|
Thanh Thảo cùng cộng sự - đội ngũ tình nguyện viên trong ngày kỷ niệm 15 năm thành lập Thư viện mini Cô Ba |
Bị di chứng chất độc da cam/dioxin, chịu đựng căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ nhưng Huỳnh Thanh Thảo chưa từng ngừng nở nụ cười yêu đời. Dù phải gắn đời mình trên chiếc xe lăn, Thảo vẫn sống tích cực, trọn vẹn và thật đẹp với hành trình xây dựng những chương trình hỗ trợ người khuyết tật có tính lan tỏa rộng rãi. Điển hình là mô hình Thư viện mini Cô Ba & Quỹ khuyến học Cô Ba Ấp Ràng (ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM) đã mang đến nhiều hiệu quả, giúp ích cho những người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Nhân dịp Thư viện mini Cô Ba kỷ niệm tròn 15 năm thành lập, Thảo đã có những giây phút trải lòng về hành trình đầy gian nan nhưng thật đẹp mà cô đã đi nhiều năm qua.
Từ tự học đến dạy học
Không may mắn như những đứa trẻ khác, từ nhỏ, Thảo chỉ có thể nằm một chỗ, không thể tự ngồi. Vậy nhưng, với khát khao được nhìn ngắm thế giới xung quanh một cách bình thường nhất, năm 9 tuổi, Thảo quyết tâm tập ngồi dậy cho bằng được. Với ước mơ “được ngồi” cháy bỏng, hằng ngày, Thảo nhờ người thân treo dây trên xà ngang, tự mình níu dây, rướn người từng chút một. Với cơ thể đầy khiếm khuyết và đã phải nằm suốt chừng đó năm, mỗi cú rướn như có trăm ngàn mũi kim châm trong xương, rất đau đớn. Nhưng cứ vậy, Thảo đã từng ngày chinh phục được ước mơ của mình. Lúc này, hành trình chinh phục những con chữ cũng bắt đầu.
Từ khi biết nhận thức, khát khao biết chữ luôn thôi thúc Thảo. Cô biết, chỉ cần mình biết chữ thì chân trời sẽ bừng sáng. Lúc đó, mẹ đã dạy Thảo những con chữ đầu tiên trong đời, ngay trên giường, thông qua quyển sách Tiếng Việt tập một. Đến quyển Tiếng Việt tập hai, do mẹ Thảo không đánh vần được các vần khó như “oai, oang, oăn”, Thảo phải “tự bơi”. Dù phải học trong điều kiện sức khỏe ngặt nghèo, Thảo vẫn nuôi ý chí vươn lên bằng con chữ.
Khi đã biết đọc, viết thành thạo, Thảo lại mong muốn mang chút kiến thức ít ỏi bản thân có được chia sẻ cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Cơ duyên đến trong một dịp tình cờ. Một chị hàng xóm gần nhà Thảo làm công nhân trong một xưởng cá, do đặc thù phải làm theo ca nên chị hay mang con sang gửi nhà Thảo. Thảo chơi cùng em bé. Mấy chị em chơi đồ hàng chán, lại lôi sách, vở ra đọc. Cứ tưởng việc học chơi chơi thôi, không ngờ cuối năm, em bé đó đạt thành tích học sinh xuất sắc.
Đến năm kế, một gia đình ở xóm dưới nhà Thảo cũng mang con sang gửi. Tương tự, bé này cuối năm cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. “Tiếng lành” đồn xa, bà con trong xóm bắt đầu đưa con đến nhờ Thảo dạy chữ. Cứ vậy, lớp học tình thương của “cô Ba” Thanh Thảo hình thành năm Thảo 14 tuổi.
“Thư viện mini Cô Ba” được thành lập ngày 7/3/2009, lúc đầu chỉ là 1 tủ sách được xin lại từ tiệm tạp hóa người ta không còn sử dụng (tủ thuốc lá). Một lần Thảo được mời làm nhân vật chương trình Điểm hẹn tuổi hồng của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM; các thính giả nghe đài đã gửi sách về cho thư viện. Một số quyển Thảo xin lại từ con của cậu và chú mình. Đến nay, thư viện đã có hơn 6.000 quyển sách đủ thể loại.
Cuối năm 2009, một đoàn làm phim nước ngoài đến quay về cuộc đời Thảo. Bộ phim Thao’s Library đã được công chiếu ở New York (Mỹ). Năm 2010, đoàn phim trở lại Việt Nam để xây lại một thư viện rộng rãi và thoáng mát hơn như hiện tại. Từ ngày thư viện khang trang, các bạn nhỏ lui tới ngày càng đông hơn.
Bên cạnh đó, thư viện còn thường xuyên tổ chức các hoạt động như đi thăm, tặng quà ở các mái ấm, nhà mở. Ngoài ra, Thảo còn thành lập Quỹ học bổng Cô Ba Ấp Ràng vào năm 2011.
|
Thanh Thảo hạnh phúc bên ba mẹ |
Biết ơn vì được thương
Khi tôi hỏi, em lấy sức đâu mà làm được những điều phi thường như vậy - những việc kể cả người lành lặn cũng có thể không làm được, Thảo chỉ mỉm cười: “Có lẽ vì em được thương”.
Tôi nhìn lại hành trình gian nan của Thảo thì thấy quả đúng như vậy. Từ trái tim tha thiết yêu đời, yêu người, Thảo đã lần lượt kết nối được những tình nguyện viên vô cùng đặc biệt. Họ có thể là một doanh nhân, một người hoạt động trong mạng lưới nhân ái hay một người khuyết tật… Tất cả đều về đây, kề cận bên Thảo, sẵn sàng làm một cánh tay nối dài, một đôi chân khỏe mạnh để cùng Thảo gieo hạt mầm tử tế đi xa. Đội ngũ tình nguyện viên ấy ngày càng lớn mạnh. Những việc làm thiện nguyện của Thảo và các bạn đồng hành đã lan xa, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến rất nhiều người ở khắp nơi.
Trong ngày kỷ niệm 15 năm thành lập thư viện, Thảo xúc động nói lời biết ơn đến 2 đấng sinh thành. Ba Thảo - người đặc biệt nhất trong cuộc đời cô - là đôi chân đưa Thảo đi suốt hành trình mấy mươi năm đầy đau đớn ấy. Bao nhiêu năm có mặt trên đời là bấy nhiêu năm Thảo “đi” bằng đôi chân rắn rỏi của ba mình. Thảo nói: “Ai cũng nghĩ em là người rất nghị lực nhưng thật ra nghị lực nhất chính là ba mẹ em. Người mạnh mẽ nhất, nghị lực nhất, kiên cường nhất chính là họ - những người đã sinh ra em và can đảm nuôi dưỡng em cho đến hôm nay”.
Khát vọng gieo hạt mầm tử tế
Thảo thích được gọi là én nhỏ, muốn mình là một cánh én tung bay khắp muôn phương. Và thực tế dù khuyết đôi chân nhưng Thảo đã “bay” như chim với các chuyến thiện nguyện, gieo hạt mầm tử tế khắp nơi.
|
Những em học sinh được trao học bổng nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Thư viện mini Cô Ba |
Thảo trong mắt mọi người là một cô gái rất “lanh”, hoạt bát, năng động, líu lo suốt ngày không biết mệt. Nguồn năng lượng Thảo tạo ra cho mình chính là từ những suy nghĩ rất tích cực, những yêu thương tận sâu bên trong tâm hồn mong muốn tận hiến cho cuộc đời này. Có lẽ nhờ điều đó mà nhiều lần đứng trên bờ vực sinh tử, những tai nạn rất nặng dẫn đến gãy xương khắp người, Thảo đã thoát nạn và hồi phục một cách diệu kỳ.
Thảo cũng là một cô gái vô cùng ham học. Mới thấy Thảo ê a rèn cách phát âm chuẩn trong một lớp học tiếng Anh online, thoắt lại thấy cô học rèn giọng để đọc… thơ, truyện do chính mình sáng tác. Sự cầu thị ở Thảo dường như chưa bao giờ dừng lại. Thảo đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ hoàn tất các khóa học online, bồi dưỡng kiến thức để có thể đồng hành cùng các em nhỏ một cách trọn vẹn.
Thảo nói, cô chưa bao giờ nghĩ mình bất hạnh vì những khiếm khuyết cơ thể. Với cô, được sinh ra trên đời này đã là hạnh phúc. Và, cô phải sống cho mình, cho mọi người sao cho hạnh phúc ấy được trọn vẹn. “Một ngày có 24 tiếng; vui cũng một ngày, buồn cũng một ngày, vậy sao ta không chọn ngày vui để sống? Sống lạc quan cũng là một cách đáp đền cuộc sống này” - cô nói.
Trong mắt mọi người, Thảo là cô tiên của rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật.
Trong mắt tôi, Thảo lại là một cánh én xinh đẹp có trái tim nhân hậu luôn dịu dàng với nhân gian.
Trần Huyền Trang
Ảnh do nhân vật cung cấp