'Một cõng… sáu' - nếu mức sinh quá thấp

23/10/2017 - 10:47

PNO - Hiện nay hai người nuôi một người nhưng trong tương lai, không khéo một người phải nuôi hai người, bốn người.

Hiện nay, khu vực trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên… có mức sinh cao; còn ở Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp.

TP.HCM mức sinh đang xuống thấp, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có khoảng 1,45 con, trong khi người ta tính toán để có được một thế hệ thay mình làm chức năng sinh sản thì mức sinh trung bình của người phụ nữ khoảng 2,1 con.

'Mot  cong… sau' - neu muc sinh qua thap
Hiện tại hai người chỉ nuôi một người, nhưng trong tương lai một người phải nuôi hai người, bốn người. Ảnh minh họa

Ở các nước phát triển, khi chất lượng đời sống cao lên thì mức sinh tự nhiên lại sụt giảm. Ở ta, không riêng TP.HCM mà tất cả các đô thị, mức sinh đều xuống thấp. 

Tại sao các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khó khăn lại đẻ nhiều? Ở những vùng kinh tế kém phát triển, sinh ra một đứa con mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình. Đứa nhỏ có thể chăn trâu cắt cỏ, làm đồng, mò cua bắt ốc nuôi sống mình.

Lớn lên con là nguồn bảo hiểm của cha mẹ già, có nguồn phụng dưỡng, chăm sóc. Còn khi kinh tế phát triển, như ở TP.HCM, giả sử có quy định sinh ba con, tôi nghĩ sẽ ít người đồng tình. Sinh con, nuôi con không mang lại lợi ích kinh tế mà còn hao tốn của cải: tiền chăm sóc, nuôi dưỡng, ăn học… Nhiều người chỉ sinh một đứa thôi. 

Lẽ khác, trong xã hội phát triển, phụ nữ làm chủ cuộc sống, không phụ thuộc người chồng, họ quyết định việc lấy chồng và có con, tiếp cận các phương tiện tránh thai, kế hoạch hóa gia đình hiệu quả. Nguyên nhân nữa là vô sinh hiện nay rất nhiều. Các trẻ em gái quan hệ tình dục rất sớm, phá thai không an toàn, sử dụng các biện pháp tránh thai không an toàn dẫn đến có con khó khăn hơn.

Nữ độc thân hiện nay cũng rất nhiều. Lấy ông chồng tử tế không dễ, lấy chồng cho có không cần thiết, nên nhiều cô chọn cách “kiếm một đứa con”. Chúng ta tôn trọng quyền này của người phụ nữ. Thường những người mẹ đơn thân chỉ sinh một con, hiếm trường hợp sinh đủ hai con.

Mức sinh xuống thấp tác động gì đến sự phát triển xã hội? Nếu mức sinh thấp thì không có nguồn nhân lực đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Nước ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, độ tuổi lao động rất cao. Nhưng chục năm sau thì lớp này chuyển sang lớp người già. Tháp dân số có hình chóp ngược.

Hiện nay hai người nuôi một người nhưng trong tương lai, không khéo một người phải nuôi hai người, bốn người. Nếu tỷ lệ sinh thấp, một người trẻ sẽ phải cõng trên vai sáu người: bố mẹ, ông bà nội ngoại.

Tốc độ già hóa dân số bị đẩy nhanh. Mức sinh thấp cũng tác động đến tỷ số giới tính khi sinh. Nếu sinh một con thì một số người ưu tiên đứa bé ra đời là con trai “cho chắc ăn”, dễ phát sinh lựa chọn giới tính thai nhi. 

Mẫu số của dân số tác động đến xã hội rất lớn. Nếu TP.HCM là một quốc gia khác thì phải khuyến sinh, treo thưởng phụ nữ sinh hai con, ba con. Nhưng TP.HCM là một thành phố trong quốc gia Việt Nam, nếu khuyến sinh sẽ hút một lượng người di chuyển vào thành phố, tạo nhiều áp lực. Và về công bằng xã hội, không thể có hai chính sách khác nhau. 

Giải pháp cơ bản là phải truyền thông giáo dục ý thức trách nhiệm của người dân trong việc sinh hai con để đáp ứng nguồn nhân lực. Vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng các phương tiện kế hoạch hóa gia đình an toàn, hiệu quả cần được quan tâm, tránh cho người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, phá thai, dẫn đến vô sinh. Việc đầu tư giúp các ông chồng bà vợ chữa hiếm muộn là rất cần thiết, nhân văn, góp phần tích cực để xã hội phát triển. 

Gia đình, xã hội động viên, hỗ trợ để mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con! 

Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc - Phó tổng cục trưởng 
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Hoài Nhân ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI