Một chương trình, hai bằng cấp

07/06/2017 - 10:00

PNO - Chương trình “Dạy và học các môn toán, khoa học, tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”, học sinh vừa sở hữu bằng tốt nghiệp của Bộ GD- ĐT, vừa đạt chứng chỉ quốc tế.

Mở rộng cánh cửa tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến ở những bậc học cao hơn.

Ưu thế bằng đôi

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT, chương trình được biên soạn tích hợp hai chương trình quốc gia Anh với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ ở ba môn tiếng Anh, toán, khoa học. Sự kết hợp này hướng đến mục đích hoàn thiện kiến thức cho học sinh ở mọi phương diện. Bởi một bên mạnh về lý thuyết, chuyên sâu và một bên tập trung vào tính ứng dụng, thực hành. Người học không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu lý thuyết mà còn biết cách ứng dụng kiến thức về toán và khoa học vào thực tế, song song với sự tiến bộ về ngôn ngữ Anh.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có 89 trường từ tiểu học đến THPT được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện chương trình này. Trong suốt quá trình thực hiện, Sở GD-ĐT thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc kiểm tra đánh giá phù hợp với quy định của Bộ để đảm bảo học sinh được thụ hưởng đầy đủ chương trình tiên tiến của Anh song song với chương trình của Bộ GD-ĐT.

Với lộ trình này, cuối mỗi cấp học, học sinh được kiểm tra, đánh giá xếp loại để được cấp bằng tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, người học có thể thi lấy chứng chỉ quốc tế có giá trị toàn cầu do Hội đồng khảo thí Edexcel chấm và cấp chứng chỉ. Đây là hội đồng khảo thí và cấp bằng lớn nhất của Anh quốc, trực thuộc Tập đoàn giáo dục quốc tế Pearson. Theo ông Lê Hồng Sơn, GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm học 2017-2018, học sinh có thể lựa chọn đánh giá theo chuẩn quốc tế của tổ chức ACT- Mỹ (kỳ thi chuẩn hóa tuyển sinh được các trường ĐH tại Mỹ và nhiều nước công nhận). Ngoài ra, học sinh THPT có thể lựa chọn thêm hình thức kiểm tra tiếng Anh theo các chuẩn quốc tế thông dụng như IELTS, TOEFL, TOEIC... chuẩn bị cho những bậc học cao hơn.

Thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (trường phổ thông đầu tiên áp dụng chương trình này ở cả hai cấp học THCS-THPT) chia sẻ: "Phụ huynh khi cho con theo học chương trình này đã có một định hướng rất xa cho tương lai của con mình. Giám sát quy trình giảng dạy, tôi có đủ niềm tin rằng các em đủ năng lực về tiếng Anh, kiến thức và cả kỹ năng để có thể học tốt bậc học cao hơn cả trong nước lẫn quốc tế. Chứng chỉ khảo thí của Tập đoàn Pearson được hơn 150 quốc gia trên thế giới công nhận, đây là hành trang đầy thuyết phục để các em đi du học hoặc đủ điều kiện học tốt các trường ĐH quốc tế tại Việt Nam như ĐH Fulbright, ĐH RMIT, ĐH Việt Đức"

Giá trị lớn hơn bằng cấp

Với các nhà quản lý giáo dục, sở hữu bằng đôi có thể xem là ưu điểm vượt trội mà hiếm có chương trình giáo dục phổ thông chính quy nào có được. Nhưng, giá trị mà chương trình tích hợp mang lại không chỉ là bằng cấp, thành quả cao nhất nằm ở sự tiến bộ của học trò. Cô Lê Thị Hoàng Oanh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) chứng kiến học sinh lớp 1 thích thú với lớp học này, cho biết: “Các em có nhiều sự thay đổi. Giao tiếp phát âm tiếng Anh chuẩn hơn, còn mạnh dạn tự tin trao đổi với thầy cô nước ngoài và bạn bè. Đối với các hoạt động nhóm, các em biết chia sẻ, biết trao đổi và tôn trọng ý kiến của bạn. Chưa hết một năm thực hiện mà học sinh tiến bộ rất nhiều dù thầy cô nước ngoài dạy rất nhẹ nhàng”.

Mot chuong trinh, hai bang cap
Học sinh trường Tiểu học Tân Sơn Nhì thích thú với giờ học chương trình tích hợp

Anh Lê Trung Đức, phụ huynh lớp 1/6 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm kể cậu nhóc nhà anh chỉ mới học bảy tháng nhưng có nhiều tiến bộ đáng ngạc nhiên. “Con tự tin và dạn dĩ hơn, nhất là trong giao tiếp với người nước ngoài, chủ động, không còn e dè, ngại ngùng như trước đây. Khi đi du lịch với bố mẹ, bé chủ động bắt chuyện với tài xế taxi, kể việc gia đình thế nào, đường sá ở Việt Nam ra sao. Đến khách sạn cần gì tự điện thoại nhờ tiếp tân. Ban đầu tôi ngạc nhiên, rồi lo lắng nhưng sau đó lại thấy an tâm nếu con có đi du học một mình, mình không lo về tính tự lập và hòa nhập của con với môi trường mới”.

Cũng như anh Trung Đức, nhiều phụ huynh khác có chung nhận định tính ưu việt của chương trình này không chỉ dạy ngôn ngữ mà còn dạy văn hóa và kiến thức thế giới bên ngoài. Khi về nhà, các bé xem chương trình YouTube có thể hiểu những đoạn clip nói về các hiện tượng tự nhiên, văn hóa… chứng tỏ con có kiến thức. Về nhà con hay kể thầy cô nước ngoài tạo các tình huống để các con tự suy nghĩ, đưa ra ý kiến. Chính vì vậy nên các cô cậu nhóc rất thích học chương trình tích hợp, học rất vui, kết quả tốt hơn hẳn, thái độ học tập chủ động và đặc biệt tự tin hơn. “Đây là điều có giá trị nhất, bé không còn nhút nhát mà trở nên có chính kiến riêng và quyết tâm đeo đuổi làm cho bằng được”, anh Trung Đức đúc kết.

Với những gì mà chương trình trang bị được cho học sinh của mình, ban giám hiệu các trường đã tự tin tiến tới định hướng học sinh học tại Việt Nam hoặc du học để tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI