Một giấc mộng văn chương

30/12/2020 - 18:09

PNO - Nam Cao có lẽ là nhà văn đầu tiên công khai giấc mộng ẵm giải Nobel văn học, một mộng tưởng giờ đây thành ám ảnh lớn và thường bộc phát trên miệng của nhiều người.

Một lần nữa, đề thi văn học sinh giỏi quốc gia ngày 25/12 vừa qua lại gây tranh luận. Khá nhiều giáo viên và học sinh, những người đã “quần quật” trong gần ba tháng trời ôn luyện, bồi dưỡng kiến thức cho kỳ thi đầy áp lực ấy, tỏ ra hoang mang, có phần giật mình vì chẳng biết nên đồng tình hay phản đối tâm tư của hai nhà văn danh tiếng là Nam Cao và Nguyễn Minh Châu.

Dẫu không có khả năng để bình luận về đề văn, thiết chế thi cử gần đây liên tục vấp váp về chuyên môn, nhưng với tư cách độc giả văn học Việt Nam, tôi vẫn nghĩ đến nỗi niềm đau đáu của hai vị tiền bối tài năng. Nam Cao thì muốn một tác phẩm “thật giá trị, phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người”, còn Nguyễn Minh Châu băn khoăn rằng văn chương Việt sao không là “văn học của cả thiên hạ, của cả loài người”. 

Đề thi môn văn kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia sáng 25/12
Đề thi môn văn kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia sáng 25/12

Vào thời Nam Cao, thập niên 1930, văn học Việt đang trên đà hiện đại hóa, các nỗ lực sáng tạo văn chương quốc ngữ mới ở mức độ tìm tòi, bứt phá; hẳn nhiên, cây bút tả thực này trăn trở, khao khát không ngừng những gì mới mẻ, riêng khác so với mặt bằng chung. Nam Cao có lẽ là nhà văn đầu tiên công khai giấc mộng ẵm giải Nobel văn học, một mộng tưởng giờ đây thành ám ảnh lớn và thường bộc phát trên miệng của nhiều người.

Vào thời Nguyễn Minh Châu, thập niên 1980, văn chương Việt Nam lại loay hoay tìm đường đổi mới sau giai đoạn dài đi đúng đường “minh họa” nên tác giả Chiếc thuyền ngoài xa nhận ra tình thế tủn mủn, nhỏ hẹp của mình lẫn đồng nghiệp. Văn chương, nghệ thuật thế giới, từ Nam Cao đến Nguyễn Minh Châu, nghĩa là trên dưới nửa thế kỷ, đã có quá nhiều biến đổi mà sự ngắt quãng tiếp xúc, tiếp cận của Việt Nam khiến không ít tài năng cảm thấy bị bỏ lại, thụt lùi và rồi trở thành ếch ngồi đáy giếng. 

Đã đành Nam Cao và Nguyễn Minh Châu không chỉ thổ lộ chân thực mà còn chí lý, song tôi không khỏi thương cảm nỗi khao khát mà họ đặt cược. Để một sáng tạo văn chương thực sự “chung cho cả loài người” thì nhà văn phải tầm cỡ thế nào đó, phải có môi trường văn hóa xã hội tương thích để phẩm chất bậc thầy được nảy nở, phát huy. Sáng tạo nghệ thuật, nếu vượt qua biên giới nhỏ hẹp, không hề là câu chuyện của một người, mà phải được tích lũy, tiếp nối bởi nhiều thế hệ, nhiều yếu tố ngoài nghệ thuật. Chỉ dựa vào ý chí, mãnh lực của cá nhân thì con đường đến với nhân loại sẽ trở nên vạn dặm mênh mông. Cho đến nay, nghệ thuật nói chung và văn chương Việt nói riêng, vẫn đang khiêm tốn ở đâu đó trong những kết quả, thành tựu nhỏ lẻ, nên còn lâu và còn mất sức nữa mới thành của chung thiên hạ. 

Nam Cao có lẽ là nhà văn đầu tiên công khai giấc mộng ẵm giải Nobel văn học
Nam Cao có lẽ là nhà văn đầu tiên công khai giấc mộng ẵm giải Nobel văn học

Truyền thống mơ về tác phẩm dành cho loài người và thiên hạ của văn giới Việt quả đã kéo dài. Tôi thật không hiểu vì sao, hễ động đến sáng tạo văn chương là chúng ta cứ đột ngột đặt mục tiêu tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao vượt lên trên mọi bờ cõi, giới hạn. Những gì tôi biết sơ lược về một số văn hào thế giới, về một số chủ nhân Nobel văn học gần đây, thì chẳng thấy các cao vọng thốt thành lời lẽ như thế. Dĩ nhiên, dẫu không nói ra, nhưng nhận thức về mục tiêu viết của họ là nhất quán và đáng học hỏi.

Trong đó, như tôi cảm nhận, rất nhiều văn hào viết trước hết để cho mình đọc, cho nhóm nhỏ độc giả trong quốc gia nhỏ bé và trong thứ ngôn ngữ bị coi nhỏ yếu của mình tìm đọc, sẻ chia với câu chuyện của mình. Thậm chí, có không ít tác giả viết như một thái độ từ chối, kháng cự sự đọc của số đông. Họ không bận tâm tiêu chí của chung thiên hạ, mà quyết liệt sống chết với của chính mình. Nghệ thuật hiện đại hôm nay, nhìn chung, không còn quá tự tin và tự mãn với cái gọi là vượt trên các bờ cõi. Bờ cõi lớn nhất trong nghệ thuật hôm nay, có lẽ, nằm ở sự bất khả trở thành của chung thiên hạ, ngay cả với tài năng lớn. 

Cũng như bóng đá, văn giới Việt Nam không ngừng mộng tưởng vươn ra châu lục, thế giới. Nhưng cũng như bóng đá, văn đàn Việt Nam đang nhích từng bước và hồi hộp chờ mong từng ngày đến ngưỡng danh vọng quốc tế. Ngoại trừ niềm vui được thỏa chí mơ mộng, được “sướng mồm” phát biểu, tôi nghĩ không một nhà văn đủ tỉnh táo nào lại cố sức học theo Nam Cao, Nguyễn Minh Châu. Họ sẽ viết, sáng tạo trong chính khả năng và thực tế của văn chương Việt Nam hiện tại. Chỉ cần như thế, họ đã có độc giả, và nhiều cơ may có thêm độc giả ngoài tiếng Việt.

Mai Anh Tuấn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI