Một đời người- Một giấc mộng

23/01/2021 - 09:34

PNO - Câu chuyện bắt đầu từ ngôi làng Badush trầm buồn, lặng lẽ với những cái chết được thông báo vào năm giờ sáng mỗi ngày.

Tập bút ký Trở về từ Iraq (nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành) của nhà báo Trần Kiêm Hạ thôi thúc người đọc lần giở tiếp những trang sách bằng lời kể buồn bã với những “cảnh thiêu người chết ngoài trời như thời trung cổ”. Badush là ngôi làng dành cho người Việt trên đất Iraq, thập niên 80 của thế kỷ trước…

Đó là giai đoạn người Việt sang Iraq theo chương trình hợp tác xuất khẩu lao động bằng hình thức “Lao động tự nguyện”, khởi từ năm 1981. Trần Kiêm Hạ cũng là một trong những công nhân lên đường sang làm việc ở xứ người. Ai ra đi cũng mong ước chừng hai, ba năm sau quay về, có thêm một ít vốn, giúp gia đình mình thay đổi cuộc sống khốn khó. Nhưng rồi, mọi thứ đều không như mơ ước. 

Trở về từ Iraq là bút ký đặc sắc về thân phận người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Bối cảnh đã lùi xa đến hàng thập niên nhưng dấu ấn của một giai đoạn đất nước khó khăn, của những cuộc ra đi tìm kiếm hy vọng ở phương trời xa như vẫn còn đó trong thăm thẳm ký ức người viết. Từng trang sách như những thước phim chiếu chậm, mang đến cho người đọc cảm giác chân thực như thể tâm thức cũng được dự phần vào nỗi lo, nỗi buồn, chát đắng, bi thương, hy vọng, tuyệt vọng… của tác giả.

Ở công trường Badush Dam, tên của công nhân được thay bằng những con số, cuộc sống mỗi ngày 16 giờ làm việc vất vả không đáng sợ bằng khí độc thải ra từ khu vực công trường. Mỗi ngày đều có người qua đời đột ngột vì khí độc, có cả nhà xác ngay cạnh công trường. Người sống hôm nay không biết phần đời mình ngày mai. Và rất nhiều người Việt đã không thể trở về…

Trước tập bút ký này, nhà báo Trần Kiêm Hạ (từng công tác tại báo Pháp Luật TP.HCM) đã xuất bản tập phóng sự Cuộc đời sau tay lái (2012) và tập truyện ngắn Vùng biến mất (2019). Nhưng phải đến Trở về từ Iraq, bức tranh cuộc đời tác giả, bức tranh xã hội Việt Nam thập niên 90 của thế kỷ trước khi đất nước còn khó khăn mới được tái hiện rõ nét và thật sự cảm động. Ngoài bút ký cùng tiêu đề sách, tác phẩm còn có truyện ngắn, tạp văn lồng ghép vào trong những phần ký ức của người viết. 

Ký ức trở nên quý giá hơn bao giờ hết khi người ở bên kia dốc cuộc đời ngồi xuống, lắng lòng với những con chữ. Ký ức ấy có tiếng nấc nghẹn khi một người già qua nửa đời người nhớ lại hình bóng một người già đã chìm vào chân mây cùng tiếng chim chiền chiện; có tiếng chõng tre, tiếng hò ơ của mẹ; có cái ngạch cửa đã bóng nhẵn vì năm tháng những người bà, người mẹ miền Trung thay nhau ngồi chờ chồng, ngóng con. Ký ức mang dáng hình của dòng sông xanh, những cơn lụt đầu mùa và cả năm tháng của chàng sinh viên dũng cảm hành quân lên mặt trận phía Bắc…Những nỗi nhớ lộng lẫy trong một cuộc đời đã trải qua quá nhiều giai đoạn vất vả, gian khổ, hiểm nguy, những lằn ranh sống chết…

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển gọi hành trình của Trần Kiêm Hạ là “cuộc mưu sinh lấp lánh”. Có lẽ đó cũng là một ví von chân xác nhất. Cuộc mưu sinh cực nhọc nhưng không cúi đầu, vất vả trăm bề nhưng không khuất phục. Cuộc mưu sinh mà người với người trong cơ hàn vẫn dành cho nhau trọn vẹn tình quê hương, nghĩa đồng bào. Cuộc mưu sinh lấp lánh ấy không chỉ là của tác giả, mà còn của những phận người miền Trung - quê hương tác giả. 

Có lúc tác giả cũng khiến người đọc bật cười với sự dí dỏm trong những bài viết: Làm ông ngoại vẫn sướng hơn, Đệ nhất danh câu, Tôi thắng hay thua con chuột… nhưng bao trùm toàn tác phẩm vẫn là sự bàng bạc của nỗi nhớ, sự thâm trầm của những nhận diện và sẻ chia. Khép lại trang sách, chợt thấy hành trình của một đời người ngoảnh lại như chớp mắt, mà cũng kỳ diệu như một giấc mộng dài. Cuộc “trở về” của tác giả từ công trường chết chóc năm xưa để được bình an trong một ngôi nhà có những chậu mai kiểng giữa lòng thành phố như bây giờ cũng đã là một điều kỳ diệu…

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI