏi" tiếp tục di chuyển nhiều nơi, làm những việc có ích cho cộng đồng, cho đến khi sức khỏe cạn dần. Lần gặp này cho tôi cảm giác gần gũi, yêu thương, kính trọng cô Tư nhiều hơn…

Bà Đỗ Duy Liên và con trai út Duy Hiệp, ảnh chụp năm 1966
Bà Đỗ Duy Liên và con trai út Duy Hiệp (ảnh chụp năm 1966)

Khi bắt đầu những trang đầu tiên hồi ức viết cho các con, cô Tư Duy Liên đã lập đề cương bố cục cho toàn bộ những gì bà muốn kể cho các con về cuộc đời mình, qua đó gửi gắm những mong ước, kỳ vọng đến các con là hãy sống tử tế và góp sức cho TPHCM ngày càng phát triển như ba mẹ đã từng hiến dâng cho thành phố.

Tập hồi ức khi được tìm thấy chỉ là phần dở dang, mới chỉ hoàn tất phần 1, có lẽ do sức khỏe ngày càng sa sút mà người viết đã không thể tiếp tục như dự định ban đầu. Song tập sách lại được bổ sung, hoàn thiện bằng các bức thư Mẹ viết cho ba, bằng những trang viết tiếp Các con nhớ về mẹ và sau cùng là Trong tình thương của đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, các con gia đình liệt sĩ.

Điều này tạo nên điểm độc đáo của tập sách. Bởi nó chẳng những làm đủ đầy, trọn vẹn dạng thức cần có của một hồi ức cá nhân mà còn làm giàu thêm cảm xúc người đọc không chỉ với cuộc đời của một nhân vật cụ thể mà còn phóng chiếu hình ảnh bi hùng, đẹp lãng mạn của người phụ nữ Việt Nam, của những nữ chiến sĩ cách mạng trong thời chiến.

Cá nhân tôi từng đau cắt lòng, chia sẻ, yêu thương và nể phục đến dường nào khi nghe kể những câu chuyện về sự hy sinh của các nữ chiến sĩ cách mạng đã từng thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến. Các dì, các cô, các chị không chỉ phải đương đầu với những cạm bẫy do kẻ thù giăng ra để bắt bớ, tù đày, ly tán đồng đội, đồng chí và những người thân trong gia đình mà còn nơm nớp lo sợ chồng, con một ngày nào đó phải hy sinh trong chiến tranh.

Điều kiện hoạt động bí mật phải di chuyển nhiều, buộc phải đem con gửi đến những nơi an toàn nhất, nỗi đau xa cách chồng con, nỗi lo sợ và đau đớn khi phải mất đi những người thân yêu nhất cho thấy trách nhiệm với Tổ quốc, với gia đình là những hy sinh lớn lao mà các dì, các cô, các chị phải gánh vác trên đôi vai mỏng manh của mình.

Thống kê trong 2 cuộc kháng chiến, Việt Nam có hơn 1 triệu liệt sĩ (chỉ riêng giai đoạn chống Mỹ đã có hơn 800.000 liệt sĩ) và hơn 120.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hy sinh trong chiến trận.

Những con số không biết nói, nhưng những gia đình tham gia kháng chiến, với những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người phụ nữ đã từng tham gia 2 cuộc kháng chiến ắt sẽ hiểu được những hy sinh, sức chịu đựng mà những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh đã trải qua. Có thể nói, họ chính là những huyền thoại sáng đẹp lung linh, đáng kính phục. Lớp hậu sinh sẽ phải luôn ghi nhớ và biết ơn.

Trong mạch cảm xúc về thân phận người phụ nữ trong chiến tranh, tôi chợt nhớ đến tác phẩm của Svetlana Alexievich Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, tác phẩm xứng đáng được trao giải Nobel Văn học năm 2015.

Khi đọc những lá thư cô Tư viết cho người chồng đã mất ở phần 2: Mẹ viết cho ba, tôi đã bật khóc vì những lời thư chan chứa yêu thương xen lẫn nỗi cô đơn, trống vắng của người vợ mất chồng trong chiến tranh. Người vợ, người mẹ ấy đã phải gánh cùng lúc hai vai, vừa là cha, vừa là mẹ để làm tròn trách nhiệm của một cán bộ đảng viên được phân công của tổ chức, vừa phải thay chồng quán xuyến việc nuôi dạy các con nên người.

Với tôi, đây là phần hay nhất của tập sách, bởi nó đã cho tôi có một góc nhìn khác về cô Tư Duy Liên, một người vợ, người mẹ rất... đàn bà, mềm mỏng, nhạy cảm, tinh tế và tình yêu như những cơn sóng dữ đội, mãnh liệt không bao giờ dứt…

Quách Thu Nguyệt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI