Ngày 13/3/2021, UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 86/NQ-HĐND và gắn tên đường mang tên nhà giáo nhân dân, giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tại Cụm Y tế Tân Kiên. Ngày 27/4, tác phẩm truyện ký Trần Hữu Nghiệp - Đời là kẻ sĩ (đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành) cũng chính thức ra mắt.
Một nhân cách lớn
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006) quê Bến Tre. Năm 1926, vì xuống đường tham gia để tang cụ Phan Châu Trinh mà ông bị đuổi khỏi trường trung học công tỉnh Bến Tre. Sau đó lên Sài Gòn học trường Huỳnh Khương Ninh, được nhận học bổng vào trường Chasseloup Laubat, đỗ tú tài và tiếp tục theo học trường Y khoa Đông Dương tại Hà Nội. Ông sang Pháp tu nghiệp hai năm và trở về nước năm 1937.
Khi Nam bộ kháng chiến, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã bỏ lại sau lưng tất cả danh vọng, phú quý của một vị bác sĩ được người người nể trọng, để đi theo kháng chiến. Từ vị trí bác sĩ cứu chữa các chiến sĩ vệ quốc đoàn, ông trở thành Tổng thanh tra quân dân y Việt Nam, rồi mở trường đào tạo cán bộ và nhân viên y tế. Ông giữ nhiều vai trò, trọng trách ở cả hai miền Nam Bắc: Phó Giám đốc Sở y tế Quân dân y Nam bộ, Hiệu trưởng trường Cán bộ Y tế Trung ương… Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn viết cả một tủ sách về y học. Ông cũng là người có công đào tạo nên nhiều học trò - bác sĩ giỏi nghề, giỏi y đức.
Tháng 4/1946, ông cùng đoàn lãnh đạo tỉnh Bến Tre (trong đó có bà Nguyễn Thị Định khi ấy là Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Hội phụ nữ tỉnh Bến Tre, giáo sư Ca Văn Thỉnh…) vượt biển ra Bắc đưa vũ khí và hỗ trợ Nam bộ kháng chiến. Năm tháng ấy, hành trình Nam - Bắc vô cùng gian lao, nguy hiểm, nhưng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhiều lần nhận nhiệm vụ ra Bắc, rồi trở về Nam, khi bằng đường biển, khi vượt đường Trường Sơn.
“Trong cuộc chiến cực kỳ ác liệt đó, ông cuốc đất, trồng rau, chăn nuôi heo, gà, giăng câu, bẫy thú… để nuôi con trong suốt mùa kháng chiến chống Pháp. Ngoài giờ lên lớp, chúng ta không thể không xúc động khi thấy ông ở trần, mặc quần tiều, nhổ bông súng, vớt bèo nuôi heo, góp sức tự lực cánh sinh, cải thiện bữa ăn cho thầy và trò”- hình ảnh vị bác sĩ khả kính đôi lúc hiện lên giản dị như vậy trong những trang viết.
Bốn năm sau ngày thống nhất đất nước, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nghỉ hưu, kiếm sống như nhiều công dân khác trong bối cảnh khó khăn của đất nước, không màng danh vọng hay bất cứ sự đãi ngộ nào. Anh hùng lao động, Tiến sĩ Dương Quang Trung nhận định: “Cuộc đời của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rất trong sáng, được ví như kẻ sĩ Gia Định, có sự nghiệp phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân rất vẻ vang”. Còn giáo sư, tiến sĩ Mai Quốc Liên gọi ông là “một nhân cách lớn, một tri thức lớn được tôi rèn trong cuộc chiến tranh nhân dân, đã đi cùng nhân dân mình suốt 30 năm gian khổ và chiến thắng”.
Một cuộc đời "vắt qua hai thế kỷ"
Đại tá - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm cho biết, ông bắt đầu thực hiện bản thảo Trần Hữu Nghiệp - Đời là kẻ sĩ từ giữa năm 2020. Nguồn tư liệu từ những ghi chép của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và lời kể của gia đình, những người học trò vẫn luôn nhớ và quý kính ông.
Truyện ký Trần Hữu Nghiệp - Đời là kẻ sĩ sẽ có buổi ra mắt sáng 27/4, tại Hội Nhà văn TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, Q.3). Chương trình có sự tham gia của đại diện gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Ông kết hôn với bà Lê Thị Nhi (1938) và có ba người con (hiện đang sinh sống tại Canada và Mỹ): Trần Hữu Kim Dung, Trần Hữu Trí và Trần Hữu Dũng. Năm 1948, ông tái hôn với bác sĩ Nguyễn Ngọc Lê, và có thêm ba cô con gái: Trần Kiều Dung, Trần Kiều Miên và Trần Kiều Lan.
|
Tập truyện ký dày hơn 400 trang chứa đựng nhiều tư liệu quý giá, không chỉ về cuộc đời của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, mà còn gắn liền với nhiều tên tuổi lớn. Đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh, giáo sư Tôn Thất Tùng, cùng nhiều văn nhân thi sĩ nổi tiếng. Lời kể của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - con gái của nhà thơ Nguyễn Bính được ghi chép trong truyện ký: “Có một thời gian cha tôi sống ở Mỹ Tho, cùng nhà văn Bảo Định Giang, nhờ ông mà cha tôi gặp được bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, rồi họ nhanh chóng trở thành bạn tâm giao. Lúc bệnh cha tôi cũng được bác sĩ Trần Hữu Nghiệp khám giùm và cho thuốc. Tôi còn biết khi cha tôi và nhà văn Bảo Định Giang gặp khó khăn về tài chính, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã giúp cha tôi 40 đồng (tiền Đông Dương), lúc đó là một số tiền lớn”.
|
Chân dung bác sĩ Trần Hữu Nghiệp |
Đặc biệt là kỷ niệm với Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trong lần bác sĩ Nghiệp tháp tùng ông sang châu Âu (1955). Khi bác Tôn đến Moskva lúc 10 giờ đêm, được nước bạn đón tiếp bằng sự thân tình, giản dị mà “đậm đà tình anh em đồng chí”. “Không có diễn văn, không có thiếu nữ tặng hoa nào cả, mà sau khi ôm hôn Bác Tôn thắm thiết, một đồng chí nói qua phiên dịch: “Biết hôm nay đồng chí đến, và ở Việt Nam ai cũng thích ăn cá hơn thịt, nên suốt ngày tôi đục băng ngồi câu cá giữa sông, tóm được mấy con béo mập. Tôi đã giao cá cho bà quản gia, đồng chí muốn ăn cách nào bảo cho đầu bếp nấu ăn” - hồi ức để lại của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Ký ức đó còn có hình ảnh của đêm lễ tang truy điệu Bác Hồ tại Trường Đào tạo Cán bộ y tế trung - cao cấp của Miền (miền Nam) do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tổ chức - mà bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là người đọc thông báo của Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong buổi lễ, Chủ tịch chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát đọc điếu văn.
Viết về một cuộc đời “vắt qua hai thế kỷ” - bác sĩ Trần Hữu Nghiệp với “cái vốn tích lũy cuộc đời có thể nói là khổng lồ”, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã truyền tải đến người đọc cả phông nền văn hóa - lịch sử của cả hai thế kỷ ấy. Từ chất liệu hồi ức của hai cụ thân sinh bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, về cơn bão năm Thìn (1904) với “tiếng sóng biển vỗ gành từ ngoài khơi xa đập vào cửa sông Hàm Luông, sông Ba Lai gầm thét như muốn vùi dập cả xóm làng Tân Thủy…”, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cho đến ngày “không khí vỡ òa mừng vui chiến thắng” 30/4/1975.
Một cuộc đời đã ở lại cùng tên đường, và trong những trang viết của hậu thế: Nhà giáo nhân dân, giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.
Lục Diệp