Kẻ sát nhân Huỳnh Đông Hòa
BỊ ĐÁNH VÌ TỘI… HAM ĐI LÀM?
Chị Phụng sinh trưởng trong gia đình người Việt gốc Hoa có tám người con ở P.5, Q.11, TP.HCM. Năm 1997, qua mai mối chị lập gia đình với Hòa. Chị Ninh Lệ Hoa, em gái út của chị Phụng kể: “Lúc đó gia đình ngăn cản nhiều lắm, nhưng chị Phụng vẫn nhất định lấy chồng Đài Loan. Chị bảo chị biết tiếng Hoa thì sợ gì. Từ ngày chị sang xứ người, gần như chưa một ngày được yên. Năm đầu tiên chị có thai đã bị Hòa hành hạ khi thấy chị ra vào, tiếp xúc với mọi người. Có lần chị gọi điện thoại cho tôi nói: “Chị lấy phải thằng chồng ngày nào cũng nhậu rồi em ơi!”. Đó là lời than thở duy nhất của chị với gia đình. Từ đó, mỗi lần gây gổ, chửi mắng hay đánh chị tôi xong, Hòa đều gọi về Việt Nam để… chửi tôi tiếp, vì tôi rành tiếng Hoa”.
Chị Phụng có hai con gái, 12 và 14 tuổi. Tuy lấy chồng đã 16 năm, nhưng chị Phụng chỉ về nước được năm lần, trong đó là hai lần để thọ tang cha và mẹ. Chồng Phụng làm nghề mộc, việc bữa có, bữa không. Anh ta lại mê nhậu nhẹt. Từ lúc có con, Phụng xin chồng đi làm. Nhưng anh ta tìm cách ngăn cản và luôn đánh đập Phụng vì chị ham đi làm. Những ngày cuối cùng chị Phụng còn sống trên đất Đài Loan, Hòa đã nhiều lần điện thoại cho chị Hoa để cằn nhằn, cự nự chuyện chị Phụng đi làm. Đã bốn lần chị Phụng phải thay đổi chỗ làm. Chị Hoa kể: “Nhiều lần chúng tôi khuyên chị hãy nghỉ việc đi, nhưng chị nói mình không có một đồng tiêu xài, vì anh Hòa lo tiền ăn, tiền học cho con còn chưa đủ. Chị tôi đi làm ở xưởng giày dép gần nhà. Buổi sáng chị vẫn đưa con đi học, chiều tranh thủ nghỉ một tiếng để rước con về, lo cơm nước. Dịp gần Tết, tăng ca nhiều, nên chị tôi phải về nhà sau 20g nên anh Hòa không đồng ý. Hai người cãi nhau suốt”.
Ba mẹ con chị Phụng ở biển Nha Trang
ĐÃ CẦU CỨU VẪN MẤT MẠNG!
Ngày 25/2, sau một trận cãi nhau với vợ, Hòa đã gọi về Việt Nam gặp người anh vợ để dọa: “Con Phụng không nghe lời, tao sẽ giết nó!”. Gia đình lo lắng, liên lạc với chị Phụng, nhưng Hòa đã đập hết điện thoại nên không thể báo tin cho Phụng đề phòng. Để rồi chiều ngày 1/3, án mạng đã xảy ra.
Theo điều tra của cảnh sát khu Văn Sơn,
TP. Đài Bắc, vào lúc 10g sáng ngày 1/3 (giờ địa phương), sau khi uống rượu say, Hòa chạy đến xưởng giày nơi chị Phụng làm việc quát tháo. Chủ xưởng đã báo cảnh sát đến đuổi Hòa đi. Sau đó, chị Phụng đành xin nghỉ làm theo chồng về nhà.
Khoảng 13g40, Hòa lại tiếp tục vừa uống rượu, vừa chửi mắng và đe dọa vợ. Chị Phụng không chịu nổi, đã đến đồn cảnh sát Mộc Tân (thuộc khu Văn Sơn, TP. Đài Bắc) báo cáo việc bị chồng bạo hành. Hòa được triệu tập đến đồn, cảnh sát đã nhắc nhở hành vi của anh ta và cho về. Khoảng một giờ sau, Hòa lại cãi nhau với vợ. Khi thấy chị Phụng đưa giấy bảo hộ của cảnh sát ra, Hòa tức giận vớ lấy con dao bổ cau trên bàn, chém một nhát vào cổ Phụng, gây đứt động mạch cổ. Phụng cố gắng bịt chặt vết thương, chạy ra khỏi nhà kêu cứu, nhưng chạy chưa đến 10m, chị đã ngã xuống tắt thở. Một người hàng xóm nghe tiếng kêu, thấy chị Phụng té ngã nên báo cảnh sát.
Theo bản tin ngày 2/3 của tờ Bình Quả nhật báo, khi cảnh sát đến, Hòa vẫn trơ như gỗ đá, đứng trước cửa nhà, quần áo dính đầy máu. Tờ báo này trích dẫn lời của đại diện phân cục cảnh sát Văn Sơn cho biết, khi chị Phụng đến đây trình báo, cơ quan này đã lập tức kiểm tra và nhận thấy chị không bị thương tích gì trên cơ thể nên chỉ cấp giấy bảo hộ thông thường. Trong khi, lẽ ra, nạn nhân có thể yêu cầu thêm quyền được bảo hộ như lệnh cưỡng chế người chồng không được gây thương tích, không được bạo hành trước mặt con cái, không được mắng chửi, đe dọa… Nhưng vì chị Phụng e ngại, muốn giữ thể diện nên không nhận thêm lệnh bảo hộ này từ cơ quan cảnh sát dù họ đã đề nghị… Tờ báo này cũng khẳng định, lệnh bảo hộ chỉ là một biện pháp phối hợp trong xử lý bạo hành gia đình, đối với kẻ hại người không còn lý trí và nhân tính, đó vẫn chỉ là một tờ giấy.
Hiện trường vụ án mạng - ảnh chụp lại trên tờ Bình Quả nhật báo
Bài báo trên tờ Bình Quả nhật báo của Đài Loan. Trên tấm ảnh bìa, Huỳnh Đông Hòa là người bịt khẩu trang
LÊN ĐƯỜNG “ĐÓN” CHỊ
Suốt bốn ngày qua, gia đình chị Phụng ở Việt Nam rối bời, bởi cho đến chiều ngày 4/3, cơ quan ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có thông tin chính thức về cái chết của chị Phụng, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM không có cơ sở để cấp giấy thông hành cho gia đình sang Đài Loan nhận thi thể người thân. Đã vậy, khi cơ quan này quyết định cấp giấy thông hành, mới hay ra gia đình không có khả năng đóng lệ phí lẫn tiền mua vé máy bay. Với sự tích cực vận động, đến chiều ngày 5/3, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM đã xin được ba chiếc vé máy bay khứ hồi của hãng hàng không Trung Hoa cho gia đình sang nhận thi thể và lo hậu sự cho chị Phụng. Chuyến bay sẽ rời Việt Nam lúc 11g30 hôm nay (6/3).
Gia đình chị Phụng cho hay, do mẹ mất, cha đi tù, ông bà nội đều đã qua đời, không có người giám hộ nên hai con gái của chị Phụng phải ở cơ sở bảo trợ xã hội TP. Đài Bắc suốt mấy ngày vừa qua, tinh thần các cháu rất hoảng loạn.
Trước ngày lên đường, chị Ninh Lệ Hoa đã đến Tòa soạn Báo Phụ Nữ, thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn Sở Ngoại Vụ TP.HCM, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM và các Mạnh Thường Quân đã hỗ trợ gia đình. Chị Hoa ngậm ngùi: “Cái chết của chị tôi là bài học cho sự nhẫn nhịn, cam chịu đầy vô lý của những người phụ nữ bị bạo hành. Chúng tôi sang đó để đón chị về, nhưng đồng thời cũng yêu cầu chính quyền, cảnh sát địa phương làm sáng tỏ vụ việc giúp chị tôi được minh oan, giúp các cháu tôi được đảm bảo điều kiện sống, học hành đến nơi đến chốn”.
Nghi Anh - My Lan
Trước hoàn cảnh thương tâm và khó khăn của gia đình chị Phụng, thông qua Báo Phụ Nữ, một bạn đọc đã hỗ trợ 40 triệu đồng. Gia đình chị Phụng cho biết: “Khoản tiền này, chúng tôi dùng trang trải cho tang lễ, nếu dư ra, gia đình sẽ lập một sổ tiết kiệm để dành cho hai đứa con của chị Phụng”. |