Một chuyến đi của Sùng A Bình

07/02/2021 - 07:25

PNO - Sùng A Bình (31 tuổi) là nhà thiết kế thời trang người Mông đang làm việc tại TP.HCM. Anh sáng lập và điều hành Hmong Tagkis, một thương hiệu thời trang dựa trên chất liệu thổ cẩm, hoa văn dân tộc Mông.

Ít ai ngờ rằng hành trình đến với thời trang của Bình bắt đầu bằng một lần bỏ nhà đi bụi. Trên con đường ấy, Bình đã đối mặt với những thách thức như đói nghèo, rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, và cả những định kiến của người thành thị.

Tháng Mười một, trời Tuần Giáo, Điện Biên đã chuyển lạnh, những nương lúa đã được gặt xong còn trơ gốc rạ. Sùng A Bình ngoảnh mặt nhìn lần cuối thung lũng nơi có mái nhà cùng gia đình. Sớm mai, sương còn chưa kịp tan trên nhành lá bên đường. Bố mẹ anh chị đang còn say ngủ, chưa phát hiện ra sự biến mất của Bình. Đi. Phải đi thôi. Lòng Bình thúc giục. Cậu kéo áo ấm xuống, chiếc áo mẹ mua cho từ lúc còn bé nay đã ngắn cũn trên người.

Với Sùng A Bình, ý thức tộc người nằm trong tâm thức mỗi người - ảnh: Bảo Uyên
Với Sùng A Bình, ý thức tộc người nằm trong tâm thức mỗi người - ảnh: Bảo Uyên

Bình không muốn ở quê nghèo nữa. Bình không muốn đi học. Cậu muốn xuống thành phố kiếm việc gửi tiền về cho bố mẹ. Cậu muốn đến nơi mà thầy giáo vẫn thường tả rằng lấp lánh, vui vẻ và giàu đẹp. Cắp chiếc túi đựng vài bộ quần áo cùng cây sáo trúc, vài trăm ngàn đồng tích góp được nhờ bán cá và mót ngô, Bình băng núi đến đường lớn bắt xe xuống Hà Nội. Năm ấy, cậu mới học xong học kỳ I lớp Chín khi gần 15 tuổi.

“Bác cho tới chỗ đông người nhất Hà Nội" - Bình nói tiếng Việt mang âm sắc tiếng Mông với người lái xe ôm ở bến xe Mỹ Đình. Cậu không biết địa danh nào ở thành phố này, cũng không quen ai để nhớ, chỉ đoán rằng nơi đông người là nơi có nhiều việc làm, và hẳn là nơi đẹp nhất.

Xe ôm thả Bình ở Hồ Gươm. Cậu trai người Mông bắt đầu chuỗi ngày đi bụi của mình. Trẻ lang thang, trẻ đánh giày không hiếm ở bờ hồ, Hà Nội những năm 2000 trong trí nhớ của Bình. Không ai để ý đến bộ dạng lem luốc, ngơ ngác của mình, Bình ngỡ như sẽ dễ hòa nhập vào đời sống hè phố.

Nhưng sau hai ngày, số tiền mang theo hết nhẵn. Lòng tự trọng của người Mông không cho phép cậu ngửa tay xin tiền hay móc túi như cách bọn bạn mới quen bày cho. Bình xin rửa bát ở những quán ăn nhưng không phải ngày nào cũng được thuê. Đêm đông rét căm căm, Bình co ro trên băng ghế đá bên hồ, cơn đói làm cái bụng sôi ục ục. Cậu thấy, Hà Nội không đẹp nhiều như thầy giáo kể. Cậu muốn đến một thành phố khác.

Hai tuần sau, bọn trẻ rủ cậu đến nơi khác làm ăn. Sáu đứa trẻ cùng lên chuyến xe Nam tiến và rồi rớt dần trên đường đi. “Đứa xuống Vinh. Đứa dừng lại ở Đà Nẵng. Đứa ở Huế…” - Bình nhớ lại. 

Chỉ còn cậu đến bến cuối. Bình “muốn đến thành phố Hồ Chí Minh”. Thành phố mang tên Bác có hình in trong sách giáo khoa cấp I. Tận năm lớp Bảy, Bình mới đọc hiểu được tiếng phổ thông, mới nhớ đầy đủ mặt chữ, nhưng hình ảnh thành phố đông xe sầm uất đã khắc sâu trong tâm trí cậu từ ngày nhỏ.

Xe dừng ở bến xe Miền Đông. Hốt hoảng khi nghe thông báo “đã tới Sài Gòn”, cậu hỏi tài xế: “Thành phố Hồ Chí Minh ở đâu? Cháu muốn đến đó, chứ không phải Sài Gòn!”. Ông tài xế cười nắc nẻ bảo: “Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh, tới rồi, xuống xe”. Bình nhớ mãi ngày hôm ấy. Đứng giữa ngã tư, dòng người ngược xuôi, lần đầu trong đời cậu thấy nhiều xe như thế. Cậu chọn đi về hướng người ta rẽ vào nhiều nhất - ngã tư Hàng Xanh, cái tên mà mãi sau này cậu mới biết - để bắt đầu một chặng đường mới.

Những ngày đầu ở Sài Gòn, Bình phụ khiêng nước đá. Sau, cậu đi loanh quanh chợ Văn Thánh ai thuê gì làm nấy. Đêm cậu trú trong ống cống công trình gần cầu. Thời tiết Sài Gòn không giá rét như Hà Nội, nhưng cậu thiếu niên sắp sửa 15 tuổi lúc này đây lại đối mặt với những thách thức mới. 

“Tiếng phổ thông giọng Bắc mình chỉ nghe hiểu chút chút, đến khi nghe giọng Nam thì mình càng không hiểu” - Bình cười nhớ lại chuyện hơn 15 năm trước. 

Việc hiểu lầm ngôn ngữ đã khiến cậu rơi vào những tình huống oái ăm. “Đi giật đồ không?” - những đứa trẻ bụi đời ở Văn Thánh hỏi. Bình gật đầu, nghĩ “giật đồ” giống như một việc làm thuê, cho đến khi tận mắt nhìn thấy bạn “giật đồ”. Đám trẻ lại rủ Bình đi “ăn quỵt”. Cả bọn ngồi ngay ngắn ở quán cơm, ăn gần hết thì co giò bỏ chạy. Thấy bạn đùng đùng chạy, Bình cũng chạy theo như một phản xạ, chạy một đoạn thì mới hiểu ra “ăn quỵt” là gì. “Đó là những việc làm tối kỵ của người Mông” - Bình nói lý do tách khỏi đám bạn vừa quen ở Sài Gòn.

Không có người bảo kê, cậu bị đám bụi đời khác bắt nạt, không cho lai vãng ở Văn Thánh. Sợ bị đánh, ban đêm, cậu ngủ trên cây như “con gà gật gù trên cành”. Có lần trót ngủ say, cậu rơi xuống đất. Đau quá, Bình lại mò đến ống cống cong lưng nằm. Những cơn đói cồn cào nhiều lần giục Bình lên cầu xin ăn. Cậu hình dung mình đứng bên thành cầu, cúi mặt, xòe bàn tay ra trước dòng xe cộ. Không có người dân bản ở đó. Sẽ chẳng có người Mông nào biết được có một người Mông khác đang đi xin tiền ở Sài Gòn. 

“Nhưng lòng tự trọng của người Mông một lần nữa níu mình lại” - Bình kể. Cậu thức chờ sáng ra đến chợ xin rửa bát đổi lấy cơm. Đến giờ, Bình không nhớ đã chịu đói bao nhiêu lần giữa Sài Gòn. Năm ấy Bình 16 tuổi. Cậu hiểu ra “rằng thành phố không chỉ có đèn màu lấp lánh, mà còn có cả những khổ cực, cay đắng, có những góc tối thui như chỗ ngủ của mình". Bình nhớ nhà, nhớ bản, nhớ núi.

Trong ống cống dưới chân cầu, cậu lấy sáo thổi một điệu nhạc của dân tộc mình. Nhưng về nhà thì làm sao kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ? Một năm sau ngày bỏ nhà đi, giữa Sài Gòn, cậu viết lá thư gửi về Điện Biên, rằng, bố mẹ an tâm, cuộc sống ở thành phố thật dễ dàng, công việc thật tốt, cơm ăn no, tối ngủ thật say. Lá thư được gửi đi giữa lúc bụng cồn cào, rát ruột, đã mấy ngày rồi cậu chưa được ăn gì. 

Những cơn đói, những lời đe dọa của giang hồ hè phố đeo bám cậu thanh niên Mông suốt những tháng ngày đầu tiên trên đất Sài Gòn. “Ngày mai" là tương lai xa nhất cậu có thể nghĩ đến. Cậu không biết làm gì tiếp theo ngoài “ngày quẩn quanh ở chợ, trên vỉa hè, tối chui vào ống cống”. Cả lý do bỏ núi xuống phố của mình, cậu cũng dường như quên mất, cho đến ngày bị bắt trong một chiến dịch truy quét trẻ lang thang của thành phố. Bình bị đưa về một trung tâm tập trung những người cơ nhỡ, không có giấy tờ. 

Tại nơi ở mới, cậu được chào đón bằng một cái đạp như trời giáng vào ngực của một đàn anh trong phòng. Cú đạp hôm ấy cùng những lần ức hiếp về sau khiến Bình nhận ra, muốn tồn tại ở nơi này, cần phải có ai đó sợ mình. “Bốp", cậu tát vào mặt người đến sau mình, dù anh ta chẳng làm gì.

“Nếu không đánh họ trước, họ sẽ đánh mình", cậu thiếu niên hiền lành khi ấy thầm nghĩ. Bây giờ nhớ lại, Bình thấy thật may vì đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng cậu làm đau một người, không một chút áy náy, mảy may thương xót. Không lâu sau đấy, cậu được chuyển đến Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM. Một chặng đường mới của Sùng A Bình bắt đầu.

ảnh: nhân vật cung cấp
ảnh: nhân vật cung cấp

 

Khúc quanh mới dù trong tình cảnh bị ép buộc nhưng lại mang đến cho Bình nhiều niềm may, lòng tốt và sự tử tế từ những người lạ. Bình đi học trở lại. Những buổi học nghề ban ngày ở trung tâm giúp Bình nhận ra khả năng và niềm say mê vẽ, thiết kế thời trang của mình. Lớp bổ túc ban tối giúp cậu tiếp tục chương trình phổ thông còn dang dở. Đó là khoảng thời gian vui vẻ hiếm hoi mà cậu đi qua từ lúc rời nhà. Bình tìm thấy lối thoát cho mình giữa tương lai mù mịt.

“Học là cách duy nhất để sống sót và thoát nghèo”, cậu xác định con đường mình đi trong những năm tháng kế tiếp. Sự ham học và khả năng vẽ của Bình đã thuyết phục được thầy cô ở Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM. 18 tuổi, thời điểm mà Bình phải rời trung tâm, tự bước tiếp cuộc sống bên ngoài, để cậu không bị gián đoạn việc học thêm lần nữa, một cô giáo ở trung tâm đã kết nối Bình với xưởng vẽ áo dài. Tại đây, Bình vừa có thu nhập để tự trang trải, vừa có cơ hội mài dũa tay nghề. 21 tuổi, cậu hoàn thành chương trình phổ thông và thi đỗ vào đại học Văn hóa TP.HCM. 

Buổi sáng ngày nhập học, Bình cưỡi chiếc cub tích góp từ tiền công vẽ áo dài đến trường. Chiếc xe bỗng phanh lại khi đến cầu Sài Gòn. Bình nhận ra đây chính là cây cầu cậu vẫn nhìn thấy mỗi đêm, thời còn nằm trong ống cống, cây cầu mà trong trí tưởng tượng cậu từng chôn xuống lòng tự tôn, ngửa tay xin tiền những lúc bị cơn đói hành hạ. Bình chỉ biết tên cây cầu bốn năm sau đó.

"Ở tuổi 20, mình đã từng không tự tin khi định danh mình là người Mông. Mình loay hoay với những câu hỏi: “Như thế nào là một cá tính Mông? một cá tính Thái? Những đặc điểm ấy thì khác gì với một người Kinh, người của dân tộc khác?” khi bước vào tuổi trưởng thành. Đến bây giờ, sau một hành trình dài, mình nhận ra, ý thức tộc người dựa trên trang phục, ngôn ngữ dường như vẫn chưa đủ. Nó phải nằm trong tâm thức của mỗi người."

Sùng A Bình 

Cậu bé người Mông ngày rời núi đã không ngờ rằng mình sẽ đi xa xuống phía Nam, đến tận Sài Gòn. Cậu bé bụi đời trên hè phố ngày nào càng không hình dung được bảy năm sau sẽ bước chân vào giảng đường. Là hiện thực, không phải giấc mơ. Chiếc xe tiếp tục đến trường, chủ nhân của nó đang ấp ủ một giấc mơ khác. 

Trong căn phòng trọ 12 mét vuông, tường gạch bong tróc nham nhở, Bình đặt áo dài của khách lên chiếc giường phẳng, nơi được sắp xếp vừa làm chỗ ngủ vừa làm bàn vẽ. Anh cầm bút tỉ mỉ đi từng nét cánh hoa, chiếc lá trên đuôi tà áo. Tháng đó, xưởng vẽ nơi Bình làm việc ít khách, Bình ăn mì gói một tuần liền. Sát ngày thi, túi còn vỏn vẹn 10.000 đồng, cậu đứng trước các lựa chọn: mua bánh mì ăn rồi đi bộ đến trường thi; đổ xăng chạy xe đến trường, nhịn đói thi; đổ xăng, bỏ thi, đến xưởng vay tiền anh chủ. Cuối cùng, Bình chọn bỏ thi, dùng tờ tiền cuối cùng mua bánh mì ăn và đi bộ đến xưởng. 

“Mấy ngày liền ăn không đủ no, nên có đến trường thì làm bài thi cũng không tốt” - Bình giải thích về lựa chọn thời sinh viên của mình. Bốn năm đại học, nhiều lần cậu phải đắn đo, tính toán như vậy. Bình muốn mở một xưởng vẽ trang trí áo dài sau khi tốt nghiệp. Nhưng đó là tương lai xa. Trước mắt, cậu cần công việc này để trang trải học phí, tiền sinh hoạt và thuê nhà mỗi tháng. 

Gần hai năm sau ngày ra trường, Bình thực hiện được ước mơ thời sinh viên - làm chủ một tiệm thiết kế - trang trí áo dài. Lúc đầu, một số khách hàng e ngại khi biết anh là người Mông, họ cho rằng “người Mông xưa nay có biết gì nhiều về thời trang đâu". Nhưng những sản phẩm do Bình làm ra đã đánh gục tất cả những định kiến ấy. Ngày càng nhiều tiệm may, nhà thiết kế áo dài ở Sài Gòn tìm đến xưởng vẽ của Bình. 

Tuy nhiên, Bình còn muốn nhiều hơn thế. Anh muốn được thử nghiệm hoa văn của người Mông lên áo dài của người Kinh. Hơn hết, anh muốn đưa văn hóa của dân tộc mình vào ngành thời trang. Trong lần trở về quê, anh nhận ra, phụ nữ ở bản anh nay mặc những chiếc váy áo may sẵn nhập từ Trung Quốc. Anh không còn thấy những cô gái Mông ngồi tụm lại bên gốc mận, tay cầm kim vải thoăn thoắt thêu, miệng ríu rít cười đùa. 

“Nhiều người nghĩ, phụ nữ Mông ai cũng khéo tay, ai cũng có thể tự dệt thêu váy áo, nhưng không phải vậy. Giống như thế hệ trẻ người Kinh, thanh niên Mông cũng có ước muốn làm công việc phù hợp với bản thân: giáo viên, bác sĩ, công an, cán bộ, ca sĩ… chứ không chỉ là làm nông, các nghề thêu dệt” - Bình nói. Anh lo ngại các tri thức nghề truyền thống của dân tộc sẽ dần mai một. 

Sùng A Bình bắt đầu quan tâm đến họa tiết, hoa văn, thổ cẩm của người Mông. Anh lặn lội tìm nguồn nguyên liệu khắp các gia đình làm thổ cẩm ở vùng núi phía Bắc, tìm những bạn trẻ người Mông đang làm việc ở TP.HCM biết về nghề để cùng hợp tác sản xuất. Anh học chữ viết Mông để có thể kết nối với cộng đồng người Mông khắp nơi trên thế giới. 

“Mình muốn người Mông được mặc những trang phục do chính người Mông làm ra. Bởi chính những người trong cộng đồng sẽ hiểu về chất liệu và văn hóa của họ hơn ai hết” - Bình chia sẻ. 

Một ngày cuối năm 2020, trong căn nhà bề bộn mẫu thiết kế, xập xình tiếng máy may, Sùng A Bình tỉ mỉ đưa bút vẽ hình xoắn ốc, một hoa văn của người Mông trên tay áo vải lanh đen. Chiếc áo sẽ mang thương hiệu Hmong Tagkis, một thương hiệu thời trang dựa trên chất liệu vải, hoa văn dân tộc Mông do Bình sáng lập. Anh sẽ gửi nó sang cho một khách hàng người Mông ở Mỹ. 

Năm 2018, dự án Hmong Tagkis đã giành chiến thắng trong cuộc thi Tìm kiếm “Ý tưởng chuỗi giá trị” nhằm hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam do Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tổ chức. Với số vốn được ban tổ chức hỗ trợ, Sùng A Bình tạo ra nhiều sản phẩm thời trang: găng tay, váy, áo, quần, áo khoác, áo cưới… Hmong Tagkis không chỉ có mặt ở thị trường trong nước, mà còn đến được với cả cộng đồng người Mông ở các nước Mỹ, Thái Lan. Dự án còn tổ chức lớp dạy may miễn phí cho phụ nữ Mông di cư đến Sài Gòn. 

“Tagkis” trong tiếng Mông mang nghĩa “ngày mai”, tìm kiếm tương lai. Với Bình, Hmong Tagkis còn là một sự trở về sau chuyến phiêu lưu dài xuống phố. 

Bảo Uyên

 


 


 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI