Một bàn tay chìa ra…

13/07/2015 - 18:30

PNO - PN - Trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử, Hy Lạp dứt khoát nói “không” với những điều kiện của chủ nợ, muốn tự quyết vận mệnh kinh tế của nước mình. Những hàng người nối tiếp nhau trong náo loạn, chờ đến lượt rút tiền...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Thom Feeny không phải là nhà kinh tế học, cũng chẳng phải chuyên gia, anh chỉ là một công dân bình thường, một người bán giày, bức xúc trước “ngõ cụt” đang xâu xé đất nước Hy Lạp, đẩy nhiều gia đình đến cảnh tan tác, đổ vỡ. Ngay thời điểm Hy Lạp hết hạn trả khoản vay khổng lồ vì nợ công, Thom đã lập chiến dịch kêu gọi người dân châu Âu “góp gió thành bão” trên trang web Indiegogo (chuyên dành kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng), chung tay vì quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang trong cảnh khó.

Mỗi người góp 3 EUR là có thể lập nên kỳ tích. Chỉ trong bốn ngày, số tiền được góp từ 82.000 người ở khắp nơi trên thế giới đã lên đến 1,4 triệu EUR. Dù còn khá khiêm tốn so với số nợ 1,6 tỷ EUR mà Hy Lạp đang gánh nhưng trên hết, “hiện tượng Thom Feeny” đã giúp lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng.


Thom Feeny - Ảnh: Guardian

Đã có thời điểm lượng truy cập Indiegogo quá tải. Đại diện công ty cho rằng đây là điều chưa từng có, cho thấy người dân vô cùng quan tâm và muốn nỗ lực của mình có thể giúp người dân Hy Lạp vượt qua giai đoạn khắc nghiệt này. Indiegogo có quy định, trong khoảng thời gian cụ thể, nếu chiến dịch không hoàn thành, nghĩa là không đạt được số tiền 1,6 tỷ EUR thì tự động tiền của những ai gửi về sẽ được trả lại.

Tuy nhiên, Thom tự tin cho biết, nếu chiến dịch phải ngưng giữa chừng thì đây sẽ là “phép thử” để anh tiếp tục kêu gọi bằng những chương trình khác. Thom Feeny chia sẻ: “Thông qua chiến dịch này, tôi muốn nhắn nhủ chúng ta không thể thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh vì tất cả đang sống trong thế giới toàn cầu hóa và mỗi người, mỗi quốc gia là một mắt xích vô cùng quan trọng, gây ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế của các nước khác”.

Mot ban tay chia ra…

Nhiều người dân hy Lạp lo lắng vì không được rút tiền gửi ngân hàng - Ảnh: Mirror

Thành công của Thom là tạo được sự đồng cảm của nhiều người, đó là cách để mọi người thấy chính mình trong câu chuyện Hy Lạp để sớm có hành động cụ thể. Anh nói: “Sự phản hồi nhanh chóng của nhiều người với chiến dịch này cho thấy, để khôi phục một nền kinh tế, không chỉ có cắt giảm và thắt lưng buộc bụng mà còn có cả kích cầu và đầu tư”.

Nước Anh cũng là một trong những quốc gia châu Âu phải áp dụng chính sách thắt chặt chi tiêu để giảm nợ công. Sự điều chỉnh ấy tác động ít nhiều đến Thom, buộc anh phải xoay xở để ổn định công việc bán giày, nên anh hiểu san sẻ với người dân Hy Lạp ở thời điểm hiện tại là việc cần làm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu Thom đưa ra khó có thể đạt được nhưng họ đánh giá cao tinh thần của anh, điều Thom đeo đuổi đã gửi thông điệp mạnh mẽ đến mọi người. Đó là sự đoàn kết chứ không đơn thuần là một chiến dịch quyên góp từ thiện. Giannis Arkoudos, một nhân viên thiết kế web làm việc ở Athens nói rằng, lời kêu gọi của Thom đã mang lại sự đồng cảm, ủng hộ tinh thần rất lớn từ cộng đồng quốc tế đối với người dân Hy Lạp.

Trước khi chiến dịch kêu gọi hỗ trợ Hy Lạp khởi động, Thom Feeny là một cái tên bình thường. Nhưng khi ý tưởng biến thành hành động cụ thể, người ta nhắc đến anh với bài học về thái độ sống cùng cộng đồng. Khái niệm “công dân toàn cầu” được định nghĩa từ những hành động kết nối và ý thức của mỗi cá nhân trước câu chuyện sống còn của bất cứ quốc gia nào. Thom đã kể được câu chuyện thực tế rằng một bàn tay chìa ra, sẽ có muôn vàn bàn tay bắt lấy để thắt chặt tinh thần cộng đồng.

 ANH THÔNG

(Theo Guardian, entrepreneur.com, Al Jazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI