Có nhiều núi trong thành phố là điểm check-in quen thuộc của giới trẻ: núi Cô Tiên, núi Sạn… Đứng trên những đỉnh núi này phóng tầm mắt ra biển là một trải nghiệm khó quên. Đó là những địa điểm lý tưởng để săn mặt trời hay ngắm hoàng hôn buông xuống thành phố biển. Tuy nhiên, có một ngọn núi khá cao, có thể nhìn bao quát cảnh đẹp của Nha Trang và vùng Diên Khánh mà ít du khách chú ý đến - núi Phượng Hoàng.
Thăm chùa trên núi
Nếu hỏi núi Phượng Hoàng ở đâu, có thể người địa phương sẽ lúng túng, nhưng nếu bạn hỏi chùa Suối Ngổ sẽ được chỉ dẫn tận tình. Hôm ấy, chúng tôi may mắn được chứng kiến và cảm nhận không chỉ bốn mùa trong một buổi chiều mà còn thấy cầu vồng bên dưới chân mình khi đứng ở lưng chừng núi Phượng Hoàng (thôn Xuân Phong, xã Vĩnh Phương, Nha Trang, Khánh Hòa).
Đường lên núi hiện nay rất dễ đi so với nhiều năm trước. Xe máy có thể chạy một mạch lên đến chùa. Tuy nhiên, do đường quanh co, có nhiều dốc đứng nên tay lái phải thật vững. Dưới chân núi có vài người làm dịch vụ chạy xe thồ đưa người lên, xuống với giá 100.000 đồng khứ hồi. Khách hành hương chùa Suối Ngổ vào ngày rằm, mùng Một thường chọn đi bộ.
Với nhiều bạn trẻ, đi bộ lên chùa cũng là một trải nghiệm thú vị, có thể ngắm thành phố Nha Trang qua nhiều góc nhìn. Khoảng 5km đường lên núi, hai bên đường cây xanh mát mẻ. Càng lên cao khí hậu càng dịu mát. Đi từ sáng sớm sẽ ít mệt.
Chùa Suối Ngổ nằm bên suối có tên gọi là sắc tứ Linh Chi Sơn Tự.
Trong Xứ trầm hương của Quách Tấn (xuất bản năm 1969) thì chùa: “Cất trên triền núi, phía đông Suối Ngổ, mặt ngó vào nam. Kiểu thức không có gì đặc biệt, quy mô không lấy gì làm rộng lớn. Nhưng có tiếng rất linh thiêng. Người đau đến cầu thường khỏi. Người có tai nạn đến cầu thường qua. Và những lá xăm của chùa cho thì luôn linh ứng… Trong núi có con cọp mun rất hiền, hễ gặp người liền tránh. Trước chùa có một miếu nhỏ thờ “Sơn Lâm chúa tướng”. Nơi miếu thỉnh thoảng con cọp mun về nằm nghỉ ngơi.
Truyền rằng: Một năm chùa làm chay vừa xong, người trong chùa và người đến cúng bị mỏi mệt ngủ quên. Nửa đêm kẻ trộm vào dọn hết từ khí, từ vật và chén bát, nồi niêu. Khổ chủ thức dậy, thất kinh. Toan kéo nhau đi tìm thì thấy một đoàn người khiêng gánh kéo vào ngõ. Đoàn người vào chùa quỳ lạy vị trụ trì và thú thực rằng đã ăn trộm và nói:
- Chúng tôi xuống khỏi dốc thì gặp chúa Sơn Lâm đứng dựng trên hai chân sau và giơ cao hai chân trước, miệng gầm gừ nghe rợn tóc gáy. Chúng tôi quýnh cẳng, cứng tay, đứng im không nhúc nhích. Ngài cũng đứng yên. Thấy ngài không có ý làm hại, chúng tôi mới hoàn hồn. Ngài ra dấu bảo chúng tôi trở lại. Biết mình làm việc quấy, mà ngài không nỡ hành tội, chúng tôi liền gánh đồ đạc trả lại cho chùa…
Câu chuyện lan truyền làm cho chùa Suối Ngổ nổi tiếng thêm”.
|
Chùa Suối Ngổ nằm bên suối có tên gọi là sắc tứ Linh Chi Sơn Tự |
Bốn mùa về trong một buổi chiều
Lên đến chùa Suối Ngổ rồi men theo con đường mòn đến nơi cao và quang đãng nhìn xuống bên dưới là thành phố Nha Trang và một phần huyện Diên Khánh. Đây là nơi săn mây, săn mặt trời của giới nhiếp ảnh và nhiều người yêu thích phong cảnh đẹp ở Nha Trang mà Quách Tấn đã viết trong Xứ trầm hương nửa thế kỷ trước:
“Chung quanh hồ và hai bên bờ suối, rau ngổ mọc đầy, mùi hương bay thơm ngát. Người địa phương thường đến hái bán. Do đó suối mệnh danh là Suối Ngổ… Muốn thưởng thức thú gió rộng trời cao thì vịn đá vịn cây sang qua bên kia hồ, theo bờ suối mà lên núi. Một vọng cảnh bao la từ Nha Trang trải trùm lên tận Diên Khánh, thành một tấm thảm vĩ đại có trăm sắc đậm nhạt điểm lên trên màu xanh. Thật vô cùng ngoạn mục”.
Hôm ấy, sau khi trải qua 20 phút cảm giác mạnh vượt những khúc cua đèo dốc bằng xe máy, chúng tôi đến sân chùa rồi theo đường mòn nhỏ lên đến mặt bằng cao nhất đã được khai phá và nhìn xuống bên dưới.
Trời đang nắng đẹp, hoa cỏ tươi tắn khoe sắc mùa xuân bỗng gió ầm ào, phần phật bên tai giai điệu của biển hòa cùng núi rừng hùng tráng, mạnh mẽ.
Bên dưới, phía xa trước mặt là biển trải rộng xanh thẳm, thoáng đãng mà gần gũi. Những dãy núi liên hoàn như xếp đặt theo một thứ tự từ nhỏ đến lớn kéo ra tít mãi chân trời rồi chìm khuất trong cái nền màu xanh không phân biệt được mây hay mặt biển.
|
Trăng lên |
Gió mạnh hơn. Bầu trời bỗng chia thành hai phần, bên trong chuyển màu xám đen nhưng phía ngoài kia biển vẫn xanh và nắng rất tươi. Có thể cảm nhận rõ ràng mây đang kéo từ thị trấn về hướng biển báo hiệu một cơn mưa mùa hạ sắp đến.
Dòng sông Cái uốn lượn loáng bạc mà có lẽ đó là màu mây tối pha trộn với màu nắng phía biển khiến nó ánh lên màu sáng loang trắng. Mưa bắt đầu đùn đẩy từ vùng ven về biển. Thế nhưng, tít tắp chân trời vẫn một màu xanh như không hề có dấu hiệu sẽ mưa.
Rồi bầu trời xanh dần như có bàn tay phép thuật làm biến mất cái mái hiên mây màu đen. Màu ánh bạc vòng vèo bên dưới chuyển dần sang màu trắng lóa rồi dịu đi rất nhanh.
Chúng tôi như hóa đá trước vẻ đẹp kỳ ảo của mây trắng đang trôi chậm trên dãy núi liên hoàn trước mặt, lúc đầy, lúc vơi, lúc đậm, lúc nhạt. Gió đuổi mây nhanh. Từ phía Diên Khánh, mây như khói đùn lên từ miệng một ngọn núi thấp, xung quanh chỉ có những cánh đồng vừa gặt xong, khô khốc. Mây mùa thu tỏa ra rồi trôi đi làm nắng vàng thêm một chút.
Trời bỗng chuyển lạnh đột ngột như đông về.
Thời tiết như thể bốn mùa đã tụ hội chỉ trong một buổi chiều. Tuyệt vời hơn nữa là cầu vồng sau mưa. Chúng tôi có cảm giác như nó gần sát dưới chân với vòng cung thật lớn.
Những đỉnh núi rõ dần, đậm màu, mây tan hết từ lúc nào. Vài cụm mây mỏng vờn mơn man trên đỉnh núi vun tròn, nhọn trông thật gợi tình. Bầu trời sáng lên rỡ ràng như chưa hề có màn mây đen đầy đe dọa trước đó. Cầu vồng lúc này mờ mờ ảo ảo buông chồm ra biển. Ngay nơi gặp biển, màu của nó nhạt nhòa hòa cùng màu trời, màu nắng và màu biển.
Chiều sậm màu. Mây chậm lại, nắng vàng màu rồi nhạt đi và mất hút nhường chỗ cho chạng vạng. Thành phố bên dưới bắt đầu sáng đèn. Hôm đó vào ngày trăng. Chúng tôi ngồi nán lại chờ trăng lên. Nền chiều xanh thăm thẳm, trăng nhô lên từ chân trời, màu đỏ nhạt, đậm dần rồi chuyển sang vàng và cuối cùng thành một màu trắng sáng treo lơ lửng giữa núi rừng.
Thật là một niềm vui khó quên trong đời khi trải qua một buổi chiều như thế trên ngọn núi cao nhất Nha Trang - nơi có thể nhìn ngắm toàn cảnh phố biển từ lúc mặt trời vừa hé dạng cho đến trăng khuya.
Núi Phượng Hoàng cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 8 - 10km, tùy theo đường đi. Có nhiều cách đến đây. Tiện nhất là theo Quốc lộ 1A từ ngã ba Rù Rì về hướng ngã ba Thành, Diên Khánh, đến Đá Lố hỏi đường lên núi. Bạn cũng có thể đi từ Ngọc Hiệp, băng qua Vĩnh Phương rồi ra Quốc lộ 1A, đi một đoạn ngắn là đến ngã rẽ lên núi, phía tay phải (về hướng Thành). |
Bài và ảnh: Đào Thị Thanh Tuyền