Một cuộc chiến giành con hậu ly hôn quái lạ

25/11/2019 - 07:39

PNO - Tháng 7/2019, thẩm phán Nguyễn Hải Nam (Tòa án nhân dân Q.4, TP.HCM) đã xử giao cô bé 11 tuổi cho một người cha 60 tuổi trực tiếp nuôi dưỡng.

Thẩm phán Nguyễn Hải Nam nhận định: “Người cha hiện sống cô đơn một mình nên nhu cầu về cha con, gia đình là có thật. Việc cha, mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con lúc nhỏ, còn con cái phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già là đạo lý tốt đẹp của dân tộc được quy định tại khoản 2, điều 70 - Luật Hôn nhân và Gia đình”… 

Con mọn gánh cha già? 

Mot cuoc chien gianh con hau ly hon quai la
Hai con của bà T.T.H. khởi động một ngày bình yên và hạnh phúc bằng cách đạp xe đến trường

Trọng trách “chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già” bỗng quàng lên vai cô bé 11 tuổi học lớp Sáu, trong khi những quyền lợi của bé quy định theo Luật Trẻ em thì không được đếm xỉa đến, như nguyện vọng được sống với mẹ và các chị em ruột.

Mặt khác, việc cần con chăm sóc, nuôi dưỡng cũng thể hiện rõ người cha ở tuổi xế chiều đang và sẽ không còn khả năng tự lo cho mình, nói gì đến chăm sóc con tuổi ăn tuổi lớn. 

Ly hôn tại Hà Nội bốn năm nay, ông Đ.H.T. và bà T.T.H. thỏa thuận giao cả hai con gái cho bà nuôi. Về thực tế, trước đó nhiều năm, từ khi ly thân, bà H. đã đưa hai con vào TP.HCM sinh sống ổn định.

“Đầu năm 2019, tôi bất ngờ khi ông T. bỗng có hành động “lạ”: gửi tiền cấp dưỡng cho con. Sau đó không lâu, tôi nhận được giấy mời triệu tập đến tòa để giải quyết vụ tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con. Ông T. đòi nuôi cả hai con gái (đứa lớn mười bốn tuổi, đứa nhỏ mười một tuổi). Tuổi dậy thì con gái rất cần được mẹ cận kề chăm sóc, hướng dẫn. Tôi không hiểu vì sao ông lại làm thế lúc này” - bà H. bức xúc. 

Theo đơn khởi kiện của ông T., bà H. bạo lực tinh thần đối với con, nhiều lần con gọi cho ông khóc kể. Đồng thời bà cũng đã có thêm một đứa con riêng nên không thể chu toàn cho cả ba. Bà H. khẳng định, bà là mẹ đơn thân, không sống chung với người đàn ông nào và đủ sức nuôi dưỡng, chăm sóc tốt cho cả ba con.

Trong khi ông T. không chứng minh được việc bà H. có dùng bạo lực với các con, và ông cũng không tố giác ở công an thì bà H. có lập vi bằng, theo đó địa phương, khu phố, hàng xóm... xác nhận không có hành vi bạo lực, ngược đãi của bà với các con.

Trong khi ông T. chỉ trích bà H. ngăn cản ông liên lạc, thăm nom các con, thì bà H. trưng ra những tấm hình các con đi cùng ông tham quan du lịch, thăm thú họ hàng tận miền Bắc vào nhiều thời điểm khác nhau. 

Riêng lời của ông T. cũng thể hiện mâu thuẫn, khi cho rằng ông và các con bị cản trở liên lạc, nhưng ông lại kể nhiều lần các con gọi trực tiếp cho ông mách chuyện bị mẹ bạo hành. Bà H. thu thập được thông tin ông T. đang mắc nợ nhiều tỷ đồng ở nhiều ngân hàng, thế chấp cả căn nhà đang ở.

Ông T. cho rằng, đó là lời bịa đặt, bản thân ông không mắc nợ, còn việc kinh doanh của công ty ông làm nếu có vay nợ để đầu tư là rất bình thường.

“Cháu đang có cuộc sống ổn định và hạnh phúc ở đây”!

Trong phiên xử sơ thẩm, khi được hỏi nếu giao con cho ông nuôi thì ông sắp xếp như thế nào, ông T. đã hào hứng vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp, thuận lợi. Theo đó, ông có thể tiếp tục sống ở Hà Nội hoặc vào TP.HCM sống.

Việc đưa đón con đi học, “đơn giản thôi”, ông sẽ tìm một ngôi trường gần nhà, thật tốt cho con. Ông đã sáu mươi tuổi, ít đi công tác nên việc đưa đón con “đơn giản thôi”.

Mot cuoc chien gianh con hau ly hon quai la
Ảnh minh họa

Công việc của ông là tư vấn về kỹ thuật, dễ dàng làm việc trên máy tính, điện thoại, không bó buộc thời gian. Ông sinh sống ở Hà Nội nhưng lại xác nhận lương ở một công ty tại TP.HCM. Với ông, điều đó cũng “đơn giản thôi”, nhưng bà và nhiều người lại thấy đó là nghịch lý, đáng đặt câu hỏi.

Để chứng minh khả năng tài chính dồi dào, đủ sức nuôi con, ông cho biết thu nhập thực tế ông cao hơn nhiều so với lương trong giấy xác nhận. Bà H. có mức lương rất cao từ tập đoàn nước ngoài, và bà còn có mấy căn nhà cho thuê.

Về thu nhập hằng tháng, trước đối thủ đáng gờm là vợ cũ, ông T. nhấn mạnh tại tòa rằng “đừng cứ đặt nặng tiền... tiền... thế thì công nhân thu nhập vài triệu đồng họ sống thế nào, nuôi con ra sao?”. 

Cuối cùng, bản án sơ thẩm được tuyên: chấp nhận một phần yêu cầu của ông T. là cháu lớn 14 tuổi để lại bà H. tiếp tục nuôi và giao cháu nhỏ 11 tuổi cho ông nuôi.

Phẫn nộ trước phán quyết của tòa, bà H. phản đối: “Ông đã 60, sức khỏe, công việc, thu nhập có ổn định, bền vững được không mà giao đứa nhỏ cho ông nuôi? Rồi đây cuộc sống, sinh hoạt, học tập đường dài của cháu sao bảo đảm được? Ông lại chưa bao giờ chăm sóc ai cả. Khi cháu trưởng thành, đủ sức vóc, tri thức, cháu muốn sống gần để chăm lo phụng dưỡng ai thì tôi sẽ tôn trọng, tạo điều kiện. Còn giờ đây, cháu mới học lớp Sáu... Tôi còn trẻ và đang nuôi con rất tốt, sao lại thay đổi nhẫn tâm như thế để xáo trộn cuộc sống, việc học và tương lai của cháu?”. 

Khi chúng tôi tiếp xúc với cháu nhỏ, chưa rõ người lạ này là ai nên cháu lộ vẻ lo lắng, hoang mang và trả lời dè dặt. Từ khi ra đời bản án sơ thẩm, cháu luôn sợ bị bắt đi. Bước chân ra khỏi nhà chút thôi, cháu cũng đòi mẹ theo cùng. Hai cháu đã gửi đến tòa nguyện vọng thiết tha được ở bên mẹ. 

Đồng cảm với nỗi hoang mang, bức xúc của ba mẹ con trước bản án lạnh lùng; không xem xét đến nguyện vọng, điều kiện sống và nhu cầu tình cảm của các cháu - trái với các quy định của Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Viện Kiểm sát nhân dân Q.4 đã kháng nghị phúc thẩm đối với bản án này theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn (ông T.) về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. 

Mong một phiên xử công tâm và nhân văn tại Tòa án nhân dân TP.HCM! 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI