Hai vùng trời cách biệt, khi phương Bắc đang rét căm thì phương Nam vẫn tỏa nắng ấm chan hòa. Ngẫu hứng săn chớp nhoáng được cặp vé khứ hồi rẻ, bạn thân nhắn tin, cuối tuần sẽ có mặt như một chuyến đi tránh rét mướt mùa đông, tìm chút nắng phương Nam. Cuối tuần đó, sau chuyến bay từ Hà Nội, bạn và tôi liền rong ruổi đến Tây… Ninh.
Đâu cần phải đi xa khi Tây Ninh có cả núi rừng, hồ và cả ẩm thực hấp dẫn, mời gọi. Và bởi Tây Ninh chỉ cách TP.HCM khoảng 100km, chúng tôi đã có một hành trình bằng xe máy với cung đường khá thuận lợi.
Về miền "tiểu Đà Lạt"
Điểm đến đầu tiên là núi Bà Đen - “nóc nhà” Đông Nam bộ, với độ cao 986 mét so với mực nước biển. Tọa lạc từ chân núi đến đỉnh là quần thể kiến trúc gồm điện, chùa, miếu, tháp… mang đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.
Quanh năm, đỉnh bình yên này là điểm hành hương tâm linh của nhiều tín đồ, đặc biệt là chùa Linh Sơn Tiên Thạch - nơi có tượng thờ Bà Đen được tôn danh Linh Sơn thánh mẫu.
Đường bộ lên chùa càng lên cao càng dốc, trơn trượt, phải mất cả giờ đồng hồ để chinh phục. Thế nên, đa phần khách hành hương chọn đi cáp treo, chỉ mất khoảng mười phút để lên đến chùa. Ngọn núi Bà Đen ẩn hiện bên dưới những gợn mây bảng lảng càng thêm nét mê hoặc.
Trên đỉnh núi Bà Đen, người lữ khách sẽ được “đền đáp” xứng đáng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà nên thơ trải rộng trước mắt. bạn có thể phóng tầm mắt ngắm về những vùng xanh của núi đồi xen lẫn đồng bằng trù phú. Càng lên cao, không khí càng trong lành, dịu mát, tĩnh lặng.
|
Tòa thánh Tây Ninh - công trình tâm linh với kiến trúc độc đáo |
Đến Tây Ninh, bạn nên ghé thăm thắng cảnh Ma Thiên Lãnh - “dãy núi cao chạm bầu trời” - được cắt nghĩa theo tiếng Hán Việt. Nếu bạn từng đến đỉnh Tây Côn Lĩnh hay Ô Quy Hồ sẽ thấy Ma Thiên Lãnh không sánh bằng, nhưng nơi đây còn là một thung lũng khá hoang sơ, nằm tiếp giáp giữa ba ngọn núi: núi Phụng, núi Heo và núi Bà Đen.
Ma Thiên Lãnh đem đến sự choáng ngợp trước những thảm xanh của đồi núi trập trùng giữa mây ngàn để người chinh phục dừng lại một thoáng mà ngắm nhìn, đắm mình, cảm nhận sự thư thái.
Ghé Ma Thiên Lãnh, bạn đừng quên khám phá quần thể địa danh gồm hang Ông Hổ, Suối Vàng, đặc biệt là khu hồ Mây Núi - vốn là những vết tích nhân tạo từ các cuộc khai thác đá lâu năm mà thành. Nước mưa làm đầy hồ, lắng lại, trong vắt, phản chiếu cảnh mây trời tráng lệ, đẹp đến ngỡ ngàng. Ai đó từng ví Ma Thiên Lãnh tựa như Đà Lạt thu nhỏ, trong lành và xanh đẹp.
|
Tượng Bà Đen trên “nóc nhà” Đông Nam bộ |
“Phiêu” bên hồ Dầu Tiếng
Trên hành trình khám phá Tây Ninh, đừng bỏ qua hồ Dầu Tiếng. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc về lời mời gọi này.
Xuất phát từ trung tâm Tây Ninh, bạn đi theo đường Cách Mạng Tháng Tám, qua tòa thánh Tây Ninh, đến ngã rẽ vào núi Bà Đen. Qua thị trấn Dương Minh Châu thì rẽ phải theo con đường ven bờ hồ là đến. Dầu Tiếng là một trong số những hồ nhân tạo lớn nhất của Việt Nam và cả Đông Nam Á.
Là “của chung” của ba địa phận: huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) song hồ lại chiếm diện tích lớn nhất tại huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Dù là hồ nhân tạo, cảnh quan nơi đây không hề mang cảm giác “nhân tạo”.
Vào lúc hoàng hôn, những vệt nắng xiên, soi bóng dưới làn nước trong xanh, phản chiếu lấp lánh. Đứng trước mặt hồ lộng gió, hít một hơi thật đầy bầu không khí mát lành, xa xa là núi rừng, cảm nhận được giang sơn đất trời hiền hòa.
Quang cảnh xung quanh hồ thoáng đãng và “đậm chất phiêu” với những triền đê nối dài phủ đầy vạt hoa dại. Và rồi ta men theo bờ hồ để tìm ngọn hải đăng nhân tạo - một điểm “check-in” không nên bỏ lỡ.
Sở hữu diện tích mặt nước lên đến 270km2, nên dẫu mùa khô hay mùa nắng, đây vẫn là địa điểm có khí trời mát mẻ. Quanh năm, hồ Dầu Tiếng mang màu xanh biếc. Hồ còn có một số ốc đảo tạo nên những nét chấm phá lạ mắt được người dân địa phương đặt cho những cái tên dân dã như: đảo Trảng, đảo Xỉn, đảo Đồng Bò…
|
Tây Ninh - vựa bánh tráng của cả nước |
Nếu muốn trải nghiệm khám phá đảo, bạn có thể sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng cano (mất khoảng 20 phút để đến đảo). Ngoài ra, người địa phương còn có dịch vụ cho thuê thuyền nhỏ với áo phao để bạn dạo chơi trên hồ và thử tài câu cá.
Ấn tượng nhất vẫn là khoảnh khắc của buổi hoàng hôn và bình minh trên mặt hồ êm ả. Bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thanh bình hiếm hoi của chốn thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ này.
Bạn cũng có thể thuê thuyền sub để tận hưởng cảm giác chèo thuyền trên mặt nước mênh mông. Thuyền sub dễ điều khiển và thích hợp với những ai yêu thích sự mạo hiểm. Giá thuê thuyền sub khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày.
Là một địa điểm du lịch mới nổi nên khu vực xung quanh hồ Dầu Tiếng chưa có nhiều khách sạn, nhà nghỉ. Bạn cần chuẩn bị kỹ tư trang mang theo, cho các hoạt động trải nghiệm thú vị như dựng lều, cắm trại qua đêm; tổ chức tiệc nướng, ăn uống, ca hát. Bạn cũng đừng quên bỏ túi một số nhu yếu phẩm, thuốc men cần thiết, sạc dự phòng...
Trên đường đến hồ Dầu Tiếng, bạn sẽ băng qua những khu rừng cao su ngút mắt, có thể dừng xe và đi dạo dưới những tán cao su xanh bạt ngàn. Nếu đi đúng mùa rừng cao su thay lá (khoảng từ tháng 11 đến tháng Ba), cảnh sắc đẹp như trong những thước phim lãng mạn.
|
Cắm trại bên hồ Dầu Tiếng - trải nghiệm thú vị của giới trẻ |
Cách hồ Dầu Tiếng không xa là ngọn núi Cậu, nơi có ngôi chùa Thái Sơn và rừng trúc mọc dày trên những triền đá. Đến đây, men theo con đường mòn rợp bóng, qua thêm hàng trăm bậc đá là tới đỉnh núi Cậu, nơi thu trọn vẹn hồ Dầu Tiếng trong tầm mắt. Nhìn từ trên cao, toàn cảnh hồ Dầu Tiếng đẹp như một bức tranh thủy mặc, xa xa có ngọn núi Bà Đen vươn cao.
Bất cứ khoảng thời gian nào trong năm cũng là thời điểm đẹp để đến với Tây Ninh.
Thời điểm Tây Ninh sôi động hơn cả để du khách khám phá trọn vẹn là dịp rằm tháng Giêng và Trung thu, với lễ hội xuân núi Bà, lễ hội Đức Chí Tôn, lễ hội yến Diêu Trì…
|
Nếu bạn đến đây vào mùa mưa, gần dưới chân núi Cậu sẽ xuất hiện dòng suối Trúc trong veo chảy tràn qua những ghềnh đá. Bạn có thể thỏa thích đắm mình trong làn nước mát để tắm và bắt cá. Đây chắc chắn là một trong những trải nghiệm thú vị khi tham quan hồ Dầu Tiếng.
Gần đây, hồ Dầu Tiếng đã trở thành điểm đầy lý tưởng cho các cặp đôi, nhóm bạn hoặc gia đình đến cắm trại dã ngoại, tận hưởng những khoảnh khắc thảnh thơi, gắn kết bên nhau. Ngày nào đó, khi cảm thấy mỏi mệt, chán nản với cuộc sống đô thị đầy xô bồ, ồn ã, bạn và những người thân yêu hãy thử đến đây để tìm lại bình yên.
|
Thanh cảnh chốn Ma Thiên Lãnh |
"Lạc lối" giữa xứ sở bánh tráng, muối tôm
Muối tôm là một đặc sản nổi tiếng dẫu Tây Ninh khắc nghiệt, khô cằn, không có biển, thiếu hụt cả hai thành phần chính - muối lẫn tôm - để làm nên đặc sản nức tiếng này. Muối tôm Tây Ninh được chế biến theo công thức riêng, cho ra những hạt muối đậm tươi như màu gạch, cay thơm, sau nhiều giờ phơi dưới cái nắng gay gắt của miền Đông Nam bộ. Trong món muối đó còn chứa đựng bí quyết gia truyền, niềm tự hào của người Tây Ninh, được truyền đến mọi nẻo miền.
Tây Ninh còn được ví như vựa bánh tráng khổng lồ, nơi cung cấp thứ quà vặt khoái khẩu cho cả nước. Chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng khi được nghe phổ cập về “bộ từ điển” bánh tráng Tây Ninh, với hàng chục loại biến thể khác nhau. Như bánh tráng cuốn tôm mực/cuốn bơ/cuốn ruốc; bánh tráng trộn tỏi/trộn sa tế/trộn cay ngọt; bánh tráng chấm sa tế tắc/chấm me/chấm muối tôm; bánh tráng sương ướp muối tôm; bánh tráng đỏ; bánh tráng ép chuối... Tùy theo khẩu vị, khách có thể chọn những phần bánh tráng trứ danh làm món quà vặt thú vị, tiện đem theo mọi lúc mọi nơi để nhấm nháp cho vui miệng.
Đâu quá khó để “đổi gió” với một chuyến khám phá Tây Ninh - nơi ta hòa mình giữa núi rừng xanh thẳm, phiêu trước mặt hồ mát lộng hay nhờ muối tôm, bánh tráng đánh thức vị giác…
Đâu cần đi thật xa, trong khi Tây Ninh thật gần Sài Gòn của bạn và tôi.
Đặc sản Tây Ninh còn hấp dẫn với:
- Nem bưởi: dễ ăn, vị chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt, cay cay đặc trưng khó lẫn. Vỏ bưởi đã bỏ đi vị đắng thuần, được bào tỉ mỉ, đem phơi khô, kết hợp với nhiều phụ liệu như khế chua, ớt hiểm, tiêu, lá vông nem, chùm ruột, nêm nếm gia vị… gói ghém trong lá chuối dân dã.
- Bánh xèo Lò Gò - Xa Mát: khác biệt bởi bột làm bằng gạo từ giống lúa xưa của người Khmer. Nhân bánh là hỗn hợp nguyên liệu “organic” từ măng rừng, gà rừng; ăn kèm các loại rau rừng.
- Ốc xu núi Bà Đen: không những ngon vì thịt dai mà còn có tác dụng chữa nhức mỏi, được xem như vị thuốc có giá trị dinh dưỡng cao; được chế biến theo nhiều kiểu: nướng, hấp sả, xào me, xào tỏi…
|
Bài, ảnh: Trần Duy Thành