Ông bà Mai (hàng đầu, từ phải sang) dự Đại hội Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội, tháng 10/2007
Tâm sự của người cha
Vợ chồng tôi quê ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nhà nghèo, mới học tới đệ lục (lớp 7 bây giờ) tôi đã phải nghỉ học, học nghề may. Năm 1963, vợ chồng dắt díu nhau xuống Quy Nhơn lập nghiệp. Năm 1964, con gái đầu lòng của chúng tôi là Võ Thị Kiều Phượng ra đời, năm 1966 là Võ Thị Lệ Hồng, năm 1968 là Võ Đức Dũng… đến đứa út tên Võ Quý Phương sinh năm 1983. Cả thảy chín người con.
Tôi bỏ học từ nhỏ nên thấm thía nỗi khổ của người ít chữ. Vì vậy, lúc nào tôi cũng động viên các con: “Ráng học lấy cái chữ. Nay mai dù không làm gì đi nữa thì mình cũng là người có tri thức”. Thời bao cấp, ngày tôi đi may gia công ở tổ hợp may Đồng Tâm. Tối đến lén vợ, dắt xe đạp, giấu sách vở trong áo, đi học thêm lớp bổ túc văn hóa. Lắm hôm vợ biết được, chạy ra kéo xe không cho đi. Tôi khất lần với vợ: “Hết năm nay anh nghỉ, vậy mà… cũng cố kéo lên đến lớp 11 mới thôi”.
Tôi học chẳng để làm gì, chỉ cốt cho đầu óc mở mang, có kiến thức hơn dạy học sắp nhỏ. Vợ buôn bán ngược xuôi, tôi ở nhà dạy đàn con, chỉ bảo chúng học hành. Con học tiểu học, tôi sắm bảng đen, thước kẻ giảng bài cho con như ở trên lớp. Tối đến, nhà không có điện, mấy anh em chung nhau chiếc đèn dầu cùng học bài, ôn bài. Tôi ngồi gần đó, chong mắt may quần áo cho khách và nhắc nhở con học. Đứa nào buồn ngủ thì đã sẵn khăn mặt ướt một bên...
Ông bà Võ Mai và các con
Nỗi vất vả của người mẹ
Vợ chồng tôi đổi vai cho nhau. Ông ấy ở nhà cai quản đàn con; tôi cáng đáng vòng ngoài, phụ lo cái ăn cái mặc cho cả gia đình. Tôi mua bán ngược xuôi từ Gia Lai đến TP.HCM, kể cả những lúc bụng mang dạ chửa. Sinh con vừa tròn tháng là tôi bươn bả đi. Chín đứa con đi thi đại học, một tay tôi dẫn đi. Con đi thi, mẹ tranh thủ nghe ngóng, mua bán thứ gì kiếm thêm ít tiền để dành cho con vào học đại học. Con vào phòng thi, mẹ đứng ngoài cổng trường chờ đến khi trống đánh. Bao năm rồi, tôi vẫn văng vẳng câu: “Làm bài được không con” mỗi khi con bước ra từ cổng trường thi.
Năm 1987, khi thằng út mới bốn tuổi, tôi bị bệnh nặng, tưởng không qua nổi. Song, lúc nào tôi cũng dặn lòng: không được quỵ ngã. Nếu tôi quỵ thì lỡ dở hết sự học của các con. Khi ấy, bốn đứa con là: Hồng, Dũng, Cảnh, Sang đều đang học đại học. Đứa học Y ở Huế, đứa học đại học ở TP.HCM. Rồi còn mấy đứa nhỏ học cấp II, cấp III ở nhà. Cũng có lúc, túng bấn quá, vợ chồng tôi định bán căn nhà ở mặt phố, mua căn nhà nhỏ ở trong hẻm, lấy tiền dôi ra để các con ăn học. Nhưng, khó khăn nào rồi cũng qua.
Đời tôi ít học, chỉ theo xưa bày nay làm. Các cụ dạy “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, đứa đầu mà nên thì mấy đứa sau sẽ theo gương đó. Vợ chồng tôi tập trung đầu tư cho con gái Kiều Phượng học hành. Khi Phượng học lớp 10, thấy nhà khổ quá, con nói với tôi: “Hay là con nghỉ học theo má đi buôn”, nhưng tôi bảo: “Phải gắng học con ạ. Khó khổ nào ba mẹ cũng chịu được hết, miễn các con chịu học hành”.
Chuyện của con trai
Tôi là Võ Đức Dũng, con thứ ba trong gia đình, thạc sĩ - bác sĩ nhãn khoa, đang công tác BV Mắt TP.HCM. Từ nhỏ, ba má tôi luôn động viên các con phải cố gắng học tập. Chuyện tối tối ba lén má đi học bổ túc đã gieo một hình ảnh rất sâu sắc về sự ham học trong đầu óc non nớt của anh chị em tôi. Tôi không thể quên được hình ảnh ba đứng giảng bài trước cái bảng đen cũ, tay cầm cây thước nghiêm khắc dò bài cho từng đứa con.
Vào mỗi kỳ thi quan trọng, ba má đều không cho chị em chúng tôi làm gì ngoài việc học. Khi hai chị lớn vào đại học, hè về kể chuyện đời sinh viên cho tụi em nghe. Bọn tôi thích lắm, chỉ mong mau lớn để đi học đại học như các chị. Sau tôi, là tới em Cảnh, rồi em Sang tiếp nối anh học ĐH Y Huế. Rồi em Hiếu, em Đào học ĐH Y-Dược TP.HCM; em Bằng học ĐH Bách khoa TP.HCM. Út Phương học ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Anh chị em tôi được như ngày nay chính là nhờ sự động viên, tảo tần của đấng sinh thành, rồi có lẽ còn vì “tức nhau tiếng gáy”. Anh chị mình học được, lẽ nào mình chịu thua sao?
***
Bảy người con của ông bà hiện đang làm việc tại TP.HCM, một người làm việc ở Nha Trang. Chỉ có người con đầu ở Quy Nhơn. Hôm tôi đến nhà, hai ông bà đang photo giấy tờ tại cửa hàng của gia đình. “Mấy đứa nhỏ bảo ba má đừng làm nữa, nhưng chúng tôi quen rồi, ngồi không không chịu được” - ông Mai cười hiền.
Kể lại chuyến đi dự đại hội gặp mặt các gia đình, dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2007, bà Mai bồi hồi: “Đó là lần đầu tiên ông nhà tôi đi xa đến vậy. Sức ổng yếu, hay say xe nên tôi phải đi cùng. Đó cũng là lần đầu tiên hai vợ chồng đi chơi xa với nhau”.
THU NGUYỄN
Kỳ tới: Nuôi chữ cho con