Một cặp đôi già

23/02/2024 - 19:47

PNO - Đây là một mối quan hệ cũ, họ có quãng đời chung, có tình cảm cũ, chứ đâu phải “say nắng” hay dại dột. Hãy để họ được đến với nhau.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Gia đình em đang gặp chuyện rất khó giải quyết. Chuyện bắt đầu từ ba chồng em, năm nay 71 tuổi. Từ khi bà mất cách đây hơn 6 năm, ông sống với vợ chồng em.

Nhà của ông bà cho thuê lấy tiền để ông chi dùng hằng tháng. Cứ nghĩ ông đã có đầy đủ cháu nội, cháu ngoại, bây giờ chỉ là an hưởng niềm vui tuổi già, đánh cờ, tập thể dục, đi thăm bạn bè… vậy mà tự nhiên mọi chuyện lại đột ngột thay đổi.

Ông gặp lại người bạn gái cũ tên P. Ngày xưa, 2 người từng yêu nhau, rồi bà lấy chồng ra nước ngoài sống. Nay chồng mất, các con đã lớn, bà về lại Việt Nam.

Ông bà gặp nhau, ngọn lửa tình yêu lại bùng cháy. Ba chồng em như trẻ lại cả chục tuổi, còn lấy xe máy chở bạn gái đi Cần Giờ chơi từ sáng đến tận khuya mới về, khiến con cháu ở nhà lo lắng.

Góp ý gần xa không được, chồng em phải nói thẳng: ba liệu giữ gìn sức khỏe, lỡ đau ốm hay tai nạn dọc đường lại khổ con cháu. Ba chồng em bảo, đã vậy, ông muốn dọn về nhà mình ở, để sống cuộc sống tự do, không cần làm phiền ai.

Ông cũng nói chuyện tình cảm của ông do ông tự quyết, ngay cả khi ông đưa bà P. về sống cùng hay có kết hôn đi nữa, con cháu cũng phải tôn trọng quyết định ấy. 

Đến lúc này, cả mấy chị em dâu con trong nhà đều phát hoảng, sợ ông cưới bà P. Phục vụ 1 người máu mủ ruột thịt với mình đã khó, nay tự nhiên trong nhà có thêm 1 người già nữa, sao mà tụi em lo nổi.

Bà P. chắc cũng gần bằng tuổi ba chồng em. Họ là một cặp đôi già mà vẫn tưởng mình còn trẻ, vẫn gọi nhau là anh em, tung tăng khắp nơi.

Chồng em bàn: “Hay là mình đến gặp bà P., nói rõ tình trạng sức khỏe của ba - ông bị tiểu đường, huyết áp, tim mạch… chứ đâu khỏe mạnh. Anh nghĩ do bà P. sống lâu ở nước ngoài nên đã quen tự do, không tôn trọng nền nếp truyền thống”.

Hôm rồi ông đưa bà P. về thăm nhà cũ. Dù hợp đồng cho thuê còn 2 năm nữa nhưng ông nói sau tết muốn lấy lại nhà ngay, sửa chữa để ở. Chuyện ngày càng phức tạp, vợ chồng em không biết tính sao.

Khánh Vi (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Khánh Vi thân mến,

Hạnh Dung thấy đây là chuyện vui hơn là chuyện đáng lo, em ạ. Thư em có vẻ căng thẳng, chắc là do em đang để chuyện nhà cửa và chuyện tình cảm của ba chồng dính nhằng vào nhau. Cứ bình tĩnh tách 2 chuyện ra, em sẽ thấy có cách để thu xếp trọn vẹn, để mọi người đều được vui vẻ, hạnh phúc.

Trước hết là chuyện tình cảm của ba chồng em. Ông đang tự do, bạn gái của ông cũng đang tự do, những người phối ngẫu của họ đều đã mất, họ có toàn quyền được đến với nhau, sống cùng nhau.

Mặt khác, đây là một mối quan hệ cũ, họ có quãng đời chung, có tình cảm cũ, chứ đâu phải “say nắng” hay dại dột. Hãy để họ được đến với nhau.

Nghĩ rằng họ “già rồi”, “đau ốm”… là cách nghĩ đầy thành kiến. Các giới hạn tuổi tác đang bị thay đổi nhanh chóng, mở rộng liên tục. Nếu cao tuổi nhưng vẫn có thể tìm được niềm vui, hạnh phúc, tiếng nói chung, ông bà sẽ cải thiện được sức khỏe, tinh thần minh mẫn vui vẻ hơn, gia đình em cũng bớt được gánh nặng chăm sóc. Vợ chồng em nên ủng hộ và mừng cho ông bà.

Thứ hai là chuyện nhà cửa. Nếu ông bà muốn sống riêng, em thử cùng chồng bàn cách tìm thuê cho ông bà căn hộ, dùng chính nguồn tiền ông cho thuê nhà. Hãy phân tích với ông về chuyện hợp đồng còn hạn, bây giờ bày ra việc sửa chữa nhà rất tốn thời gian và công sức.

Nên cùng ông xem thử nếu ông bà sống riêng, chi phí cho cuộc sống đó được tính toán thế nào. Từ đó, gia đình em có thể hiểu thêm về khả năng tài chính của bạn gái ông. Chắc khi quyết định về quê sống ở tuổi này, bà ấy cũng không phải chỉ có 2 bàn tay trắng.

Có thể ba chồng em nêu chuyện kết hôn như một cách thể hiện quyền lực, chưa chắc đó là mục tiêu ông thực sự muốn. Ở tuổi xế chiều, người ta hiểu giới hạn của thời gian và có cách nghĩ sáng suốt hơn.

Miễn là vợ chồng em không ra sức ngăn cản, ông sẽ vui vẻ cùng con cháu tính toán, sắp đặt. Chúc em thu xếp gọn gàng, vui vẻ chuyện nhà. 

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Ân Liêm (Quận Gò Vấp, TPHCM): Giúp ba mẹ tìm được hạnh phúc là cách trả hiếu tốt nhất

Tôi từng chứng kiến trường hợp một người mẹ có người yêu ở tuổi 80. Thế nhưng, vì bị con cái ngăn cấm, bà rơi vào trầm cảm, ít nói, dần dần mắc nhiều bệnh. Suối quãng đời còn lại, bà phải sống trong bệnh viện nên các con của bà rất ân hận.

Bạn muốn ba chồng mình ngày ngày vui vẻ yêu đời hay sa đà vào cờ bạc, nghiện rượu, bệnh nằm một chỗ, trở thành gánh nặng cho con cái?

Không phải bà P. sống lâu ở nước ngoài nên đã quen tự do, không tôn trọng nền nếp truyền thống mà chính do suy nghĩ của vợ chồng bạn cổ hủ, hẹp hòi.

Phải chăng bạn đang sợ gánh nặng, sợ bị ảnh hưởng danh dự, tai tiếng với hàng xóm, sợ tài sản bị chia chác hơn là quan tâm đến cảm xúc của ba chồng bạn? 

Mất đi một nửa của mình trong khi con cái luôn bận rộn vì công việc riêng, người già luôn cảm thấy cô đơn, khao khát có người bên cạnh để chia sẻ buồn vui. Ba mẹ đã một đời tảo tần vì con, các bạn đừng lấy lý do “muốn tốt cho ba mẹ” mà coi thường tình cảm đó rồi phản đối, tự định đoạt, muốn ba mẹ phải sống theo ý của mình. 

Tấn Tài (Mỹ Tho, Tiền Giang): Có thỏa thuận rõ ràng về tài sản riêng

Một khi ba hoặc mẹ cảm nhận đầy đủ sự quan tâm của con cháu thì tự khắc không cần tìm bạn đời. Nếu ba hoặc mẹ vẫn có nhu cầu, bạn nên ủng hộ vì nhiều nghiên cứu đã chứng minh người già có tình yêu sẽ trở nên vui vẻ, yêu đời hơn. Xung quanh tôi có nhiều người con chủ động đi tìm một nửa cho ba hoặc mẹ mình. 

Chính vì vợ chồng bạn phản đối nên ba chồng bạn mới có ý định dọn về nhà mình để tự do, không làm phiền ai. Theo tôi, nếu được sự ủng hộ của con cháu, ông và bạn gái đã không đòi sống chung. Có lẽ nhu cầu của ông bà chỉ đơn giản là yêu nhau, gặp gỡ nhau. 

Dù sống chung hay riêng, để tránh xảy ra tranh chấp tài sản về sau, cả gia đình bạn và bà P. nên cùng trao đổi thẳng thắn, có những thỏa thuận rõ ràng về tài sản riêng. Người già thường bảo thủ, tính khí thất thường, để có sự thống nhất, vợ chồng bạn phải thật tâm lý, nhẹ nhàng.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI