Một cú rùng mình của chị A.

22/07/2020 - 22:13

PNO - Chị A. không ngờ chức trưởng thôn lại đúng là một mình một chợ gian khổ như thế.

Chị A. vốn là một cán bộ Hội Phụ nữ - cán bộ chủ chốt hẳn hoi. Thường ở Hội, mọi công việc có chị có em cùng làm rất vui; một dự án bước vào triển khai là mỗi người một việc. Băng-rôn à? Người cắt chữ, người nhờ anh bảo vệ lên treo giùm. Cho vay tín dụng à? Người đi điều tra, người lập danh sách, người hướng dẫn đối tượng vay làm thủ tục… Công việc trơn tru ấy rồi cũng đến ngày chấm dứt. Chị A. biết năm sau mình sẽ về hưu, và ngay từ năm nay chị đã thấy buồn rũ ra.

Nghỉ hưu thì biết làm gì đây? Con người chị đã thuộc về xã hội rồi. Nghĩ tới một ngày sắp tới dài đằng đẵng đi ra đằng trước sân nhà xi măng sân sau cũng xi măng nốt, chị A. thấy ngao ngán. Chị xoay sở đầu này đầu kia cuối cùng biết thôn 2 sắp bầu cử trưởng thôn và đây là một cơ hội để chị tiếp tục cống hiến. Làm trưởng thôn thì chẳng tiền nong gì đâu, có khi còn phải bỏ tiền nhà ra ấy chứ, nhưng nó giải quyết khâu tâm lý cho chị. Chị về nói với chồng. Chồng chị bảo, tùy bà thôi, nhưng theo tôi là khó đấy.

Cuộc bầu cử trưởng thôn hôm ấy bị nhiều người về mô tả lại là không phải bầu cử, khi mà danh sách đưa ra có mỗi một chị A., người trong thôn ngơ ngác bảo nhau thế này thì cần gì bầu mà phải gọi chúng mình ra hội trường từ sớm? Rồi mọi sự cũng xong, mùa màng bận rộn, lại dịch COVID-19, tất cả vừa ngưng đọng vừa rối bời, chẳng ai để ý đến nữa.

*

COVID-19 tạm lui, cuộc sống bước vào trạng thái “bình thường mới”. Chị A. bắt đầu công việc trưởng thôn mới. Ở đây không có ai phụ việc cho chị. Trụ sở thôn vắng vẻ, khi đến chị tự mở khoá khi về chị tự bóp khoá. Chị ngại ngần khi cầm cái chổi cùn để quét trụ sở. Rồi chị cũng không quét nữa, không muốn người làng thấy mình phải tự làm việc này. Loa rè, chị không biết gọi ai. Treo băng-rôn, chị nhờ được hai lần, lần thứ ba người ta làm mà mặt không vui. Hết sự kiện, chị nhờ được người gỡ xuống nhưng chị bận không ra được, người ta gỡ băng-rôn xong cuộn một cục để trên trụ cổng suốt hai ngày. Trong thôn có người mất, chị thấy mình không thể tự mò đến nhà các ông nhờ khuân hòm. Chị nhờ chồng nhưng anh từ chối, nói làm thế người ta cười anh cho. Sắp tới ngày cúng làng hàng năm, chị rối bời khi nghĩ tới việc làm lễ ra sao, rồi còn bữa nhậu sau mỗi lần cúng nữa, chẳng lẽ chị cũng phải uống?

Rất nhiều việc như thế làm chị A. như già đi đến năm tuổi, tóc rụng cả túm mỗi sáng mai ra. Chị không ngờ chức trưởng thôn lại đúng là một mình một chợ gian khổ như thế. Khi muốn làm chức này, chị đã nhờ mọi cách để được làm, nhưng khi muốn bỏ thì lòng sĩ diện khiến chị không thể từ chức. Chị đến nhà ông trưởng thôn cũ, người đã bị hất ra khỏi danh sách để thôn bầu hôm nọ. Chị nhờ ông hỗ trợ một số đầu mối làm việc. Ông cười cười nói mọi việc xưa nay tự ông làm, từ quét cái trụ sở thôn tới treo băng-rôn và mời người khuân hòm khi có đám. Ông còn hỏi một câu làm chị A. tái mặt, rằng trước khi xin về cái chức này chị không tìm hiểu cho kỹ à?

May cho chị A., nuôi con rồi cũng đến ngày nó trả nợ mình. Con gái chị sinh, lại sinh đôi, chị A. mừng quá nộp đơn xin nghỉ luôn, lấy cớ nuôi cháu hộ con, thật là vô cùng hợp lý.

Từ đấy chị A. vui trở lại, ông trưởng thôn cũ lại về làm trưởng thôn. Nhưng mỗi chiều 5g nghe loa phát thanh của thôn tiếp âm đài huyện vang vang, chị A lại hơi rùng mình một thoáng.

Mạch Nha 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI