Sáng 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực của quân ta nhất loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn. Bà Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai, vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) mở toang cửa đón chào bình minh mới của non sông.
Bỗng bà nói to trong nước mắt như giải tỏa bao đau khổ, ẩn ức trong lòng: “Tôi không phải là vợ bé. Chồng tôi đánh dinh Độc Lập. Tôi không phải là vợ bé”. Các con cũng túa ra đường, cùng khóc cùng cười với mẹ, rồi lấy hết trà bánh, trái cây ra thết đãi các chú bộ đội.
|
Bà Đặng Thị Thiệp, anh Trần Vũ Bình bồi hồi bên tập ảnh và những kỷ vật thời chiến |
Bị khinh khi, bắt nạt vì... diễn tròn vai
Nỗi oan là “vợ bé, giật chồng người” đè nặng trong lòng bà Đặng Thị Thiệp từ tuổi 20. Năm 1965, chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, C trưởng biệt động, thuộc đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) được giao nhiệm vụ đào hầm ở nội đô để bí mật cất giấu vũ khí chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Ông đã xin phép cắt cử cô đồng đội trẻ cùng thực hiện trọng trách này với mình.
Đối với cô Thiệp, ấn tượng về chú Năm Lai là người tốt bụng, sẵn lòng mua giúp các vật dụng khi cô nhờ. Trong một lần đi từ Tây Ninh về Sài Gòn, ông ghé lại nghĩa trang Bắc Việt (nay thuộc quận Tân Bình, TPHCM), dừng thật lâu nơi mộ một nữ chiến sĩ, lặng lẽ thắp hương. Về sau, có lần cô đồng đội trẻ ngây thơ hỏi: “Chú ơi, vợ chú đâu?”. Ông Năm Lai úp mở đáp: “Đã chở vô nghĩa trang rồi mà còn hỏi nữa”.
Ấy là mộ của vợ ông - bà Phạm Thị Chinh (Phạm Thị Phan Chính), một nữ cán bộ chiến sĩ hoạt động trong nội thành giai đoạn đầu của biệt động Sài Gòn, hy sinh năm 1964. Tuy nhiên, để đảm bảo nhiệm vụ chung, điều này không được phép công bố. Do đó, khi ông Năm Lai nên duyên chồng vợ với cô Thiệp, mối quan hệ này cũng chỉ xem như “ngoài luồng”.
Đóng vai tỉ phú mua nhà cho vợ bé ở, ông Năm Lai dắt cô Thiệp đi coi rất nhiều nhà ở Sài Gòn, cốt để tìm nơi kín đáo, dễ qua mắt địch. Lợi dụng việc mới mua nhà, cần xây sửa, tôn tạo cho “tổ uyên ương chui”, ông bà và đồng đội đã mưu trí, dũng cảm đào hầm, âm thầm chuyển đất đá đi và vận chuyển vũ khí về bằng xe hơi hào nhoáng của vị tỉ phú Mai Hồng Quế. Thời điểm ấy, ông là thầu chuyên xây dựng, trang trí nội thất cho dinh Độc Lập, U.Som và các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Bà Thiệp ở tuổi 80 vẫn nhớ và kể vanh vách chuyện xưa. Sau trận tấn công dinh Độc Lập vào tết Mậu Thân năm 1968, doanh nhân Mai Hồng Quế bị lộ, bị truy nã, hầu hết nhà cửa bị tịch thu. Một mình bám trụ căn hầm bí mật còn lại ở số 720 Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TPHCM), bà Thiệp hằng ngày bán từng can xăng nuôi các con.
Là thân vợ lẽ, bà Thiệp ngậm đắng nuốt cay trước những lời dè bỉu, thách thức hay bắt nạt. Có lần, một bà vợ cảnh sát giật can xăng còn chửi: “Mày cướp chồng người ta thì sao tao không cướp của mày được?”. Máu hận trào sôi nhưng bà Thiệp kịp ghìm lại khi nghĩ: “Mình đóng tròn vai, người ta mới tưởng mình là vợ bé thiệt. Nhiệm vụ là trên hết”.
Anh Trần Vũ Bình (công tác trong ngành kiểm sát, con thứ ba của ông bà Trần Văn Lai - Đặng Thị Thiệp) tự trào: “Gia đình tôi là gia đình “4 không”: ba mẹ không mặc áo cưới, các con không được gọi tiếng cha, không đặt theo họ cha mà theo họ mẹ, không đứa nào được ghi ngày sinh chính xác trên giấy tờ”. Quay sang nhìn con trai, vẻ bùi ngùi thoáng chút sượng sùng, bà Thiệp nói: “Thời chiến phải chịu chớ biết sao được con”.
|
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai bên các con sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước |
Nguỵ trang thân phận, nguỵ trang cả trái tim
Do bị truy nã gắt gao, khi nhớ vợ con, ông Năm Lai muốn về nhà phải hết sức cẩn mật. Để tránh “tai vách mạch rừng”, bà dạy các con gọi cha là “má Bình” (hoặc bằng bác). Lần ấy, dù anh Bình vẫn gọi đúng “má Bình” như kịch bản nhưng bà Thiệp vẫn sợ sự hồ hởi quá mức của con dễ khiến hàng xóm phát hiện.
Một lần linh cảm bà có chuyện không may, ông lẻn về thì quả là bà bị thai lưu. Bỗng có tiếng cảnh sát đập cửa, xét nhà, bà quá yếu sức, không thể bê nắp hầm giấu ông như mọi khi. Ông liền đu lên mái nhà, nơi hầm nổi được ông thiết kế then cài rất đặc biệt. Bọn cảnh sát nhìn quanh thấy đàn bà dính máu me, biết liên quan đến chuyện đẻ chửa, chúng sợ xui xẻo liền quay đi.
Cũng do sợ lộ, bà Thiệp nhốt các con trong nhà, tránh lời con ngây ngô làm lộ bí mật. Cánh cửa chỉ mở toang trong buổi sáng lịch sử 30/4/1975 cho nắng, gió lùa vào nhà, cho các con được chạy ào ra đường phố và còn gột sạch những oan khiên suốt 10 năm của gia đình biệt động.
Phải đến mấy tuần sau ngày giải phóng, ông Năm Lai mới về nhà, ăn bữa cơm đầu tiên với gia đình. Ông lu bù với việc truy quét quân địch còn cài cắm lại và tiếp quản, bàn giao các cơ sở cho chính quyền ta. Tiếng gọi “bác” đã ăn sâu, các con bắt đầu tập lại, sao mà sung sướng, lâng lâng, xen lẫn chút ngượng ngùng. Người gọi bác, người gọi bố, người gọi cha, ba… Những tưởng ngày đoàn tựu gia đình không còn gì cách trở. Nhưng trong khi các con ngóng thèm tiếng gọi cha thì đáp lại chỉ là thái độ lạnh lùng, xa cách.
Những ngày ấy, anh em anh Bình rất đau đớn khi nghĩ rằng cha không thừa nhận mình là cha. Mấy ông bạn cũng cự lại: “Tụi nhỏ giống ông như cắt để vậy mà nói không phải con ông thì là con ai?”.
Với bà, ông cũng rất “hà tiện” cử chỉ chia sẻ và lời yêu thương; chỉ toàn lo công việc, nhiệm vụ và trả nợ ân tình cho đồng đội. Đã hiến hầu hết nhà đất, tiền vàng cho cách mạng, đồng lương của ông ở Bộ Tư lệnh TPHCM không đủ trang trải gia đình. Để lo cho các con ăn học và cưu mang người thân của chồng, bà phải bươn chải đủ nghề từ bán rau má, hột vịt lộn, xay cua đến giữ xe ở chợ.
Có lần áp lực nhiều thứ, làm lụng quá vất vả mà chồng cứ lạnh lùng, bà giận dỗi bỏ sang nhà ở quận khác. Báo hại các cần xé hột vịt lộn quá lứa, khẻ mỏ rồi nở thành vịt con cứ kêu chíp chíp, càng cạc rồi chạy tràn ra nhà làm mấy anh em phải nhao nhao đuổi bắt.
Tranh thủ lắm ông mới tổ chức được cho cả nhà đi chơi nhưng tuyệt nhiên không đi cùng (ông đi riêng và đến sau). Các con hụt hẫng, uất ức vì sao cha cứ chối bỏ con, không thương con. Thậm chí có lúc tận dụng “cơ hội vàng” bị bệnh, bị trầy trụa, có vết thương… để cha động lòng trắc ẩn nhưng trái tim người cha như được lộng trong khối băng dày, không thể chạm.
Cho đến một ngày, tận mắt nhìn thấy cha bị chết hụt giữa thời bình do các thế lực thù địch còn rình rập, các con mới hiểu nỗi lòng của người cha mang trên vai nhiệm vụ gai góc, hiểu được tình cha bao la ẩn trong vẻ ngoài nghiêm nghị, lạnh lùng. Với bản năng hình thành từ thói quen được rèn luyện của người làm tình báo, ông luôn lạnh lùng, cảnh giác, không bao giờ để lộ cảm xúc thật. Ông khát khao thứ hạnh phúc bình dị được làm chồng, làm cha nhưng ông luôn tạo một bức tường ngăn, một khoảng cách đủ để bảo vệ sự an toàn cho vợ, cho con.
Với anh em anh Vũ Bình, tình yêu của người cha quá cố như vẫn còn vương trong hương phở thơm. Nhớ lần ông mua tô phở về nhà, các con hò reo vì sắp được một bữa thịnh soạn thì ông đổ tô phở vào nồi rồi đổ ùm cả bình thủy nước sôi vào. Tô phở theo phong cách “tình báo” thoắt biến thành nồi canh phở lểnh lảng. Các con mời ông ăn, ông khoát tay nói “ba ăn rồi” và lặng nhìn các con xì xụp bên món cơm trắng chan nước phở. Hồi tưởng lại hương phở xưa, anh Bình đỏ mắt, bộc bạch: “Chắc là cha ăn trong tưởng tượng. Người cha tình báo là vậy, giấu mình riết rồi quen, thương cũng không thương ra mặt”.
Tô Diệu Hiền
Chạy đua với thời gian, lưu giữ và phục dựng di tích biệt động Sài Gòn Hơn 30 năm, anh Trần Vũ Bình tìm mua lại những chiếc xe, đồ vật, những căn nhà gắn với di tích lịch sử của biệt động Sài Gòn nói chung, với cuộc đời hoạt động cách mạng của cha mẹ và má lớn Phạm Thị Chinh nói riêng. Dù gian nan, vất vả, tốn kém hay nhiều người cản bước, anh vẫn quyết tâm lần giở quá khứ để lưu giữ và phục dựng. Anh đã biến các di tích biệt động Sài Gòn thành bảo tàng, nơi dừng chân tham quan, tìm hiểu lịch sử và phục vụ ăn uống cho khách trong nước lẫn quốc tế. “Làm để trả lại những gì đã đi qua, cho những người đã khuất. Làm tất cả, trả bằng tất cả. Câu chuyện lịch sử này nếu để vuột mất đi, sẽ đau lắm!” - anh Vũ Bình chia sẻ. Tự hào truyền thống của gia đình, của dân tộc, các con rồi các cháu bà Đặng Thị Thiệp cũng trở thành những hướng dẫn viên của di tích, ngày ngày lan tỏa tình yêu và lòng tri ân đối với những người đã tận hiến cho độc lập, hòa bình. Hoài Nhân |