Một đời vất vả, một đời yêu thương

05/02/2021 - 08:45

PNO - Cuộc đời bà Nguyễn Thị Hoàng gian truân không ai bằng, nhưng nhờ siêng năng lao động và quyết tâm vươn lên nên bà đã gầy dựng được cơ ngơi đáng ngưỡng mộ. Ở tuổi 65, bà vẫn không một ngày ngơi nghỉ mà tiếp tục chăm chỉ làm việc để tích cóp nghĩa tình.

Mứt dẻo, thơm, chua, ngọt hòa quyện

Những ngày cuối tháng Chạp, khách đặt mua hai loại mứt mãng cầu xào me và mứt dừa lá dứa nhiều hơn nên có ngày bà Hoàng (P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) phải làm đến 60kg. Có ngày, các con, dâu, rể và các cháu, hết thảy 16 thành viên đều tập trung về đây làm phụ, tiếng nói cười rộn vang.

“Tôi làm tới 28 tháng Chạp. Tết này, chỉ riêng mứt mãng cầu xào me, khách đã đặt chừng một tấn, mứt dừa lá dứa 500kg. Các loại khác như chùm ruột, gừng thì ít hơn. Coi vậy mà đã gần 30 năm bám trụ với nghề rồi đó. Cũng nhờ làm mứt tôi mới lo được cho sắp nhỏ cuộc sống đàng hoàng”, bà Hoàng chia sẻ.  

Năm 1993, bà Hoàng bắt đầu làm mứt. Ban đầu bà làm mứt mãng cầu. “Làm để nuôi con”, bà nói. Chồng mất sớm vì đột quỵ, bỏ lại cho bà bốn đứa con nheo nhóc (đứa lớn mới 10 tuổi, đứa nhỏ lên 5), nhà lá xập xệ, dột và ngập. Để chèo chống gia đình, bà làm quên ăn quên ngủ, từ bán bún riêu, bún mọc buổi sáng, đi giúp việc nhà, bán trái cây, bảo vệ kho, chạy xe ôm, nấu đám tiệc…

Bà Nguyễn Thị Hoàng

Bây giờ thì mối lái đã nhiều, bà cũng đã sắm được máy sấy chứ không hoàn toàn làm bằng tay, không phải chờ nắng ấm để phơi mứt, cũng không phải đi bộ khắp nơi chào hàng... Bà thổ lộ: “Kiếm được 100.000 đồng là mừng lắm. Hồi đó chưa có xe, tôi đi bộ chục cây số mỗi ngày là bình thường. Đói và khát cũng không dám mua ly nước. Rồi những ngày tết, tôi ngẫm thấy: ai, dù khó khăn hay dư dả cũng cố gắng sắm ít bánh mứt cho con cháu và đãi khách, nên bèn nghĩ đến việc làm mứt bán vào mùa tết. Nghề này không cần vốn nhiều, chỉ cần mình chịu cực. Lại là nghề thời vụ, nên những tháng còn lại mình có thể tranh thủ làm những việc khác”. Thế là đến đầu tháng Chạp năm 1993 bà bắt tay làm mứt…

Ở Thủ Đức, mứt của bà có tiếng dẻo và thơm, ngọt và chua hòa quyện. Khách hàng của bà không chỉ là chòm xóm, tiểu thương ở các chợ mà còn có nhiều đoàn thể đặt làm quà tết cho những hoàn cảnh khó khăn. Hỏi về bí quyết, bà nói: “Mình ham bếp núc, tự mày mò riết rồi thành quen. Với món mứt này, cực nhất là lúc sên, mỗi mẻ 5kg, phải đảo đều tay liên tục không ngơi nghỉ từ 2 - 2,5 giờ liền”.  

Làm việc để nuôi yêu thương

Cuối năm, dù rất bận rộn, nhưng hôm 25/1 bà Hoàng vẫn dành thời gian gói 300 phần quà (bánh, kẹo, mứt, trà) để gửi tặng những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện quận Thủ Đức. Bà cũng gửi tặng 100kg nếp và 20kg đậu xanh để các bạn trẻ tình nguyện gói bánh chưng, bánh tét tặng bệnh nhân và thân nhân. Những việc này bà đã làm trong nhiều năm qua, dù đôi lúc kinh tế eo hẹp, bởi bà luôn nói: “một thời nhọc nhằn đói rách, được cho tô canh bún, chai nước ngọt là xúc động vô cùng”. 

Năm 2020 là một năm khó khăn, ngoài việc mua 500 thùng mì tặng người nghèo, mẹ con bà còn lặng lẽ nấu hàng trăm suất ăn gửi tiếp sức lực lượng tình nguyện viên. Khi miền Trung đang oằn mình trong lũ dữ, bà đã cùng một người bạn mang 1.000 thùng mì và 150 triệu đồng ra cứu trợ đồng bào. 

Bà Hoàng (trái) bám trụ nghề làm mứt tết đã gần 30 năm
Bà Hoàng (trái) bám trụ nghề làm mứt tết đã gần 30 năm

Tuổi đã cao, chân không còn được khỏe, nhưng bà khoát tay bảo: “Chưa nghỉ được. Đúng là con cháu đã ổn hết, tôi không còn phải lo nữa, nhưng phải làm đặng kiếm tiền đi từ thiện”. Nói rồi, bà nhìn khắp lượt ngôi nhà, nơi tất cả con cháu đang chung sống, với ánh mắt sáng ngời hạnh phúc. 

Các con bà, dù hoàn cảnh kinh tế khác nhau, nhưng tất cả đều một lòng chung sức với bà trên hành trình thiện nguyện. Cứ đều đặn mỗi tháng hai lần, cả nhà bà lại nấu 1.200 suất cơm tặng bệnh nhân nghèo. Dịp tết Trung thu 2020, mẹ con bà đã làm bánh trung thu để bán. Tiền lời của đơn hàng này bà lại dùng vào việc mua nguyên liệu để làm mẻ bánh khác đem đi tặng. 10.000 chiếc bánh trung thu đã đến tay trẻ em ở TP.HCM, Bình Dương, Bến Tre theo cách như vậy. 

Cả một đời, bà gần như không ngơi nghỉ. Ngày bà rảnh rỗi chính là những ngày bà tham gia vào những chuyến đi trao quà, xây cầu giao thông nông thôn, nhà tình thương… “Nhọc nhằn rồi cũng qua, tôi mãn nguyện với hiện tại, chỉ mong mình khỏe để được nhìn các cháu lớn khôn và sống biết sẻ chia”, bà giãi bày. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI