“Tặng người ôn cố để mà tri ân"
“Cổ mỹ từ” trong tập sách mới nhất của tác giả Nguyễn Thùy Dung được hiểu là những từ có sắc thái cổ, được chọn lọc từ các tác phẩm văn chương thời trung đại và người nay ít dùng. Với 58 từ được diễn nghĩa, dẫn thơ xưa cũng như mở rộng ngữ nghĩa bằng Hán tự, Cổ mỹ từ (Du Bút và Nhà xuất bản Thanh Niên) đưa người đọc vào không gian ngôn từ có sắc thái hoài cổ, thi văn tao nhã.
Sách bắt đầu bằng từ “thiên chương”, trích từ Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn: “Nhiếp y bộ tiền đường/ Ngưỡng mục quan thiên chương” (Sửa xiêm y dạo bước tiền đường/ Ngửa trông xem vẻ thiên chương thẫn thờ). Ở đây, “thiên chương” được hiểu là những vì tinh tú, những điều rực rỡ, đẹp đẽ như trăng sao trên trời. Bằng cách lý giải từ thi ca cũng như dẫn nguồn chú giải từ từ điển (Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm…), Nguyễn Thùy Dung đã khiến cho câu chuyện ngôn từ trở nên thu hút, giàu mỹ cảm.
|
Nguyễn Thùy Dung (phải): “Mong có thể mang đến cho bạn đọc chút niềm hân hoan khi cảm thụ những từ ngữ cổ và văn chương trung đại” - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Cổ từ trong tập sách được chia thành 2 phần: cảnh sắc thiên nhiên và cảm xúc con người. Theo dấu ngôn từ, bạn đọc được trở lại cùng thi văn của người xưa: “Tính từ gặp tiết lương thần/ Thiếu một hai mà no chín tuần” (trích Cuối xuân, Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi, trong đó “lương thần” là thời tiết tốt, ngày đẹp trời); hay “Hành giang cổ độ thủy quyên quyên/ Thành hạ khai chu phá hiểu yên” (Bến xưa sông hành xuôi dòng nước/ Dưới thành đò băng giữa màn sương) - trích Hành giang hiểu phiếm của Trịnh Hoài Đức, trong đó “hiểu yên” nghĩa là khói sớm, sương sớm ban mai…
“Khi chọn lọc trong thi văn Việt Nam xưa một số từ để giới thiệu đến bạn đọc, tôi không dám mong làm sống lại một lớp từ cổ kính và ít nhiều khó hiểu nếu không được giải thích, mà chỉ mong có thể mang đến cho quý bạn đọc chút niềm hân hoan khi cảm thụ văn học trung đại cũng như những từ ngữ nhiều sắc thái biểu cảm trong tiếng Việt” - tác giả Nguyễn Thùy Dung chia sẻ. Những dẫn giải của Dung khi trích từ Truyện Kiều: “Đủ điều trung khúc ân cần/ Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng” (trung khúc: những điều khó nói trong lòng), “Đã đành túc trái tiền oan/ Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi” (túc trái: món nợ từ kiếp trước)…; lúc dẫn thơ Khuất Nguyên, Trương Hán Siêu, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Thì Nhậm…
Không chỉ có ngôn từ và thi văn giàu mỹ cảm, tập sách thêm phần thi vị, thanh nhã nhờ có thêm bộ tranh minh họa của họa sĩ Lê Thư và Hotan. Sắc thái cổ trong mỹ từ xưa kết hợp với sự bay bổng, tự do trong những gam màu và trí tưởng tượng của những người trẻ khiến cho Cổ mỹ từ như một tách trà thơm để đọc trong tâm thế “du nhiên” (nhàn nhã, thong dong) và bình an “điềm thụy” (ngủ ngon, ngủ yên).
Tìm hoa thơm tìm cảnh đẹp
Tác giả Nguyễn Thùy Dung (tốt nghiệp Khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM năm 2012) chia sẻ: việc cô khám phá và gắn bó với cổ mỹ từ như một duyên. Cô gọi đó là chuyến “tầm phương” (từ cuối sách, nghĩa là tìm hoa thơm, tìm cảnh đẹp) vào thế giới ngôn từ.
|
Cổ mỹ từ là ấn bản sách đẹp và tao nhã, thi vị - Nguồn ảnh: Du Bút |
“Vào năm nhất đại học, tôi có học tiếng Trung, mục đích học cho vui thôi. Nhưng nhờ vậy tôi đọc được nhiều tác phẩm gốc bằng chữ Hán của các thi nhân, văn nhân xưa, hiểu hơn về nghĩa của từ được dùng trong cổ văn. Năm 2016, tôi bắt đầu đăng những bài chia sẻ ngắn trên Facebook, cố gắng viết sao cho dễ hiểu, bạn đọc nào cũng có thể tiếp cận được” - Nguyễn Thùy Dung nhớ lại. Từ số ít người đọc, dần dần, những bài đăng của Dung thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm, yêu thích. Năm 2019, Từ vay hay dùng - tập sách đầu tiên của cô được xuất bản. Tiếp đó là Chữ xưa còn một chút này (2020), Hôm nay phải mở mang (2021) và giờ là Cổ mỹ từ.
Nguyễn Thùy Dung nhìn nhận, sách về ngôn ngữ hiện nay rất nhiều nhưng phần lớn là sách nghiên cứu học thuật, giáo trình giảng dạy. Khi in sách, cô muốn hướng đến độc giả phổ thông và để cho câu chuyện về ngôn ngữ thêm cảm xúc, giữ chân bạn đọc thì cần phần minh họa thổi hồn cho nội dung. Cổ mỹ từ được hình thành từ sự chăm chút trong lựa chọn từ ngữ của tác giả cũng như sự đầu tư minh họa của Du Bút (đơn vị làm sách với đội ngũ đều là những người trẻ năng động, sáng tạo).
Những bức tranh trong sách vẽ theo nghĩa của từ, ngoài mỹ cảm thị giác còn gợi cảm xúc cho riêng mỗi người đọc. Như với từ “lương thì” (khoảng thời gian tốt đẹp), họa sĩ Lê Thư chọn vẽ lại khoảnh khắc ngồi lật giở quyển album cũ; hay hình ảnh tuổi thơ tươi hồng được minh họa cho từ “thiều hoa” (cảnh sắc mùa xuân, tuổi thanh xuân)… Cổ từ kết hợp với sắc màu hiện đại; cổ văn qua sự trình hiện sáng tạo của người nay. Tất cả cộng hưởng, tạo nên sức dẫn dụ rất riêng cho Cổ mỹ từ.
Hiện tại, ngoài việc viết sách, dịch sách, Nguyễn Thùy Dung phụ trách các khóa học của “Ngày ngày viết chữ” - dự án do cô sáng lập - về tiếng Việt, từ Hán Việt trong tiếng Việt, tiếng Trung… Hành trình với ngôn ngữ và cổ mỹ từ, Dung đã đi được 7 năm - một con đường rất riêng và trao gửi giá trị, ý nghĩa cho cộng đồng.
Lục Diệp