Một đời "phông bạt"

03/10/2024 - 13:03

PNO - Cư dân mạng rộ lên từ “phông bạt” khiến tôi phì cười, vì nhà tôi cũng có ông anh “trùm phông bạt”.

Anh tôi một đời phông bạt (ảnh minh họa)
Anh tôi một đời "phông bạt" (ảnh minh họa)

Tôi nghĩ vẩn vơ rằng, má chỉ cần sinh một mình chàng trai ấy là đời ấm no. Nhưng sự đời đâu có dễ dàng vậy, ông trời đã “cài đặt” cho anh tôi một “hệ điều hành” xịn rồi cho... giáng trần với lời nhắn: “Bơi đi con và gánh “team” gia đình”. Thế là anh ấy “phông bạt” về sức mạnh của mình như thể siêu nhân. Hơn 30 năm nay anh tôi vẫn thế. Thương lắm!

Học xong đại học, anh tôi lần lượt nuôi 4 đứa em học hết đại học. Ba má xót nên nói con làm vừa thôi, phải giữ sức khỏe, anh cười tỉnh queo: “Con lo được hết”.

Anh kế tôi vào đại học, buổi sáng thường xuyên được anh lớn cho ăn bún bò, phần anh lớn là gói mì tôm... đương nhiên không có con tôm nào. Tôi là con nhà nghèo mà đi học cũng sang lắm, anh cho ăn bún bò, chạy xe máy, sách thích cuốn nào thì mua cuốn đó.

Chúng tôi học xong đại học đều được anh mua cho chiếc xe máy và chiếc laptop để đi làm. Ấy là anh tôi “phông bạt” để ba má an tâm, bày đặt “vung tiền” mua sắm cho mấy đứa em bằng phong thái “nhẹ tựa lông hồng” chứ thực chất anh phải tiết kiệm phần mình ghê lắm.

Thời ấy, ai hỏi anh sao không ăn bún bò mà ăn mì gói, thì sẽ nghe trả lời rằng anh ăn bún bò nhiều nên ngán. Thật ra anh làm gì có nhiều tiền ăn mà ngán, chẳng qua anh nhường cho các em thôi.

Những đứa em của anh vô tư ăn học mà đâu biết chàng trai chưa tới 25 tuổi ròng rã nuôi 4 đứa em học đại học là gánh nặng khủng khiếp. Sau này, chúng tôi được nghe đồng nghiệp của anh kể rằng, ngoài giờ làm ở công ty, anh đứng bán tiệm thuốc tây cho người ta đến 12 giờ khuya để làm thêm. Anh cố gắng như thế suốt một thời gian dài cho đến khi có nhà thuốc riêng.

Chúng tôi đã trưởng thành từ lâu, nhưng anh vẫn “phông bạt” kiểu “đại gia”. Anh tự lãnh phần chăm lo cho ba má suốt mấy chục năm và mạnh miệng: “Chừng nào mấy đứa bây chi tiêu thoải mái rồi mà còn dư tiền thì hãy biếu ba má. Anh lo được”.

Ba tôi mắc bệnh nan y, một tay anh lo tiền chạy chữa, đi lại, ăn uống. Đám tang ba cũng một tay anh lo từ tiền lớn đến tiền nhỏ. Đến nay, anh vẫn chi tiền hằng tháng gửi nuôi má, rồi tiền thuốc thang, điện nước nhà má, giỗ chạp...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không biết cung mạng của anh tôi có ngôi sao nào chiếu mà cứ thích chăm lo cho người khác, từ vợ con đến gia đình lớn, không đòi hỏi sự đền đáp nào. Mỗi lần có đứa em nào mua quà cho là anh vùng vằng bảo mua chi tốn tiền, anh có thiếu gì đâu. Để gánh vác, gia đình, anh tôi phải cố gắng nhiều gấp đôi, gấp ba người khác, từ hồi trẻ đã có trách nhiệm và chịu khó.

Anh tôi đã gần 60, cả một đời anh “đam mê phông bạt” để chúng tôi có hơi thở nhẹ nhàng, không ai bị cảm giác thiếu hụt tiền nong. Phần anh, lúc nào hụt hơi thì anh lén thở chậm lấy sức rồi lại tiếp tục mang vác.

Tấm “phông bạt” mà anh tôi phủ lên mình, tôi thấy đẹp và thương hết sức. Có anh, má tôi yên tâm vì tin khó khăn nào anh cũng xoay xở được. Có anh, gia đình tôi không xảy ra những xào xáo kiểu ăn không đồng chia không đủ trong việc thừa hưởng hay trách nhiệm chăm sóc ba má vì đã có người chịu phần thiệt thòi rồi.

Có anh, chúng tôi yên tâm mà sống, vì rằng nếu xui rủi gặp thất bại sẽ luôn có anh đứng sau nâng đỡ. Chúng tôi coi đó là phước phần của gia đình tôi.

An Hiên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Mai anh 08-10-2024 08:57:52

    Là người tự trọng nên tự lo cho bản thân, khi quá khả năng chịu đựng mới nên cầu cứu người khác. Sống mà gánh hết mọi thứ để rồi sinh ra những kẻ chỉ biết đòi hỏi hưởng thụ khi không đáp ứng nổi nữa quay ra trách móc chối bỏ.

  • Trần Tuấn 04-10-2024 06:53:15

    Phước phần quá còn gì! Biết trân quí người anh này, đừng làm tổn thương họ? Vạn lần không.

    • LeKiKo

      Vậy các em có phông bạt lại cho anh chút nào không? Hay chỉ viết vài câu như thế này thôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI