Hôm qua tôi đi làm căn cước công dân, con và rể còn phải bồng bế ra xe, vì cái chân bị tê, nhấc lên không được (di chứng của một lần bị té, chấn thương cột sống). Thế mà bữa nay tôi dám ngồi cho con gái chở bằng xe máy, vượt quốc lộ từ Hóc Môn (TP.HCM) về Củ Chi (TP.HCM). Bởi vì tôi nóng ruột khi cậu con nuôi bị F0.
5K mà hóa ra dễ gần
Tuân thủ 5K, tôi định tới nơi gửi ít quà bánh mang theo, thuốc bổ, sách báo, nhìn con nuôi một cái từ xa rồi về ngay, nhưng mấy anh trai của con ở gần đó thấy nhà em có khách, nên chạy tới, tôi đành phải ngồi lại dưới mái che ngoài cổng.
Chưa thấy cuộc viếng thăm nào lạ kỳ, buồn cười như trong thời buổi dịch bệnh này. Cậu F0 ngồi tít đằng xa (chắc đang cười cười sau chiếc khẩu trang), khách cùng người nhà mỗi người một góc. Ai cũng đuề huề khẩu trang, tấm chống giọt bắn. Tuy nhiên không vì vậy mà mọi người thiếu thân thiện, ân cần.
Người anh lớn của con quay về nhà mình châm một bình trà nóng đem qua, đặt trên chiếc bàn nhỏ rồi thong thả không dứt đủ thứ chuyện trên đời.
Từ lâu, tôi biết ông bà cụ thân sinh của mấy anh chị em, nhưng chưa gặp các con lần nào. Thế mà khi biết tôi là mẹ nuôi của em mình, các cậu liền xưng con ngọt xớt, dù cách nhau không nhiều tuổi lắm. Tôi nghe mà cảm động, như vừa được trở về nhà, về quê xứ ruột thịt của mình. Phải ở trong một gia đình dòng dõi, nền nếp, gia giáo, có đạo đức và phải thương em mình nhiều lắm, các cháu mới có cách cư xử lịch sự, lễ nghĩa, chân tình như vậy với một bà già nghèo khó bệnh tật. Nhìn cách sống, cách ăn ở của con cái, sẽ biết cha mẹ là người như thế nào.
Tôi càng trân trọng hơn nữa khi biết tinh thần yêu cái chữ của người cha nông dân chân đất. Chỉ với nghề đan sọt, ông bà đã thắt lưng buộc bụng lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Tất cả tám anh chị em đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng, ai cũng có việc làm ổn định, có địa vị xã hội.
Hơn 25 năm trước, tôi quen hai chị em nhà này khi hai chị em là sinh viên ở khu trọ trong một con hẻm nhỏ đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Hai chị em thật thà, lành như đất, tay chân còn đóng phèn vì ruộng rẫy. Tự nhiên tôi thấy gần gũi, thấy thương. Đồng “bệnh” thiếu tiền nên chúng tôi dễ gần nhau, dễ chia sẻ những gì có được.
Một lần, cô chị đi dạy kèm tận Q.6, TP.HCM ghé ngang qua nhà tôi (lúc đó tôi đã dời chỗ ở) rồi buông chiếc xe ngã rầm một cái, lướt vào nhà nằm soài xuống gạch, vừa thở vừa kêu: “Cô ơi có gì ăn không, cho con ăn với, con đói quá!”.
Tôi lật đật dọn cơm. Lúc cháu ra về tôi móc hết mấy cái túi, chỉ còn đúng hai chục ngàn đồng (năm 96-97) dúi vào tay cháu. Con bé ra về, tôi nhìn theo mà rớt nước mắt. Hoàn cảnh, sự chịu đựng vượt qua thử thách của đứa học trò nghèo lúc nào cũng làm tôi mềm lòng. Vừa xót vừa thương vừa quý mến nể nang: tuổi nhỏ nhưng ý chí không nhỏ. Thương, vì mình cũng là mẹ của một đứa trẻ nghèo…
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Không so đo, tính toán trong tình anh em
Ngồi chơi với các cháu một lát, tôi còn được biết thêm nhiều điều, càng thêm thán phục gia đình trên cả tuyệt vời này. Tám anh chị em cùng quây quần trên mảnh đất cha mẹ để lại. Ai cũng có nhà riêng nhưng thường tụ tập nơi nhà lớn (nơi đang thờ cha mẹ). Tôi thấy cô em chồng nói chuyện với chị dâu, em dâu ăn nói với anh chồng thân thiện, cứ nghe như là anh em ruột với nhau. Không có khoảng cách dâu rể, tất cả đều là người một nhà.
Trong đại gia đình, có vợ chú út buôn bán. Con còn nhỏ, công việc hai vợ chồng bộn bề không hở tay.
Anh Ba, anh Tư về hưu rỗi rảnh hay dọn dẹp quét tước, lau cái nhà, sửa cái đèn hư, mái ngói bị dột cho vợ chồng em út không câu nệ một việc gì. Các anh khác, mười một, mười hai giờ đêm còn chở hàng đi giao giúp chú Út. Lúc thím Út quá bận hoặc đau ốm, thím chỉ cần ới một tiếng là mấy chị đã chạy tới ủi đồ, phụ vô thùng trái cây hoặc chợ búa, đưa đón cháu đi học… Chú Út bận công việc đi suốt. Mới đây các anh chị mỗi người bỏ ra vài chục triệu đồng sửa lại ngôi nhà cha mẹ, cũng là nơi chú Út đang ở.
Anh em lớn nhỏ đùm bọc lẫn nhau, trên thuận dưới hòa. Chị chồng vì công việc, ở xa, gởi con cho em dâu nuôi ăn học. Cũng trong đại gia đình này, một người chị vợ bước thêm bước nữa, đưa đứa con riêng cho em rể nuôi dùm tới lớn. Đau ốm, học hành phát sinh… em sẵn sàng gánh. Cháu vợ, cháu chồng đều như con trong nhà.
Sự tính toán nhỏ nhen ích kỷ hình như không hiện diện, một đại gia đình sống chung êm ru, không điều tiếng gì. Nhìn cách các cặp vợ chồng lo ăn lo mặc, chăm sóc cháu, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Họ sống giản đơn, hồn nhiên, bình dị như củ khoai, trái bắp, nhưng bằng tất cả tấm lòng - một cách sống, một nét đẹp của người con gốc nông dân chất phác, nghĩa tình.
Anh Ba dáng dấp một đại gia, rất sang và lịch lãm, không ngần ngại ngồi thụp xuống đỡ bàn chân đang mang dép đặt lên chỗ để chân dùm cho bà già “người lạ”. Hình ảnh ấy khiến suốt đường về nhà, một người già tuổi 80 “gần đất xa trời” là tôi thấy cuộc đời thật đẹp, thật đáng sống.
Nguyễn Thị Kim Oanh