Dịch viêm phổi khởi phát từ Vũ Hán Trung Quốc đang phủ bóng đen lo lắng lên nhiều quốc gia trên thế giới. Khi tốc độ lây nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc có chững lại đôi chút thì các nước khác lại có dấu hiệu bùng lên mạnh mẽ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Italia…
Các quốc gia đang khẩn trương triển khai các biện pháp y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của loại virus nguy hiểm này. Mỗi cá nhân cũng quan tâm tới phương pháp phòng tránh dịch để bảo vệ bản thân và gia đình. Tuy nhiên nhiều người đã phạm những sai lầm “chết người” khiến tốc độ lây lan của loại virus này trở nên khó kiểm soát.
Là một gia đình đã từng sống ở Vũ Hán từ những ngày COVID-19 khởi phát cho đến khi lên tới đỉnh điểm, chúng tôi xin chia sẻ với mọi người một số sai lầm trong phòng tránh dịch.
|
Gia đình chúng tôi sau khi trở về từ Vũ Hán (ảnh Vũ Hoài) |
Chủ quan, mất cảnh giác
Có hay không hiện tượng chủ quan với dịch bệnh? Câu trả lời là có, dù nhiều người ngay lập tức sẽ bày tỏ ý kiến phản đối như: “Chúng tôi chưa bao giờ chủ quan”, “Ngày nào tôi cũng xem tin tức về diễn biến dịch”, “Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ các phương pháp phòng tránh”… Những ý kiến như vậy không sai, nhưng giữa việc tìm hiểu thông tin dịch bệnh và việc thực hiện đôi lúc có một độ “chênh” nhất định.
Lý giải cho điều này, chúng tôi xin trích dẫn ra đây một vài dẫn chứng về những gì đã xảy ra ở Vũ Hán và cả ở Việt Nam để đối chiếu.
Vũ Hán những ngày đầu khi có thông tin về dịch viêm phổi lạ, chính quyền đã đưa ra các cảnh báo y tế như: đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế đến nơi đông người... Tuy nhiên, phần lớn người dân lúc này chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên tặc lưỡi bỏ qua.
Dân Vũ Hán vốn không có thói quen đeo khẩu trang hàng ngày, ngay cả thời điểm dịch khởi phát cũng vậy. Xe bus, tàu điện ngầm vẫn đông đúc người, các trung tâm mua sắm vẫn tấp nập, trẻ con vẫn vô tư chạy nhảy trong siêu thị, thậm chí là cùng bố mẹ đến các khu chợ. Người ta nghĩ chắc bệnh dịch còn ở đâu xa lắm.
|
Những ngày dịch bắt đầu bùng phát, nhiều người dân ở Vũ Hán vẫn không đeo khẩu trang khi đi xe bus (Ảnh: Sohu) |
Khi chúng tôi mang bao tay và đeo khẩu trang lên tàu điện ngầm, đi siêu thị… họ thường nhìn với ánh mắt tò mò, như thể chúng tôi là người ngoài hành tinh.
Hậu quả là gì thì ai cũng rõ, Vũ Hán trở thành ổ dịch khủng khiếp nhất thế giới. Có hiện tượng đó ngoài việc chính quyền chậm trễ công bố về tính chất nguy hiểm của loại virus này thì một trong những nguyên nhân khác đến từ sự chủ quan của phần lớn người dân.
Còn ở Việt Nam thì sao? Người thân, bạn bè khi nghe tôi kẹt lại ở tâm dịch Vũ Hán thường xuyên gọi điện hỏi thăm. Lần nào tôi cũng dặn mọi người hãy cẩn thận với loại virus này, tuy nhiên, câu trả lời được nhận lại thường là “Quê mình đã có ai nhiễm đâu”, “Tớ có đi đâu xa mà khẩu trang”, “Ai ở thành phố lớn mới cần phải lo”, “Bệnh dịch dễ gì đến đến được Việt Nam”, …
Chúng tôi cố gắng giải thích rằng với loại virus này, chỉ cần tiếp xúc với người bệnh mà không bảo hộ cẩn thận thì rất dễ bị lây nhiễm. Trước sự gay gắt của chúng tôi, bạn bè cũng chỉ cười trừ: “Lo xa quá rồi đấy, có lẽ các cậu đang ở trong ổ dịch nên hơi hoảng loạn đấy thôi”.
Ngại trở nên khác biệt
Có một thực tế khá phổ biến đang diễn ra trong chúng ta, đó là thực hiện sai phương pháp phòng tránh dịch. Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói ai ai cũng thuộc nằm lòng quy trình phòng tránh dịch được khuyến cáo: đeo khẩu trang, rửa tay với dung dịch diệt khuẩn, hạn chế đến chỗ đông người…
Tuy nhiên bản thân chúng ta hãy suy nghĩ xem có hay không hiện tượng sau: bạn bước ra khỏi nhà với đồ bảo hộ đầy đủ cùng ý thức phòng tránh dịch rất cao, nhưng khi đến cơ quan làm việc, bạn cũng như nhiều người khác đã cởi bỏ khẩu trang.
Vì sao như vậy? Bởi bạn ngại trở thành sự khác biệt. Trong khi nhiều người không đeo khẩu trang, chỉ có mình đeo sẽ thấy “lập dị”. Thêm vào đó là tâm lý chủ quan rằng toàn người quen, chắc sẽ an toàn. Một bộ phận khác còn có tâm lý rằng mình cẩn thận quá e rằng mọi người sẽ bảo mình hèn nhát.
Bạn tôi bảo: “Cậu nghĩ xem, nếu ngồi họp mà chỉ mình tớ đeo khẩu trang thì mọi người sẽ nghĩ tớ là người như thế nào. Lúc đó hoặc tớ là thằng hèn nhát, lo xa quá mức, hoặc tớ đang cho rằng chỉ có mình là khỏe mạnh, còn những người khác đều là đám bị bệnh chắc”.
Những lý do trên khiến cho rất nhiều người lo thì rất lo, nhưng rồi sai vẫn cứ sai. Điều đó thực sự nguy hiểm. Nếu như trong tập thể ấy xuất hiện một cá nhận mang mầm bệnh thì hậu quả sẽ rất khó lường. Bài học về những bệnh nhân “siêu lây nhiễm” trên thế giới chắc vẫn còn chưa xa.
Hoang mang quá mức
Những ngày chúng tôi còn “kẹt” ở Vũ Hán, bạn bè hay gọi điện hỏi thăm tình hình. Họ tỏ ra hoảng sợ trước những clip trôi nổi trên mạng internet và bi quan về khả năng kiểm soát dịch. Trong đó, những clip như người chết vứt trên vỉa hè, quạ đen bay rợp trời Vũ Hán, người dân đánh nhau tranh giành thực phẩm… là được xem nhiều nhất.
Chúng tôi cười và bảo đừng tin những thông tin không chính thống đó, ở đây bệnh viện đúng là quá tải thật, nhưng những vấn đề khác vẫn ổn. Để chứng minh, tôi quay clip quang cảnh Vũ Hán gửi người thân xem. Nhà tôi ở tầng cao nhất chung cư 22 tầng, tôi lên sân thượng và quay cảnh thành phố.
Trên đường, những người có việc vẫn lái xe ra ngoài, xe công vụ vẫn chạy, đường phố tuy không nhộn nhịp như ngày thường nhưng cũng không vắng lặng kiểu thành phố ma như trên báo đài nói. Những lần đi mua đồ, tôi vẫn quay cảnh siêu thị mở cửa, hàng hóa đầy ắp cho bạn bè xem. Thế nhưng nhiều người vẫn tỏ ra bán tín bán nghi vì tác động của những hình ảnh họ xem trên mạng là quá lớn.
|
Những ngày cao điểm của dịch bệnh, siêu thị vẫn đầy đủ hàng hóa, tủ lạnh lưu học sinh ở Vũ Hán vẫn tích trữ đủ lương thực (ảnh: Nguyễn Thị Hiển) |
Ở Việt Nam hiện nay xuất hiện thực tế nhiều người tỏ ra hoang mang quá mức. Nhiều người cố gắng tích trữ quá nhiều khẩu trang và nước rửa tay, mua thực phẩm về chất đống trong tủ lạnh và không dám tiếp xúc bất kỳ ai.
Họ tưởng tượng bệnh dịch đã ngập tràn khắp nơi và ngày mai sẽ chẳng còn gì nếu không dự trữ ngay từ hôm nay. Thậm chí, có ngày mì tôm trong một số siêu thị lớn bán hết sạch sau một vài tin đồn thất thiệt. Điều đó xem ra cũng là thái quá.
Sau khi từ Vũ Hán trở về Việt Nam và vẫn khỏe mạnh, chúng tôi muốn gửi tới một thông điệp: đừng vì chủ quan, đừng vì ngại trở thành khác biệt mà khiến dịch bệnh lan nhanh, cũng đừng vì hoang mang quá mức mà mất niềm tin vào khả năng khống chế dịch bệnh.
Việt Nam là một tấm gương cho nhiều nước học hỏi, bởi chúng ta không hề chủ quan nên đã và đang kiểm soát rất tốt tình hình. Minh chứng rõ nhất là vừa qua, trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nguy cơ lâu nhiễm virus COVID-19 trong cộng đồng.
Vũ Hoài - Đình Nhân (trở về từ Vũ Hán)