"Một đất nước văn minh thì không thể có nhiều phương tiện cá nhân"

29/12/2015 - 07:07

PNO - Theo Phó giám đốc Sở GTVT HN: Nếu không thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân thì không bao giờ có thể xây kiểu hạ tầng gì để đủ phục vụ.

Phải có một đề án nghiêm chỉnh

Sáng 28/12, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Trong phần phát biểu ngắn tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nêu lên thực trạng giao thông thủ đô đang có nhiều diễn biến bất lợi.

Ông Chung dẫn chứng, bình quân hàng tháng Hà Nội có 18.000 - 22.000 xe máy, 6.000 - 8.000 ôtô đăng ký mới. Với tốc độ này, đến 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể ôtô của các lực lượng vũ trang, các tỉnh vào thủ đô và 7 triệu xe máy (chưa tính đến 2018 các dòng thuế liên quan đến ôtô được miễn giảm, người mua sẽ tăng lên).

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: NLĐ

Từ nhận định đó, lãnh đạo TP Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ cho phép các bộ ngành trung ương cùng với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

Trước đề xuất này, chia sẻ quan điểm với PV báo Phunuonline, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội bày tỏ: "Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất này. Nếu không thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân thì sẽ không bao giờ có thể xây cái kiểu hạ tầng gì để đủ phục vụ cả".

Phó giám đốc Sở cũng cho rằng: "Để làm ra lộ trình này thì tất cả các cấp vào cuộc xây dựng đề án, phải có khảo sát và tính toán thật kỹ. Để giảm tải phương tiện cá nhân thì phải có sự phát triển giao thông công cộng phù hợp để cho người ta đi, chứ không phải giảm xong thì không đi được, không có cái gì mà đi. Hai cái nó phải song song với nhau".

"Việc hạn chế xe cá nhân liên quan rất lớn đến cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng chúng ta hiện nay như vậy, mà ngân sách thì không phải là quá dồi dào để xây dựng hạ tầng, cộng với việc phát triển phương tiện cá nhân một cách ồ ạt, nhanh chóng thì cũng không có cơ sở để giảm tắc được. Thứ 2, rõ ràng là một đất nước văn minh thì không thể nào có nhiều phương tiện cá nhân được", ông Linh khẳng định.

Ông Linh đi vào biện pháp cụ thể: "Để có thể hạn chế phương tiện cá nhân thì phải có một đề án nghiêm chỉnh, mà các cấp, các ngành phải vào cuộc và phải có khảo sát thật kỹ lưỡng kịp thời mới xây dựng được đề án, từ đó mới vạch ra được lộ trình phải làm cái gì trước, cái gì sau, các giải pháp là cái gì".

Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội ngày càng trở thành một vấn đề đáng quan tâm khi lượng phương tiện cá nhân tăng một cách nhanh chóng.

"Theo quan điểm của tôi, để thực hiện một chính sách có tính tác động đến xã hội lớn như vậy thì ta phải có một đề án mà cấp lập ra đề án này phải là cấp có thẩm quyền, cấp tương xứng. Còn về chủ trương thì tôi thấy như vậy là hoàn toàn đúng, ông Linh nhấn mạnh.

Phải cần có 15 năm để hoàn thành đề án

Cũng đồng tình với đề xuất này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá: "Tôi cho rằng ý kiến của đồng chí Chủ tịch TP là phù hợp, về lâu dài phải nói là nó đúng với quy luật phát triển giao thông thủ đô".

Ông Liên nhìn nhận: "Có thể nói, đó là một đề xuất phù hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng với người dân. Bởi vì cùng với mật độ giao thông cũng như xe cá nhân tăng nhanh như thế này thì không thể nào giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông của thành phố HN. Vấn đề này cũng đã được bàn bạc rất nhiều rồi, nhưng mà cần phải có lộ trình".

Ông Liên hiến kế: "Việc đầu tiên là phải tập trung giải quyết cơ sở hạ tầng, những bất hợp lý của hạ tầng. Tôi nghĩ rằng vấn đề này liên quan đến hạ tầng, tức là kế hoạch dài hạn, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 7 tuyến tàu điện ngầm và đường sắt trên cao, khi đó mới giải quyết được lưu thông của người dân ở trong đô thị, tôi nghĩ rằng là Nhà nước, thành phố cần phải quan tâm, đẩy mạnh cái đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cái thứ 2 là việc hạn chế xe cá nhân, việc này người dân, các tổ chức chính trị - xã hội hết sức thông cảm thì mới có thể làm được. Phải đưa ra lộ trình dứt khoát, đến ngày tháng nào, năm nào thì hạn chế xe máy, ngày nào, năm nào thì hạn chế ô tô? Cái đó phải có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, chứ cũng không thể đơn thuần một thành phố mà làm được, trước mắt phải có những biện pháp hết sức cụ thể".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI