Một đề văn “vừa đủ”

10/08/2020 - 06:58

PNO - “Trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang chứng kiến sự ra đi của rất nhiều người vì dịch COVID-19 thì việc chọn nội dung “trân trọng cuộc sống mỗi ngày” có lẽ là dụng ý của người ra đề”, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) nêu quan điểm.


Khác với năm 2018, thí sinh không phải “gồng mình” để bàn về vấn đề “đao to búa lớn” - đánh thức tiềm lực quốc gia; khác với năm học 2019, học sinh phải viết về một vấn đề quen thuộc đến sáo mòn - sức mạnh ý chí, thì với nội dung ngữ liệu hay, độ dài vừa phải, đề thi văn tốt nghiệp THPT 2020 đã gợi lên được vấn đề tích cực trong bối cảnh hiện nay, nhưng vừa sức và đúng độ tuổi thí sinh.

Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2020
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn văn 

Cùng nhận định ấy, cô Lê Tú Trinh, giáo viên ngữ văn tại quận 12, TPHCM cũng đánh giá đề thi năm nay khá hay vì đã đặt ra vấn đề phù hợp với lứa tuổi học sinh và phù hợp với hiện thực đời sống xã hội.

Với cấu trúc quen thuộc hai phần, nhưng từ cấp độ nhận biết của câu 1 và 2 phần đọc - hiểu, thí sinh thừa sức để “nhận biết”. Câu 3 thuộc cấp độ thông hiểu nhưng ở mức độ đơn giản, thí sinh trung bình vẫn có thể làm bài được. Riêng câu 4 là câu hỏi vận dụng. Câu hỏi khá mở để thí sinh thể hiện quan điểm của mình nhưng không dễ. Do đó, đây cũng chính là câu hỏi có thể phân hóa trình độ thí sinh.

Từ vấn đề nhận thức cá nhân, phần làm văn đặt trọng tâm vào tư tưởng Đất nước của nhân dân - một vấn đề rộng lớn hơn - là vấn đề đất nước. Đề mang tính thời sự, đặc biệt trong tình hình hiện tại. Sự đóng góp và xây dựng của nhân dân trong sự tồn tại và phát triển của đất nước lại được tiếp tục khẳng định, để qua đó, học sinh nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, nâng cao tình yêu với đất nước. 

Mặc dù còn một số hạn chế, như đề thi hơi dài, buộc thí sinh phải tiết chế, không thể đi sâu viết kỹ vì không có thời gian; độ phân hóa không cao do không có yêu cầu bình luận thường thấy ở phần làm văn. Tuy nhiên, với một đề thi cấu trúc quen thuộc, vừa sức để có thể kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng của học sinh trong tình hình học sinh bị gián đoạn học tập cũng như phải rút ngắn chương trình sau thời gian dài nghỉ học vì dịch bệnh, thì một đề thi mang tính giáo dục cao với thông điệp rõ ràng như thế sẽ đánh thức nhận thức của thí sinh về những vấn đề cuộc sống, cũng như gợi cảm xúc cho người làm bài. 

Một đề thi như thế được xem là “vừa đủ” trong một kỳ thi đặc biệt như năm nay. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI