edf40wrjww2tblPage:Content
Duy Nhân có lẽ không phải là tên tuổi lớn trong showbiz Việt nhưng hoàn cảnh, nhân cách và lối sống của anh lại nhận được nhiều sự yêu thương, đồng cảm từ phía đồng nghiệp, bạn bè, truyền thông và cả khán giả. Chính vì thế, dù đám tang anh không quá long trọng nhưng nó lại thu hút sự chú ý của đông đảo người dân vì nhiều lí do khác nhau.
Đi đám tang để xem mặt người nổi tiếng và... vợ Duy Nhân
Từ lúc đặt linh cữu của nam diễn viên tại nhà tang lễ của chùa Vĩnh Nghiêm, không lúc nào là ngớt khách viếng. Họ đều là những diễn viên, người mẫu, ca sĩ... - những người đã làm việc chung hoặc từng gặp mặt Duy Nhân vào những dịp tình cờ. Thậm chí trong số đó có không ít người chưa từng gặp Duy Nhân nhưng vẫn quý anh qua những gì được biết. Họ đến thắp nén hương, đưa tiễn người bạn, người anh, người em của mình về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong hoàn cảnh đó, các nghệ sĩ đều chỉ muốn sự yên tĩnh, trang nghiêm để thành kính phân ưu cùng gia đình Duy Nhân chứ hoàn toàn không cần một lượng khán giả "cổ vũ" nhiệt tình cho nỗi đau và sự mất mát.
Thế nhưng không chỉ người dân ở khu vực này mà nhiều người từ nới khác cũng ùn ùn đến để xem mặt người nổi tiếng. Đáng chú ý, những người này không chỉ đứng theo dõi tang lễ diễn ra mà chen lấn, xô đẩy nhau để nhìn mặt ngôi sao. Đặc biệt, khi danh hài Hoài Linh xuất hiện, đám đông đang bu xung quanh đều đứng lên… vỗ tay hoan hô, lấy điện thoại ra chụp ảnh. Dù Hoài Linh đã ra dấu cho đám đông im lặng nhưng họ vẫn không để ý và tiếp tục hành động xấu xí của mình.
Diễn viên Ngọc Lan, đau xót trước sự ra đi của bạn, hoàn cảnh của mình (cha Ngọc Lan cũng qua đời vì ung thư và phải chích thuốc giảm đau liên tục trước khi ông mất) đã lặng lẽ thoát khỏi đám đông, ra tận lề đường khóc một mình. Cô cũng không thoát khỏi những chiếc camera điện thoại của "khán giả", bất chấp việc cô đề nghị "Xin đừng chụp ảnh", bất chấp việc động tác chụp ảnh đó đang vi phạm quyền nhân thân của nghệ sĩ.
Đám đông cứ tiếp tục "niềm vui" của mình nhiều lần như thế mỗi khi có sao xuất hiện. Nhiều người còn gọi điện cho bạn bè, người thân của họ rủ rê nhau đến coi mặt nghệ sĩ. Một số khác đến không phải vì nghệ sĩ mà vì sự tò mò về... cô vợ mới cưới của Duy Nhân vì nghe đồn Kiều Oanh "trẻ đẹp hơn cả diễn viên điện ảnh". Một đám đông bát nháo chen đẩy, xô lấn vì những mục đích thiếu văn hóa giữa khung cảnh tang thương. Không hiểu họ vui gì khi mỗi tràng pháo tay đón chào sao, mỗi bức ảnh tự sướng của họ như một vết dao cứa vào trái tim những người vừa mất đi một người thân?
Không chỉ gây náo loạn tại nơi để linh cửu người đã khuất, những cá nhân kém ý thức này còn cố gắng chạy theo xe tang để đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa tiếp tục "cuộc vui". Trong lúc mọi người tất bật di chuyển linh cửu của Duy Nhân, vợ anh cố nén nỗi đau mất chồng, chị anh, mẹ anh cố nén nỗi đau mất đi người em người con, họ vẫn không buông tha mà cố chen chân để chụp tấm ảnh tự sướng lần cuối. Trong đám đông ấy, thậm chí có cả một nữ sinh lớp 11 giơ biểu tượng hai ngón tay "Say Hi!" vào ống kính phóng viên. Ở trường em đã được học gì mà ngay cả điều cơ bản nhất về lễ ở đám tang cũng không hiểu?
Mùa bội thu của những siêu đạo chích
Những niềm vui trong đám tang ấy còn đến từ những đạo chích chuyên "tác nghiệp" tại lễ tang. Đã có nhiều kinh nghiệm nên trước khi tham gia tường thuật lễ tang Duy Nhân, các phóng viên dặn nhau phải thận trọng vì đây sẽ là cơ hội cho những tên trộm cắp, móc túi hành nghề. Dự đoán không sai. Khi đảo mắt một lượt qua đám đông đứng hai bên đoạn đường đưa linh cửu người quá cố, nhiều phóng viên nhận ra những gương mặt "tay chân không sạch sẽ" mà họ đã quen thuộc ở nhiều đám tang người nổi tiếng trước đó.
Dù đã hết sức cẩn thận, đã có hai phóng viên bị móc mất điện thoại và bóp tiền, một vài người nổi tiếng cũng chịu cảnh tương tự. Một số khác vì đã đề phòng nên khi hung thủ vừa ra tay đã bị bắt quả tang.
Đặt điều, tống tiền trắng trợn
Một sự việc cũng khiến nhiều người bức xúc trong đám tang của Duy Nhân diễn ra trong ngày thứ hai - một người đàn ông lạ mặt xuất hiện trong lễ viếng và kể những câu chuyện không có thật nhằm mục đích tống tiền khá trắng trợn. Hành động này khiến chị Duy Nhân vô cùng tức giận. Sự việc diễn ra rất nhanh và người đàn ông này nhanh chóng bị đuổi đi. Bên cạnh đó, cũng xung quanh những ngày tang lễ diễn ra, nhiều kẻ khác cũng trà trộn vào để xin tiền với nhiều nguyên nhân không rõ ràng.
Đám tang đã quá thê lương. Tiếng khóc trong những ngày tiễn biệt như oằn lòng người ở lại. Vậy mà, niềm đau của đám tang ấy, những con người đáng quý ấy lại trở thành chuyện mua vui cho bao nhiêu con người trơ trẽn, ham hố, và tham lam.
Đâu rồi chữ lễ, cái tình thưa các vị "khán giả"?
LAM KHÁNH