Một đứa trẻ thèm mẹ bị ruồng rẫy

19/07/2019 - 05:30

PNO - Thằng con 3 tuổi lăn lộn dưới sàn, túm váy mẹ khóc đòi. “Tao đang điên đấy, mày đừng có lèo nhèo, tao tát cho bây giờ!”, “Thôi đi về, giờ mới số 34 thì khi nào đến số 44!”... Người mẹ nói một tràng dài.

Họ ngồi bên cạnh mẹ con tôi ở dãy ghế chờ của phòng khám nhi. Người mẹ trẻ đẹp, mặc một chiếc sơ mi trắng và chân váy chữ A. Tay chị cầm chiếc điện thoại đời mới nhất, chị không ngừng liên tục gọi, nhắn và cau có.

Bên cạnh chị là bà giúp việc. Bà cũng không mảy may quan tâm việc dỗ cháu, chỉ xoay qua xoay lại giải thích cho những người xung quanh: “Thằng này nó ương lắm. Ba tuổi còn chưa biết nói! Suốt ngày chỉ ăn vạ!”, “Nó ở nhà với tôi không nghe tiếng gì. Nhưng cứ có bố mẹ nó về nhà là loạn cả lên. Bố mẹ nó đánh cho suốt mà nó vẫn cứ theo!”. 

Tôi ngạc nhiên: “Sao mẹ bé đưa con đi khám mà cứ đòi về không muốn đợi như thế?”. Bà giúp việc trả lời: “Tái khám thôi, lịch hẹn từ lâu rồi mà hôm nay mẹ nó mới đưa đi được!”.

Mot dua tre them me bi ruong ray

Ảnh minh họa.

Bà kể, mẹ bé làm ngân hàng, rất bận. Công việc áp lực nên khó xin nghỉ. Hôm nay nghỉ được buổi sáng thì mãi hơn 8 giờ mới dậy ăn sáng và 9 giờ mới bắt đầu lò dò đi đến bệnh viện. Bệnh viện lại đông quá, chị sốt ruột sợ không kịp đi làm buổi chiều nên muốn về.

“Đã mất công rồi thì cố đợi! Chứ hôm nào mới đi được.”, bà giúp việc quay sang nói với người mẹ. “Khám được cho con thì cháu mất việc đấy, bà biết không?”, chị gắt.

Họ tiếp tục ngồi ở ghế chờ, tiếp tục nhấp nhổm. Chị nhắc bà giúp việc: “Bà bế nó ra đằng kia đi, mệt quá!”. Bà giúp việc kéo thằng bé mãi mới dứt ra được khỏi chân mẹ. Nó gào khóc, la hét, giơ hai tay về phía mẹ. Nhưng mẹ nó ngồi khoanh tay, chốc chốc lại đưa điện thoại ra bấm. 

Cảnh huống của hai mẹ con nhà nọ làm náo loạn hết không gian ngoài phòng khám. Nhiều người ngó nhìn bé vì tiếng khóc ồn, nhưng họ xem việc một người mẹ không bế con khi con đòi là bình thường. Khi người mẹ cầm điện thoại đi tìm chỗ sạc pin, bà giúp việc bế thằng bé lò dò trở lại hàng ghế chờ.

Bà thao thao: “Thằng này nó cứ nhây thế. Bố mẹ nó chẳng bao giờ dỗ, con khóc cũng vẫn cầm điện thoại. Tối về ăn cơm xong là mỗi người một điện thoại, thằng cu chơi chán thì vào ngủ với bà”.

Mot dua tre them me bi ruong ray

Ảnh minh họa.

Cũng qua lời kể của bà giúp việc, người mẹ vốn đã là mẹ hai con, nhà ngoại rất có điều kiện. Chị để đứa con lớn nay 6 tuổi ở quê nhờ ông bà ngoại nuôi hộ. Thằng bé 3 tuổi cũng mới được mẹ đón lên thành phố hồi đầu năm và thuê người về trông.

Chị hơn 30 tuổi vẫn không biết làm việc nhà. Tất tần tật mọi việc trước kia là ông bà ngoại làm cho, bây giờ thì ỷ vào người giúp việc. Thậm chí tắm con cũng không phải là việc của chị. Mỗi ngày chị chỉ đi làm, về nhà tắm rửa ăn cơm rồi xem điện thoại và đi ngủ.

Tôi hoàn toàn không biết những lời bà giúp việc nói đúng hay sai. Nhưng ánh mắt của thằng bé ám ảnh tôi. Cái ánh mắt thèm khát mẹ, muốn được mẹ bế bồng, trông rất thảm. Bé chưa biết nói, nhưng từ duy nhất nó nói được và không sõi lắm, lại là từ “mẹ”.

Tự nhiên tôi "nổi cơn nhiều chuyện". Tôi đợi người mẹ kia lại rồi nói: “Tôi nghĩ thằng bé nó thiếu thốn tình cảm quá nên mới thế. Mỗi ngày chị đi làm về bế và dỗ dành nó khoảng 20 phút thôi, tôi nghĩ bé ngoan hơn nhiều!”.

Khi đôi mắt người mẹ mở to ngạc nhiên, tôi mạnh dạn nói thêm: “Tôi nghĩ cái sự bướng mà mọi người gán cho bé đơn giản là vì không ai hiểu nó. Nó không được để ý đến, luôn bị bỏ mặc để tự chơi, tự xoay xở như thế nên càng cô đơn, lúc nào cũng đòi cha mẹ bế. Khi không được ẵm bồng, nó lại khóc. Cứ thế thành một vòng lẩn quẩn. Hay chị kiên nhẫn hơn với con một chút...”.

Người mẹ im lặng, không nói gì. Tôi hoàn toàn không biết lời mình nói có ý nghĩa gì với mẹ con họ hay không, nhưng tôi cảm giác thoải mái trong lòng. Bởi tôi sẽ day dứt nếu như không làm gì trước cảnh một đứa trẻ thèm mẹ...

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI