Một cuộc đời huyền thoại

30/09/2022 - 08:30

PNO - Ngày 1/6/1961, trên con thuyền đánh cá cũ được mua lại của ngư dân, đoàn gồm sáu đồng chí lên đường vượt biển.

 

Doi  Cồn Tra, Bến Tre năm 1961.

Trong một căn nhà lá trống trải, “xung quanh có nhiều cây mắm, cây bần”, có những người chiến sĩ trẻ tuổi chờ nhận nhiệm vụ đặc biệt: vượt biển ra Bắc, báo cáo tình hình với Trung ương và đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Ngày 1/6/1961, trên con thuyền đánh cá cũ được mua lại của ngư dân, đoàn gồm sáu đồng chí lên đường vượt biển. Một hành trình nguy hiểm trùng trùng, sống chết trong gang tấc, khi không chỉ đối mặt với giông tố, mà còn với máy bay, tàu tuần tra ngày đêm của kẻ thù.

Truyện ký Nguyễn Văn Đức - Người anh hùng tàu không số huyền thoại
Truyện ký Nguyễn Văn Đức - Người anh hùng tàu không số huyền thoại

Trong tác phẩm truyện ký Nguyễn Văn Đức - Người anh hùng tàu không số huyền thoại, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã miêu tả chuyến đi với nhiều chi tiết cảm động. Đó là khi vượt qua được cơn bão biển, thì toàn bộ gạo, củi, thực phẩm đều bị ướt. Cả đội nhịn đói đến ngày thứ ba mới có thể nấu cơm ăn. “Để giữ an toàn ngày phải đi xa bờ, có lúc chạy bằng buồm để tiết kiệm dầu kết hợp cho máy nghỉ, luồn lách qua thuyền đánh cá của ngư dân và mắt cứ mở căng nhìn vào đất liền, tìm những ngọn núi cao để đi khỏi lạc hướng. Đêm xuống thuyền chạy gần bờ hơn, nhìn ánh đèn của làng quê ven biển, những con tàu lớn vào ra hải cảng. Đêm nào trời trong, ngửa mặt lên trời tìm sao Bắc Đẩu cho thuyền đi tiếp” - trích truyện ký. Đội thuyền cứ đi như vậy, cho đến khi vượt qua được ranh giới Cửa Tùng (Quảng Trị).

Hành trình đầu tiên ấy đã mở đường cho những đội thuyền tiếp theo từ Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa tiếp tục vượt biển ra Bắc đưa vũ khí vào Nam, mở ra những hải trình huyền thoại cho đoàn tàu không số.

Ngày 11/10/1962, tàu phương Đông 1 được lệnh xuất phát chở theo 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng). Năm ngày sau, tàu phương Đông 2 tiếp bước, và sau đó là tàu phương Đông 3, khởi hành ngày 14/11/1962. Đúng một tháng sau, tàu phương Đông 4 có Nguyễn Văn Đức tham gia nhận lệnh khởi hành. Những người con của miền Nam, ra đi và trở về trên những con tàu đầy ắp vũ khí, vượt bao nguy hiểm trùng trùng, cuối cùng đều cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. 

Những trang viết của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm không chỉ tái hiện hành trình của những con tàu không số huyền thoại, mà còn khắc họa cả cuộc đời của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Đức. Cuộc đời riêng ấy mất mát không gì bù đắp nổi.

Cha ông - người chiến sĩ cách mạng kiên trung, không tập kết ra Bắc năm 1954, mà ở lại miền Nam chiến đấu cùng đồng đội đã bị địch bắt, tra tấn và thủ tiêu, cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Em trai ông hy sinh trên chiến trường vào năm 1969 cũng chưa tìm thấy hài cốt. Mẹ, chị và các em mất trong trận càn của Mỹ vào quê hương ông - xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ngày nhận hung tin cũng chính là lúc ông đang đi trên tàu 69 vận chuyển vũ khí vào Trà Vinh. 

Năm tháng ấy, ông chỉ dám viếng mộ người thân vào lúc nửa đêm về sáng, trong những lần có công tác ngang qua tỉnh nhà. Bà con xóm Hồ Cỏ cứ đồn rằng, cứ vào lúc nửa đêm họ lại thấy “bóng ma” xuất hiện. “Bóng ma cao lênh khênh, mặc đồ đen thui, đi từ ngoài phía biển vào đến bên ngôi mộ rồi quỳ xuống và bật lên tiếng khóc thảm thiết”, “bóng ma hiện về đi vòng quanh ngôi mộ, nhặt từng hòn đất xếp cao lên, có lúc hai tay chắp vào phía trước bụng, hình như ma đang vái…” - những ghi chép khiến người đọc rơi nước mắt. 

Cuộc đời ấy, những đau đớn, hy sinh ấy đã đi qua những năm tháng gian lao của đất nước, và trở thành một phần của lịch sử dân tộc. Ông đã đi 23 chuyến trên biển, không chỉ là hải trình tàu không số, mà trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông còn là thuyền trưởng trong đội tàu của Lữ đoàn 125, đưa bộ đội đặc công ra giải phóng quần đảo Trường Sa... 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI