Sa xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc tám rưỡi tối. Đứng chờ ở sân bay tầm nửa tiếng thì chị lái xe đến đón. Bữa ấy, Sa mặc chiếc áo kẻ sọc, quần vải, đi đôi giày da có một chiếc bị bong mũi.
|
Hình minh họa |
Sợ ai đó nhìn thấy sẽ cười mình, Sa giấu mũi giày vào gầm ghế phòng chờ. Loay hoay với ý nghĩ nếu chị nhìn thấy giày bị rách thì sẽ nghĩ gì. Sa không muốn bị thương hại dù biết chị lúc nào cũng coi mình như em ruột.
Dẫu chỉ là chị em họ, chị vẫn luôn lo toan cho Sa tỉ mỉ đến từng chiếc dây buộc tóc, từng lọ kem dưỡng mí mắt, từng viên thuốc say xe dù hai chị em người Nam kẻ Bắc, có khi vài năm mới có cơ hội gặp nhau. Thường là chị ra Bắc công tác sẽ tranh thủ ghé thăm Sa xem cô ăn ở thế nào. Chị em nằm bên nhau thủ thỉ một đêm, sáng hôm sau chị lại bắt xe ra sân bay sớm.
Đây là lần đầu tiên Sa vào Sài Gòn thăm chị, nên Sa muốn mình phải thật tươm tất để chị khỏi phiền lòng. Sa đứng giữa những người xa lạ, trong đầu chỉ có một ý nghĩ “vậy là mình đã ở xa nhà gần hai nghìn cây số”.
Sân bay rộng quá, Sa kéo va-li ngược xuôi chọn một chỗ đứng thông thoáng để chị có thể nhìn thấy mình khi lái xe qua. Chiếc va-li chết tiệt bỗng tuột hẳn tay kéo đổ phịch xuống đất.
Sa không ngẩng lên nhưng tưởng tượng mọi ánh mắt xung quanh đang đổ dồn vào mình. Vứt đi không đành, Sa vội vàng lắp tay kéo vào, ấn nó xuống gọn gàng rồi bặm môi xách va-li. Va-li nặng vì cả yến lạc, mấy cân măng khô, vài thứ quả mua ở chợ quê mang vào biếu chị.
Mấy thứ đó trong Sài Gòn thiếu gì đâu nhưng chị vẫn cứ mừng rơn khi nhận chúng vì không muốn Sa buồn. Nhìn dòng người đưa đón xung quanh, Sa bỗng thấy mình lạc lõng.
Giờ này ở nhà chắc là bé Cỏ đang chạy khắp nơi hỏi “mẹ Sa đâu?”, sẽ mếu máo và hoảng hốt vì tự nhiên không tìm thấy mẹ. Từ lúc sinh Cỏ đến giờ, Sa chưa từng rời con nửa buổi. Lần này nếu không vì vào Nam để cắt thuốc chữa bệnh thì chẳng đời nào Sa bỏ con ở nhà như thế.
Mà mang con đi cũng đâu được, vé máy bay đắt lắm, bằng tiền bỉm, sữa mấy tháng của con chứ ít ỏi gì. Ngay cả vé của Sa cũng là do chị đặt. Chứ bảo một lúc bỏ ra vài triệu đồng chắc là Sa cứ mặc kệ cái bệnh đau lưng của mình.
Đời Sa còn nhiều thứ phải lo. Đời một người đàn bà có hàng trăm cơn đau rấm rứt thấu tận tâm can mà vẫn có thể chịu đựng được cơ mà.
- Lúc nhìn em đứng ở sân bay, chị thấy em giống mẹ quá chừng. Đàn bà ngoài ấy nhìn ai cũng khắc khổ.
Thẳng cái lưng lên xem nào, ưỡn ngực ra. Đàn bà đi lại phải uyển chuyển và sexy trong từng bước chân thì đàn ông mới mê. Cái gì cũng cần phải học hết em ạ! Em thấy đấy, phụ nữ thành thị bận bịu là thế, vậy mà nhiều người vẫn dành thời gian đi học thêm đủ thứ.Chị nói thế khi mở tủ chọn vài bộ váy ướm vào người Sa. Cái này hợp với em quá. Bụng nhiều mỡ quá giảm cân ngay đi. Trời ơi! Nhìn cái dáng đi đứng của em kìa. Xấu quá chừng xấu.
Lớp học nấu ăn, học cắm hoa, học thêu thùa, học nói chuyện trước đám đông, học khiêu vũ… Thế mà đã đủ đâu, chị còn từng theo học một khóa dạy đàn bà ngồi kiểu nào cho lịch lãm và trang nhã.
Chị còn đang đặt lịch cho khóa học về nghệ thuật quyến rũ của đàn bà. Giá mà em ở lại lâu hơn, chị sẽ dẫn em đi cùng để thay đổi bản thân. Có chồng rồi thì sao? Có chồng mà không chịu chăm sóc bản thân thì bảo sao chồng không chán, không chê.
Bao lâu rồi em không đi cà phê? Bốn năm ấy hả? Chị chỉ cần bốn ngày không quán xá là người muốn ốm rồi. Bao lâu rồi em không ra tiệm gội đầu? Chắc cũng vài tháng đúng không? Vậy bao lâu rồi chưa đi cắt móng tay, móng chân? Chưa bao giờ ấy hả? Chết mất. Em sống kiểu gì vậy trời? Em đối đãi với bản thân tệ quá.
- Mẹ em cả đời không biết đến cốc cà phê. Móng tay, móng chân bám đầy phèn, cứ mỗi lần làng có cỗ là mẹ phải dùng chanh đánh nửa tiếng đồng hồ mới trắng ra được tí. Mẹ chưa từng thấy mình thiệt thòi vì không được đưa chân cho người ta chăm sóc móng. Cũng chưa từng nghĩ đến việc bỏ hai chục ngàn đồng ra quán nằm duỗi ra để người ta gội đầu. Hai chục ấy mẹ tính đi chợ mua được khối thứ cần mua.
- Em thử nhìn trong tủ quần áo của mẹ mà xem. Hẳn những món đồ lót đã thủng lỗ chỗ, đã ố vàng. Có lần chị ra Bắc chơi, ngồi ở hiên nhà một người bạn, ngó mặt trời xuyên qua những chiếc quần lót sờn rách mỏng tang phơi trước sân nhà. Họ tiếc với bản thân ngay cả một chiếc quần lót mua ở chợ quê vài chục ngàn đồng. Tội không! Trong khi đó, chị và bạn bè vẫn mua đồ lót như một thú vui.
- Bởi vì cuộc sống còn khó khăn. Họ lo cho gia đình, cha mẹ, chồng con thì dĩ nhiên phải co kéo đời mình. Ai chẳng muốn ăn sung mặc sướng, thướt tha nhung lụa.
- Không. Vấn đề là có những phụ nữ đã quen với cái khổ nên không muốn thay đổi bản thân.
- Họ vì người khác thì có gì sai?
- Họ sai ở chỗ “người không vì mình trời tru đất diệt”. Em à, “người thương ta chỉ ngoài da/ Ta thương ta đến ruột già ruột non”. Chị cũng từng có một thời sống như con tằm nhả tơ. Nhưng đổi lại thì được gì nào? Sẽ chẳng ai xót thương ta đâu em à. Ngay cả khi rỗng ruột.
Sa nằm xuống. Lưng cong như một cánh cung, đau nhức không tài nào duỗi thẳng. Bệnh đau lưng xuất hiện từ khi Sa mang bầu bé Cỏ.
Lúc ấy, nhà mới mở sạp rau củ quả ngoài chợ, làm hùng hục chẳng được nghỉ ngơi. Bốn giờ sáng đã phải có mặt ở chợ đầu mối dưới thị xã tìm mua nào rau nào quả. Một mình xách từng túi đồ to hơn người, buộc chồng chất lên xe, ngất nghểu chở về chợ quê cho kịp năm rưỡi sáng. Vừa dỡ hàng bày ra vừa thoăn thoắt đứng lên cúi xuống bán hàng cho khách.
Nhiều khi thấy lưng mình đau muốn gãy nhưng nghĩ đến chồng đau ốm nằm ở nhà, nghĩ đến đứa con trong bụng nên lại cố. Phải có tiền mới lo thuốc thang được cho chồng, đẻ con ra mới có cái chi tiêu. Nhiều khi chợ trưa còn ế vài mớ rau vẫn cố ngồi nán lại mong bán hết được thêm vài đồng mua cho chồng bát phở cho dễ nuốt.
|
Hình minh họa |
Chồng chưa kịp khỏi bệnh thì con ra đời. Đẻ mổ mà chẳng có ai đỡ đần, hết cơn sốt sữa này đến cơn sốt sữa khác ngực sưng lên tận cổ, cơ thể rét run cầm cập, mà vẫn phải tự mình chăm bẵm, tắm giặt cho con.
Con quấy khóc suốt ngày, vừa đặt lưng định nghỉ ngơi thì lại phải vục dậy thay tã, ôm ấp vỗ về con. Nhiều khi ước cái lưng này không phải của mình vì nó đau nhức quá. Đẻ được nửa tháng lại phăm phăm chợ búa bình thường, mặc cơ thể kêu gào đau mỏi.
Giờ thì biết mặt nhau, đau từ trong giấc ngủ đau ra. Cơn đau lưng chạy lên vai gáy. Rồi lại từ vai gáy chạy dọc sống lưng, dấm dẳng không lúc nào thoát nổi. Chị quát: “Vứt hết mọi thứ ở đấy vào đây với chị. Chị biết dưới miền Tây có ông thầy bắt mạch cắt thuốc chữa đau lưng giỏi lắm”. Chị giục hoài mà Sa cứ lần chần mãi cho đến khi vé máy bay đã đặt.
Chị dọa: “Nếu không vào để tốn vài triệu tiền vé của chị thì cứ liệu hồn”. Sa đành bỏ lại góc chợ, đứa con gần ba tuổi để đi.
- Thôi đừng nghĩ ngợi nhiều. Em cũng phải tập buông con ra một chút để mà sống cho mình. Vào đây mấy ngày tranh thủ hưởng thụ đi. Để chị dẫn em đi chăm sóc da mặt, làm móng tay móng chân. Chơi vài ngày rồi chị dẫn xuống miền Tây chữa bệnh. Ngủ đi em, thức khuya da xấu lắm. Đàn bà nhất dáng nhì da. Em nhìn lại em xem, da dẻ đen nhẻm, bụng đầy ngấn mỡ. Để mai mốt chị dạy mấy động tác thể dục tiêu hao mỡ bụng.
- Em dân chợ búa, không lẽ ngồi với đống rau củ mà bôi trát phấn son.
- Trời ơi. Em nghĩ thế là uổng mất tuổi trẻ rồi. Ở đâu cũng phải đẹp. Làm gì cũng phải đẹp. Em thấy cô hàng xóm nhà chị không? Cô ấy ngày nào cũng đạp xe lóc cóc đi buôn sắt vụn, ấy thế mà giữ da kỹ lắm. Sáu chục tuổi đến nơi rồi mà nhìn da dẻ mê không? Chị ngày nào đến công ty cũng mất hai mươi phút cho cả đống kem dưỡng. Dưỡng môi, dưỡng da, dưỡng mắt, dưỡng móng tay. Em nghĩ không dưng chị được thế này à?
Sa đổi thế nằm nghiêng cho đỡ đau lưng, nhìn chị nhẹ nhàng bôi từng lớp kem lên cơ thể. Da chị mềm thơm như da em bé. Hẳn là người đàn ông nào cũng thích chạm vào. Như là cách mà chồng Sa thích ngả vào lòng cô ả bán vải trong chợ.
Cô ta bày toàn vải hoa, vải lụa nhưng đàn bà ghé mua thì ít mà đàn ông đến ve vãn cô chủ thì nhiều. Sạp cô ta giữa chợ, mưa chẳng đến mặt nắng chẳng đến đầu. Tay chân nõn nà chứ không thô ráp như tay Sa.
Trong một cơn say, chồng Sa từng nói: “Người cô ấy có mùi hương hoa bưởi chứ không phải lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi như cô”. Hôm biết chồng ném nửa tháng lương mua điện thoại trả góp tặng cô ta, Sa đã chạy đến định đánh ghen nhưng bỗng nhiên khựng lại vì thấy cô ta đang ngồi tô lại son môi, trong chiếc váy trễ vai hở cổ trắng ngần là khuôn ngực căng đầy lấp ló.
Ờ cô ta đẹp quá mà, đến đàn bà ngắm còn mê huống hồ cánh đàn ông.
- Em mà chịu khó chăm sóc bản thân chắc là đẹp lắm.
- Đàn ông họ ích kỷ thật. Họ muốn vợ mình phải tần tảo hy sinh để vun vén gia đình nhưng lại đòi hỏi vợ mình trẻ đẹp. Muốn vợ mình đẹp sao họ không gánh vác gia đình, kiếm thật nhiều tiền cho vợ được thảnh thơi son phấn?
- Bởi vậy chị mới nói mình có rút đến rỗng ruột cũng chẳng ai xót thương mình cả. Khi chị hiểu ra điều ấy thì tuổi thanh xuân đã qua mất rồi.
Đến ngày thứ ba, Sa bắt đầu rời mắt khỏi chị để ngắm mọi thứ xung quanh. Nhà chị thứ gì cũng vừa đủ, không phô trương, lãng phí, cũng chẳng kiểu cách cầu kỳ. Phòng khách nhà chị được tận dụng làm chỗ để ô tô, thêm một chiếc ghế sofa đặt ở góc tường ai mỏi mệt thì nằm nghỉ ngơi. Chẳng cần phải bàn ghế cốc chén làm gì.
“Nhà mấy khi có khách, bày biện cho chật nhà lại thêm lãng phí”, chị giải thích. Gian bếp vốn được coi là góc vui của chị cũng chẳng có đồ đạc gì nhiều. Vẫn chiếc tủ lạnh cũ, bộ bàn ăn bằng gỗ nhì nhằng đầy nét mực bút bi. Với chị, nhà cửa, đồ đạc chỉ là vật ngoài thân “chết cũng đâu có mang đi được”.
- Em cứ nhìn xung quanh mà xem. Có nhiều người dành dụm cả đời chỉ để xây một căn nhà. Có khi còn vay mượn nợ nần chồng chất. Rồi nhà cao cửa rộng làm gì khi suốt ngày cắm mặt ngoài đường cày trả nợ. Ngày nào cũng bước ra đường từ mờ sớm, khi về nhà thì đã khuya rồi. Họ thậm chí còn chẳng có lấy một ngày nghỉ ngơi cho đúng nghĩa. Chị chỉ cần cái tổ nhỏ xinh, vợ chồng con cái quây quần là đủ.
- Em lắm khi cũng hay sa vào cái bẫy vật chất ấy.
- Em đừng quá chăm chút cho những vật ngoài thân. Chắt chiu lấy niềm vui cho mình và chiều chuộng bản thân một chút.
|
Hình minh họa |
Sa về Bắc mang theo những thang thuốc chữa đau lưng của ông thầy lang miền Tây. Nhiều ngày sau, khi ngồi trong xó chợ bán rau, Sa hay nghĩ về những lời chị nói. Sa nhớ đến những quán cà phê chị từng đưa mình đến.
Đời Sa chưa bao giờ được thảnh thơi đến thế, ngồi nhâm nhi thứ nước uống ngon và tỉ tê với nhau những chuyện của đàn bà. Sa thường nhìn xung quanh ngắm một đời sống khác.
Trong giấc mơ của một người trở về với cơm áo gạo tiền đã có đêm Sa mơ thấy mình biến thành con người khác. Có gì đó rất khác đang diễn ra trong con người Sa. Hay đó chỉ là cảm giác lạc quan khi những cơn đau lưng thuyên giảm.
Một chuyến đi đã mang đến cho Sa quá nhiều điều mới mẻ. Trong chiếc túi đeo chéo chuyên dành cất tiền lẻ trả lại cho khách giờ đã có thêm một chiếc gương nhỏ, lọ kem chống nắng, tuýp kem trị mụn mà hôm ở Sài Gòn chị đưa cho.
Có vẻ vẫn còn chưa muộn để Sa học cách thương chính cuộc đời mình, để chẳng phụ công mà chị đã dốc hết ruột gan truyền lại cho Sa suốt mấy ngày ngắn ngủi Sa ghé qua thành phố lạ.
Vũ Thị Huyền Trang