Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0”

Một cái cúi chào cũng ấm lòng người

06/11/2023 - 07:58

PNO - Hình ảnh trẻ nhỏ hay người lớn sang đường cúi đầu cảm ơn bác tài đã nhường đường luôn cho người ta cảm giác ấm lòng. Chỉ một hành vi nhỏ nhưng ấm áp, có sức lan tỏa lớn.

Nét đẹp của văn hóa giao thông

Vào đầu tháng 8/2023, tiktoker Nguyễn Lâm - một tài xế tại TPHCM - đăng tải đoạn clip tổng hợp hình ảnh người qua đường cúi đầu bày tỏ sự cảm ơn bác tài vì đã nhường đường. Đoạn clip thu hút hàng triệu lượt xem và để lại bình luận tích cực. Những người xuất hiện trong clip là học sinh, bạn trẻ, phụ nữ, đàn ông… trên nhiều tuyến đường. Cách cảm ơn của trẻ nhỏ là khoanh tay cúi đầu, còn người lớn với một cái gật đầu nhẹ hướng về bác tài. Tất cả đều thể hiện nét đẹp ứng xử trong văn hóa giao thông. 

“Vui” và “cảm động” là cảm xúc chung của nhiều tài xế khi chia sẻ những hình ảnh đẹp từ camera hành trình. Với người xem clip cũng là những cảm xúc đẹp: “dễ thương”, “ấm lòng”, “tử tế”… Hàng triệu người lưu thông trên đường phố mỗi ngày, không phải ai cũng thể hiện được hành động đẹp như vậy. Nhiều bác tài không sẵn sàng nhường đường, không ít người điều khiển phương tiện tranh giành từng mét đường. Họ sẵn sàng bấm còi inh ỏi, thậm chí dễ dàng cãi vã, gây gổ nhau. Văn hóa giao thông vẫn còn rất nhiều ứng xử kém văn minh/tiêu cực. Chính vì vậy mà những hình ảnh đẹp, tử tế được chia sẻ luôn khiến cộng đồng thấy ấm áp. 

Hành động cúi đầu cảm ơn khi được nhường đường của một thanh niên ở Hà Nội hồi tháng 10/2022 được cộng đồng mạng biểu dương - Ảnh chụp màn hình
Hành động cúi đầu cảm ơn khi được nhường đường của một thanh niên ở Hà Nội hồi tháng 10/2022 được cộng đồng mạng biểu dương - Ảnh chụp màn hình

 

Văn hóa cảm ơn khi sang đường của người Việt khá giống “văn hóa cúi đầu” (Ojigi) của người Nhật. Cúi đầu là cách người Nhật thể hiện sự chào hỏi hoặc cảm ơn/xin lỗi, khi nhận sự giúp đỡ và đó cũng là thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trong ứng xử. Văn hóa cúi đầu cảm ơn bác tài khi sang đường được lan tỏa từ hình ảnh lễ phép của các học sinh Nhật Bản nhiều năm trước. 

Hình ảnh “cúi đầu cảm ơn” hay những ứng xử đẹp trên đường ngày càng được chia sẻ nhiều hơn trên mạng xã hội: xe tải chắn gió cho xe máy qua cầu khi mưa bão, xe hơi chạy chậm để chiếu sáng cho xe máy trong đêm; trẻ nhỏ giúp cụ già sang đường, người lớn hỗ trợ cứu động vật bị mắc kẹt dưới đường thoát nước… Những chuyện tử tế ấy - dù có camera ghi lại hay không - vẫn diễn ra trên nhiều nẻo đường. Và khi những khoảnh khắc nhân văn ấy được lan tỏa, cộng đồng lại thêm một lần được cảm nhận về giá trị chân thật cũng như sự tử tế của bao người. 

Cần nhất là ý thức của mỗi người

Văn hóa giao thông của người Việt vẫn còn rất nhiều hình ảnh không đẹp: xe máy leo lề, vượt ẩu; người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định, trèo qua dải phân cách… Thường xuyên di chuyển bằng xe công nghệ, người viết nhiều lần chứng kiến những câu chuyện không hay (thậm chí khá nguy hiểm) của người tham gia giao thông: xe máy tạt ngang đầu xe hơi, chửi thề, cãi vã sinh sự; va quẹt nhỏ cũng có thể tạo thành xung đột lớn. Ai cũng muốn đi nhanh, giành phần đúng/lợi ích về phía mình mà bất chấp những ứng xử kém văn hóa. Giữa đám đông kẹt xe hay chờ đèn đỏ, nhiều người cứ liên tục nhấn còi dù thực tế cho thấy rõ rằng tiến - lùi đều khó. Vượt đèn đỏ, dừng xe ở ngã tư chắn phần đường rẽ phải, không giảm tốc độ làm bắn nước tung tóe vào người khác… là chuyện rất thường xuyên diễn ra. Tệ hơn nữa là vô tư khạc nhổ khi đang lưu thông; hay xả rác, tiểu bậy. Đây đều là câu chuyện thuộc về ý thức.

Khi văn hóa giao thông tại Việt Nam “có vấn đề”, nhiều câu chuyện về văn hóa giao thông xứ người được chia sẻ như những bài học. Đó là văn hóa nhường đường, cúi đầu cảm ơn khi qua đường của Nhật Bản, là “văn hóa còi xe” của Lào, “câu chuyện vỉa hè” của Thái Lan… Người Lào xem việc nhấn còi xe là hành động kém văn minh, còn người Thái tuân thủ quy định vỉa hè tuyệt đối chỉ dành cho người đi bộ. Ở Singapore, việc xả rác bừa bãi nơi công cộng còn bị phạt nặng hoặc lao động công ích. Đây điều là những giá trị tích cực mà cộng đồng có thể tiếp nhận. Đừng quên rằng, ở chiều ngược lại, du khách quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ có những ấn tượng về văn hóa giao thông nước ta. Tốt hay không tốt do ứng xử của cộng đồng góp phần quyết định. 

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: “Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”. 

Pháp luật đã có những quy định về trật tự an toàn giao thông. Người tham gia giao thông cũng được trang bị kiến thức, quy tắc cần thiết khi lưu thông. Nhưng góp phần xây dựng nên văn hóa giao thông quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi người, tuân thủ pháp luật đồng thời ứng xử theo những chuẩn mực của đạo đức, văn hóa. Điều này chỉ có thể thay đổi khi người dân nhận thức lại thói quen hành vi, từng bước sửa đổi mình, làm gương cho người khác, đặc biệt là góp phần giáo dục ý thức cho thế hệ sau. 

Song  Giang

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa