Moonlight - màu của nỗi buồn và hy vọng

09/02/2017 - 09:52

PNO - Bên cạnh La La Land, bộ phim độc lập Moonlight là cái tên nổi bật của điện ảnh thế giới năm qua. Phim đang nắm giữ tám đề cử quan trọng của mùa Oscar sắp diễn ra, trong đó có hạng mục Phim hay nhất.

Đối với nhiều khán giả, Moonlight (Ánh trăng) của đạo diễn Barry Jenkins dễ được liên tưởng tới Boyhood (Thời thơ ấu) của đạo diễn Richard Linklater. Cách đây hai năm, Boyhood gây ấn tượng về cách làm phim theo diễn tiến thời gian cùng câu chuyện giản dị về hành trình cuộc đời cậu bé Mason.

Đến Moonlight, máy quay không theo sát nhân vật trung tâm do duy nhất một người đóng qua 12 năm, mà nhân vật chính trong phim từ ấu thơ đến khi trưởng thành do ba diễn viên đảm nhiệm. Gói gọn trong gần hai giờ là ba phần phim được đánh số: Little, Chiron và Black. Đây chính là những cái tên khác nhau mà người ta gọi cậu bé, và sau là chàng trai Chiron, mỗi cái tên mang một ý nghĩa.

Với Little, đó là những năm tháng cậu bé Chiron bị bạn bè thường xuyên bắt nạt, cô lập. Sự lạc lõng của cậu trong gia đình có bà mẹ nghiện ma túy được bù đắp phần nào từ sự che chở, yêu thương của người đàn ông buôn ma túy nhưng có lòng trắc ẩn tên Paul và vợ anh ta. Đến phần hai - Chiron, là giai đoạn nhân vật chính ở độ tuổi trung học, bắt đầu có những rung động đầu đời, loay hoay đối diện với cuộc sống dường như ngày một phức tạp và khắc nghiệt. Phần thứ ba mang đến nhiều cảm xúc nhất.

Liệu sau những biến cố, Black, tức Chiron, sẽ hướng cuộc đời mình về phía nào và cuộc sống đầy rẫy bất trắc cũng như bất bình đẳng của những người da màu như cậu có lúc nào trở nên bình yên, có lúc nào được chạm đến hạnh phúc?

Moonlight - mau cua noi buon va hy vong
 

Với nội dung không quá kịch tính, nếu nói Moonlight có chủ đề là cuộc sống bấp bênh của người da màu ở Mỹ cũng đúng, mà nói đó là câu chuyện về chàng trai đồng tính trong hành trình nhận diện bản thân cũng không sai. Trên IMDb, có rất nhiều người không ngại đánh giá Moonlight xứng đáng là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất của năm 2016. Ngược lại, bộ phim cũng vấp phải nhiều lời chê bai thậm tệ.

Tuy vậy, bất chấp hai luồng ý kiến trái chiều thường dành cho các bộ phim độc lập, kinh phí thấp, có đề tài không quá ăn khách, Moonlight vẫn như chú ngựa ô nhỏ bé nhưng khỏe khoắn chinh phục hàng loạt giải thưởng quốc tế lớn. Tác phẩm điện ảnh thứ hai của đạo diễn Barry Jenkins, tiếp sau phim dài đầu tay Medicine for Melancholy đã được xướng tên hồi tháng 1/2017 là Phim tâm lý hay nhất ở giải Quả cầu vàng. Hiệp hội phê bình phim Los Angeles bình chọn Moonlight là phim xuất sắc nhất năm 2016, vượt trên La La Land. Đạo diễn, quay phim và nam diễn viên phụ Mahershala Ali trong vai Paul cũng được xướng tên ở vị trí cao nhất.

Có ý kiến cho rằng, Moonlight được giới phê bình đánh giá cao là vì tính thời điểm, khi chủ đề người da màu ở Mỹ đang được chú ý, gắn với những sự kiện thời sự gần đây, ví dụ như chủ nghĩa dân túy và bảo hộ cho người da trắng quay trở lại. Tuy vậy, nếu gạt qua chủ đề sắc tộc, Moonlight vẫn thực sự là bài thơ đầy sức rung động về con người, đầy sự khắc khoải về thế giới nội tâm. Phim thuyết phục người xem ở sự từ tốn và tinh tế trong từng chi tiết, câu thoại. Từng nhân vật chính phụ trong Moonlight đều có tính cách khá rõ nét mà chỉ cần gạt qua những phán xét vội vàng, người xem có thể cảm thông và dần nhận ra vẻ đẹp trong mỗi con người.

Tính nghệ thuật của Moonlight còn được thể hiện ở những góc máy trau chuốt, lối dựng gãy gọn, cùng tông màu trầm, tối chiếm đa phần để thể hiện nỗi buồn riêng và vẻ đẹp riêng của Chiron cũng như người da màu nói chung. Giọt nước mắt của nhân vật chính trước biển là giọt nước mắt lấp lánh, vẻ đẹp nội tâm của các nhân vật là vẻ đẹp của ánh trăng trong đêm u tối. Trong tổng thể hài hòa, đạo diễn mang đến điểm nhấn đáng giá cho Moonlight ở đoạn cuối. Khi đó, nhân vật chính đến với “thời điểm phải tự quyết định xem mình là ai”, để được sống là chính mình. Lúc này, thay cho vẻ đẹp của ánh trăng, vẻ đẹp của những giọt nước mắt, là vẻ đẹp của tình yêu. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI