Một cánh cửa vẫn chờ đón bất cứ ai muốn đi học lại

18/11/2021 - 06:29

PNO - Trong cuộc sống, có rất nhiều mảnh đời ham học nhưng vì hoàn cảnh, họ không thể đi tiếp con đường học vấn. Hệ giáo dục thường xuyên ví như một cánh cửa, bước ngoặt của họ, chờ đợi và đón nhận bất cứ khi nào họ đủ điều kiện để quay trở lại theo đuổi ước mơ.

Quay lại trường lớp, cầm sách vở đi học khi tuổi đời đã không còn trẻ, sau nhiều năm mưu sinh kiếm sống thực sự không phải dễ dàng. Họ phải là những người có ý chí lớn, quyết tâm rất cao. Và một khi trở lại học tập với quyết tâm như vậy, họ thường rất thành đạt trong tương lai, chinh phục được những giấc mơ của mình.

Giáo dục thường xuyên không phải là hệ giáo dục khiếm khuyết như mọi người vẫn nghĩ
Giáo dục thường xuyên không phải là hệ giáo dục khiếm khuyết như mọi người vẫn nghĩ

Năm 2011, tôi được phân công giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bình Chánh (TPHCM). Thoạt đầu, tôi vô cùng bỡ ngỡ khi học trò có rất nhiều người đáng bậc cha, chú, đầu hai thứ tóc vẫn cắp sách đến trường. Thân thiết, hỏi thăm mới biết mỗi người một câu chuyện, một mảnh khó khăn riêng; nhưng chung nhau ước mơ được tốt nghiệp THPT hoặc học cao hơn.

Cùng với họ, hệ giáo dục thường xuyên cũng đón nhận nhiều đối tượng “đặc biệt”, là các học sinh học yếu, trung bình, khả năng tiếp thu kém hay có phần nghịch ngợm. Dù vậy, hầu hết đã theo đuổi con đường này, họ đều mang theo một mục đích là muốn đi học.

Thường, học viên trở lại trường lớp khi đã có sự đứt quãng, lớn tuổi, họ có tâm lý ngại giao tiếp, thậm chí nhiều người mặc cảm, ít chia sẻ. Thông qua nhiều phương pháp, thầy cô, nhà trường cần chủ động tiếp xúc, trò chuyện, tìm hiểu tâm tư… Về kiến thức, giáo viên không nên nóng vội, mà cần sự nhẫn nại, chờ các học viên hiểu được bài.

Tôi thường giảng bài chậm lại, ít khi đòi hỏi học viên hiểu hết bài giảng mà chỉ chọn trọng tâm của bài để dễ dàng nắm bắt. Tôi cũng thường đề nghị học viên có thể đến nhà mình để trao đổi bài, được nghe giảng lại, hỏi thêm hay mượn tài liệu nếu cần.

Với học sinh đặc biệt, có phần ngỗ nghịch; các em rất ít muốn chia sẻ hoàn cảnh của mình; giáo viên chỉ có thể thông qua người thân hay bạn bè các em. Từ đó, tìm một phương pháp tiếp cận và giảng dạy phù hợp.

Tôi còn nhớ, có một học sinh vì không đậu THPT năng khiếu đã đăng ký học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bình Chánh. Em luôn tỏ ra bất cần và không chịu học. Một hôm thi lại chính môn học của tôi, các bạn đều đã làm bài xong và ra khỏi lớp. Còn một mình, em đề nghị tôi giúp đỡ làm bài thi. Tôi từ chối. Em bật khóc. Tôi cũng bật khóc theo.

Không dám ngồi đó, tôi nhờ một giáo viên khác thay mình trông thi. Sau đó, em học sinh đã rớt. Tôi lo lắng rất nhiều, sợ em nản lòng và nghỉ học luôn.

Thế rồi, tình cờ gặp lại em, tôi vui mừng khi biết em không nản, cũng không giận tôi mà tiếp tục đi học, sẵn sàng học lại môn của tôi. Tôi rất xúc động và nói với em rằng: “Em cố gắng nhé, từ bây giờ tôi sẽ theo dõi em”. Thường xuyên động viên và sẵn sàng giúp đỡ giảng bài, cuối cùng, em ấy cũng tốt nghiệp THPT. 

Môi trường giáo dục thường xuyên có lẽ nặng về giáo dục hơn là dạy chữ. Công tác ở hệ học này, người giáo viên trước tiên phải có lòng yêu và sự nhiệt huyết với nghề, không ngại khó, khổ và bản thân mình phải luôn mở lòng đón nhận mọi điều từ học sinh mới không cảm thấy chán nản, lo lắng.

Cùng với tấm lòng, tâm huyết của giáo viên, ban giám đốc trung tâm cũng cần tạo nhiều điều kiện để giáo viên được tiếp xúc sâu sắc với học sinh, như tạo cơ sở vật chất để giáo viên phụ đạo cho học sinh hay tổ chức các chương trình của lớp mang tính gắn kết mọi người với nhau.

Tôi luôn cảm thấy may mắn vì đã trải qua một quãng thời gian trong đời giảng dạy cho các học sinh thuộc nhiều đối tượng ở trung tâm ngày đó. Nơi mà mỗi ứng xử của giáo viên đều phải tinh tế, khéo léo, nếu không sẽ phản tác dụng; đồng thời là nơi mà mỗi một mối quan hệ với học viên đều giống như người thân thích của mình. Hiểu, san sẻ và yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. 

Kim Thị Huế Nhị

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI