Một đêm cho một đời

04/11/2024 - 06:36

PNO - Before Sunrise (tựa tiếng Việt: Trước lúc bình minh) của đạo diễn Richard Linklater là một bộ phim thật kỳ lạ.

2 nhân vật chỉ đối thoại qua lại những chuyện không đầu không cuối mà cuốn hút không ngừng. Đây là một bộ phim không phải để xem và kể lại mà để cảm nhận. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi sau gần 30 năm ra đời, Trước lúc bình minh vẫn được nhiều khán giả nói rằng họ đã xem đi xem lại nhiều lần.

Một hôm, bỗng vô cớ ta nhớ tuổi trẻ của mình đến rụng rời hoặc chàng Jesse - nàng Celine trên màn ảnh chính là duyên cớ. Thì thôi, ta cứ miên man cùng câu chuyện của 2 nhân vật chính trong phim để thưởng thức một thời thanh xuân không hối tiếc.

Một lần thành thật nhất đời

Trước lúc bình minh mở đầu rất ấn tượng bằng hình ảnh đoàn tàu chạy mải miết và trên một toa tàu có đôi trẻ tình cờ quen nhau, trò chuyện rồi cùng nhau bước xuống tàu. Cuộc sống là những chuyến tàu mà ta là người chọn đi tiếp hay xuống ga này để đi ga khác. Jesse lẽ ra phải xuống Vienna để lên chuyến bay về Mỹ vào sáng hôm sau nhưng nếu chỉ vậy, anh sẽ suốt đời mang niềm hối tiếc. Chàng lãng tử người Mỹ có đôi mắt xanh lơ biết rõ điều ấy nên đã rủ rê cô bạn cùng toa vừa quen trên tàu khoan đi tiếp về Pháp mà xuống tàu cùng anh rong chơi ở Vienna cho đến khi trời sáng. Một quyết định táo bạo mà đầy ý nghĩa của thời thanh xuân, như lời thoại của Jesse, đại ý rằng: giả sử 10-20 năm sau cuộc sống hôn nhân của Celine có điều bất ổn thì nhìn chặng đường đã qua, cô sẽ thấy mình chẳng bỏ lỡ điều gì. Đây có thể là lời ngỏ ý thành thật nhất đời Jesse và cũng là cái gật đầu thành thật nhất đời của Celine.

Đây là một bộ phim không phải để xem và kể lại mà để cảm nhận
Đây là một bộ phim không phải để xem và kể lại mà để cảm nhận

Kể từ đó cho đến lúc chia tay, họ đã làm tất cả những điều mình muốn. Và thế là, Vienna của Jesse và Celine đã trở thành một Vienna điên rồ và tình tứ, thành phố chứa đựng những bước đi không lường của tuổi trẻ dám sống hết mình trong từng khoảnh khắc. Cuộc phiêu lưu của 2 người dần dần mở ra hình ảnh về gia đình họ, quan điểm của họ về vài thứ trong cuộc sống, về cái chết, về cái hữu hạn của vạn vật, về cách cha mẹ tác động đến cuộc đời của con cái, về đàn ông và đàn bà, về tình yêu và tình dục, về cách họ khám phá bản thân… Lạ thay, Jesse và Celine có nhiều quan điểm trái ngược hơn là giống nhau nhưng lại bị thu hút lẫn nhau. Trong khi Jesse thấy mình lúc nào cũng như đứa trẻ 13 tuổi không biết sống thế nào cho đúng thì Celine thấy mình như một bà già đang nằm chờ chết và những gì đang trải qua trong cuộc đời cô chính là ký ức của bà ấy. Trong khi Jesse bảo rằng những cặp vợ chồng sau nhiều năm sẽ chán ghét nhau vì quá hiểu cung cách của nhau thì Celine nghĩ rằng cô vẫn có thể hết lòng yêu một người khi đã biết mọi thứ về anh ta…

Trước lúc bình minh ngập tràn tinh thần tuổi trẻ - là sống hết lòng, không toan tính và chẳng e dè. Giả sử Jesse không “liều mạng” đề nghị Celine xuống tàu thì đã không có “cho một đêm đẹp nhất đời cậu” như lời người đàn ông đứng quầy bar nói khi đưa Jesse chai vang đỏ. Họ đã nắm tay nhau lang thang khắp Vienna, coi bói, đến nghĩa trang vô danh, nằm cạnh nhau trên bãi cỏ và không ngại bộc lộ mình. Cứ thế, Jesse và Celine nhẹ nhàng đưa khán giả rong ruổi cùng, chứng kiến cuộc tình bất ngờ mà lãng mạn.

Trong khi Jesse thấy mình lúc nào cũng như  đứa trẻ 13 tuổi không biết sống thế nào  cho đúng thì Celine thấy mình như một bà già đang nằm chờ chết và những gì đang trải qua trong cuộc đời cô chính là ký ức của bà ấy
Trong khi Jesse thấy mình lúc nào cũng như đứa trẻ 13 tuổi không biết sống thế nào cho đúng thì Celine thấy mình như một bà già đang nằm chờ chết và những gì đang trải qua trong cuộc đời cô chính là ký ức của bà ấy

Vẻ đẹp từ sự giản đơn

Làm thế nào mà một bộ phim giản dị, không có cao trào, không có sự đối đầu của thiện và ác, không đấu tranh nội tâm, không dựa vào kỹ xảo, toàn bộ sức nặng cảm xúc được đặt vào đôi diễn viên chính nhưng làm người xem nhớ lâu và thích xem lại nhiều lần như vậy? Đây cũng là một thách thức cho những người muốn viết gì đó về bộ phim này. Không dễ dàng dùng ngôn từ để diễn tả sự tinh tế trong ánh mắt họ dịu dàng nhìn nhau hay ngượng ngùng quay đi và cả những lần Jesse định đưa tay vuốt tóc Celine nhưng rồi rụt rè thả xuống. Jesse và Celine đã có một tình yêu được “nêm nếm” vừa tròn vị, không vội vàng, ồn ã mà vẫn lan tỏa được sự ấm áp, thân mật khiến khán giả tin vào diễn biến tình cảm của họ. Ở Trước lúc bình minh, sự tinh tế của kịch bản, đạo diễn và đôi diễn viên chính đã làm một bộ phim đẹp, tựa như khi ta nấu một món ăn tối giản, không có nhiều nguyên liệu và gia vị, sẽ rất khó ngon nếu không phải là một người làm bếp giỏi. 2 diễn viên chính - Julie Delpy (vai Celine) và Ethan Hawke (vai Jesse) - đã diễn rất chân thật, duyên dáng và không gượng ép.

Kịch bản phim có rất nhiều thoại nhưng không làm người xem khó chịu. Jesse và Celine nói chuyện rất nhiều nhưng họ biết lắng nghe nhau, luôn thẳng thắn bày tỏ quan điểm và trêu đùa đúng lúc. Những đối thoại ấy không lên gân với mớ triết lý sống rối rắm, cũng không luận xem ai đúng sai nhưng thú vị. Người xem vừa thấy nghĩa trang vô danh lại chạm ý nghĩa của sự chào đời, vừa nghe một mối tình kết thúc thì có một tình cảm khác nảy sinh… Mọi thứ về cuộc sống vốn trôi miên man như thế, không đầu không cuối. Các chi tiết trong phim cũng được cài cắm hợp lý. Một trong những cảnh lãng mạn và đáng nhớ nhất phim là lúc 2 nhân vật chính vào phòng nghe thử đĩa nhạc. Một không gian chật khiến họ choáng ngợp, không dám thở mạnh, bối rối nhìn nhau lúc quay đi…

Ca khúc Come here nổi lên như lời thúc giục dễ thương và đó là “bước ngoặt” khiến tình cảm của họ nồng nhiệt hơn sau khi rời khỏi. Cặp vợ chồng già cãi nhau ở đầu phim không chỉ là cái cớ để đôi bạn trẻ chuyển qua ngồi gần nhau mà còn là hình ảnh tương phản với đôi trẻ. Phải chăng rất nhiều đôi vợ chồng già thường “khắc khẩu” vì không còn đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau và cũng chẳng còn gì để khám phá những thú vị về nhau? Ở nghĩa trang vô danh, Celine gặp lại ngôi mộ của một cô gái mất năm 13 tuổi: “Em “gặp” cô ấy cũng khi 13 tuổi. Bây giờ, em đã già hơn 10 tuổi và cô ấy thì vẫn 13”. Vậy thì, đó có phải là lý do để thấy khi còn trẻ hãy sống mãnh liệt trong từng khoảnh khắc của cuộc đời mình vì ai biết được lúc nào ta không còn đủ sức để lắng nghe người mình rất mực yêu thương và khi nào thì ta dừng sống. Bộ phim cũng đặt khán giả vào thực tại ấy, không nhìn đôi trẻ ở quá khứ và cũng chẳng thắc mắc đến lúc bình minh họ chia tay nhau liệu có gặp lại mà chỉ nhớ rằng họ đã sống trọn vẹn khi bên nhau.

Trước lúc bình minh được nhiều người nhận xét: đây là bộ phim về tình yêu tuổi trẻ hay nhất  họ từng xem, là bộ phim tình cảm lãng mạn hay nhất mọi thời đại…
Trước lúc bình minh được nhiều người nhận xét: đây là bộ phim về tình yêu tuổi trẻ hay nhất họ từng xem, là bộ phim tình cảm lãng mạn hay nhất mọi thời đại…

Từ một kỷ niệm

Nội dung kịch bản Trước lúc bình minh bắt nguồn từ một kỷ niệm của đạo diễn Richard Linklater. Ông đã quen một phụ nữ tên Amy Lehrhaupt tại một cửa hàng đồ chơi ở Philadelphia (Mỹ) vào năm 1989. 2 người đã cùng nhau đi dạo quanh thành phố và nói chuyện đến hết đêm. Trước lúc bình minh ra mắt vào đầu năm 1995, được đông đảo khán giả dành tình cảm và rất thành công về doanh thu. Thật đáng tiếc, đến năm 2013, đạo diễn của bộ phim tiết lộ rằng nguyên mẫu của nhân vật nữ chính đã mất trong một tai nạn xe máy trước khi bộ phim được phát hành.

Khi bắt đầu có ý tưởng, Richard Linklater quyết định tìm một phụ nữ để viết kịch bản cùng. Ông đã tìm ra nữ biên kịch Kim Krizan - người mà ông cho rằng có các ý tưởng táo bạo trong một bộ óc thông minh hoạt động liên tục. 2 người chỉ cần 11 ngày thực sự để hoàn thành kịch bản. Trước lúc bình minh được nhiều người - cả giới phê bình lẫn khán giả - nhận xét: đây là bộ phim về tình yêu tuổi trẻ hay nhất họ từng xem, là bộ phim tình cảm lãng mạn hay nhất mọi thời đại…

Trang Rotten Tomatoes có 50 bài đánh giá về bộ phim và cho ra điểm trung bình 8,4/10. Tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần 45, Richard Linklater đã nhận được giải Gấu bạc cho hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất”. Tại giải thưởng MTV Movie & TV, Hawke và Delpy được đề cử giải “Nụ hôn đẹp nhất”. Bộ phim “có kinh phí sản xuất 2,5 triệu USD và thu về 22,5 triệu USD (gấp 9 lần) từ các phòng chiếu trên toàn thế giới. 9 năm sau và 9 năm sau nữa, đạo diễn Richard Linklater tiếp tục với Trước lúc hoàng hôn và Trước lúc nửa đêm. Tất cả đều thành công ngoài mong đợi, được đánh giá là Before trilogy (bộ ba phim Trước lúc) về tình yêu thành công nhất.

Lam Hạnh - Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI